Bôi bẩn bóng đá vì ghế Chủ tịch VFF

Bóng đá Việt Nam vừa sáng lên với thành công của ĐT U23 lại bắt đầu bị bôi bẩn bởi cuộc tranh giành ghế lãnh đạo VFF ở đại hội sắp tới. Ảnh: VS.
Bóng đá Việt Nam vừa sáng lên với thành công của ĐT U23 lại bắt đầu bị bôi bẩn bởi cuộc tranh giành ghế lãnh đạo VFF ở đại hội sắp tới. Ảnh: VS.
TP - Bóng đá Việt Nam vừa có tín hiệu khởi sắc lại đang đối diện nỗi lo bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giành ghế ở đại hội 8 VFF. Đủ các chiêu trò, đòn miếng được tung ra mà người trong cuộc nhìn qua đủ biết từ đâu và vì cái gì.

Thành công lớn nhất của đội tuyển U23 Việt Nam ở đấu trường châu Á đầu năm 2018 không chỉ là vị trí Á quân. Qua giải đấu này, bóng đá Việt Nam đã tạo nên một loạt ngôi sao mới như Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh (CLB Hà Nội) hay thủ môn Bùi Tiến Dũng (Thanh Hoá), trung vệ Tiến Dũng (Viettel)…Cùng với lứa 1 Học viện HAGL của bầu Đức, những gương mặt này đã tạo sức hút lớn cho giải bóng đá VĐQG, Nuti Cafe V-League 2018.

Thống kê các vòng đấu đầu tiên của V-League đều rất ấn tượng, đặc biệt ở số lượng CĐV tăng lên kỷ lục so với các mùa giải trước. Điển hình như vòng 1, đã có tổng cộng 60.000 CĐV tới sân ở 5 trận đấu, trung bình 12.000 người/trận. Tới vòng 2, số lượng khán giả vẫn duy trì ở mức trung bình 10.900 người/trận. Một số trận đấu có lượng khán giả vô cùng ấn tượng như Hải Phòng-HAGL trên sân Lạch Tray (21.000 người), sân Thanh Hoá 12.000 người, sân Hoà Xuân 11.000 người hay sân Vinh gần đây vốn hiu hắt khán giả cũng 10.000 người.

Điều đáng mừng, HAGL không còn là thỏi nam châm duy nhất hút CĐV. Ở lượt đầu tiên, cặp đấu giữa HAGL và Bình Dương có 13.000 CĐV tới sân Pleiku, nhưng đông nhất là sân Thiên Trường với 22.000 người. Ngay cả những sân bóng vốn ít khán giả “kinh niên” như Hàng Đẫy, tình hình cũng đổi khác. Trận đấu giữa CLB Hà Nội với Hải Phòng ở lượt đầu tiên V-League, khán giả đôi bên đứng gần chật cả 2 phía khán đài A và B, tạo nên cảnh tượng hết sức sôi động. Bên cạnh lượng CĐV Hải Phòng vốn cuồng nhiệt, Hà Nội đang dần tạo được sức hút với nhiều ngôi sao trong đội hình như kể trên. Bên cạnh đó, cũng phải đánh giá cao nỗ lực kéo người xem đến sân của đội bóng này, từ việc sửa sang mặt sân đến tổ chức nhiều hoạt động xã hội, các chương trình bên lề.

Bôi bẩn bóng đá vì ghế Chủ tịch

Trong bối cảnh trên, nhiều người trong giới bắt đầu lo lắng V-League có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc đấu đá tranh ghế ở thượng tầng VFF. Đại hội nhiệm kỳ 8 sắp diễn ra và gần 1 năm qua, đã có một số luồng thông tin liên tục “đánh” trực diện vào VFF.

Nhiều thông tin không chính xác hoặc chỉ đúng một phần đã được “cắt ghép” một cách khéo léo, chỉ với mục đích hạ bệ đối phương. Tất cả đều hướng tới việc đánh vào uy tín của những người thuộc diện ứng viên nhân sự lãnh đạo chủ chốt ở VFF nhiệm kỳ 8 dưới vỏ bọc vì bóng đá Việt Nam.

Người trong cuộc không lạ gì tình trạng “bằng mặt, không bằng lòng” giữa giới lãnh đạo VFF với nhau. Đến độ khi bị chất vấn, VFF không dám bác bỏ mà chỉ phân trần không có chuyện mất đoàn kết, mà chỉ “chưa đoàn kết cao”. Có đoàn kết thật hay không thì có lẽ nhìn vào tình trạng gần đây, khi các nhân vật “chóp bu” trong thường trực VFF liên tục lên tiếng đả kích nhau, dư luận hoàn toàn có thể nhìn ra. Cái kim để lâu đã không thể giấu mãi trong bọc.

Đại hội nhiệm kỳ 8 vẫn chưa chốt thời hạn tổ chức, và tin rằng từ nay đến đó, sẽ tiếp tục có những đòn miếng khác được tung ra để phục vụ cho cuộc đua vào ghế Chủ tịch, phó chủ tịch VFF. Nói tới đây lại thấy buồn, bởi bóng đá là phản ảnh một phần diện mạo xã hội và cuộc đua ở đại hội 8 VFF cho thấy, bóng đá đang có nhiều chuyện để bàn.

V-League vừa sống lại, bóng đá Việt Nam đang tạo được một nền móng cơ bản để có thể nghĩ tới hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. “Minh chủ” của cả nền bóng đá vì vậy có thể là bất kỳ ai, nhưng chắc chắn không thể là người sẵn sàng bôi bẩn nó chỉ để phục vụ cho tham vọng quyền lực cá nhân. Có rất nhiều cách “vận động” cho cuộc bầu cử sắp tới, nhưng nhiều người đang chọn cách xấu nhất, không cần quan tâm tới lợi ích chung.

Người trong cuộc không lạ gì tình trạng “bằng mặt, không bằng lòng” giữa giới lãnh đạo VFF với nhau. Đến độ khi bị chất vấn, VFF không dám bác bỏ mà chỉ phân trần không có chuyện mất đoàn kết, mà chỉ “chưa đoàn kết cao”. Có đoàn kết thật hay không thì có lẽ nhìn vào tình trạng gần đây, khi các nhân vật “chóp bu” trong thường trực VFF liên tục lên tiếng đả kích nhau, dư luận hoàn toàn có thể nhìn ra. Cái kim để lâu đã không thể giấu mãi trong bọc.

MỚI - NÓNG