Bóng chuyền nữ Việt Nam: Vô địch ĐNA ở SEA Games 26?

Bóng chuyền nữ Việt Nam: Vô địch ĐNA ở SEA Games 26?
TP - Sau 15 năm hoà nhập trở lại đấu trường khu vực, bóng chuyền Việt Nam đã mạnh dạn đặt ra mục tiêu phấn đấu: Giành ngôi vô địch nữ trong vòng 3 kỳ SEA Games tới.
Bóng chuyền nữ Việt Nam: Vô địch ĐNA ở SEA Games 26? ảnh 1
ảnh: Phương Nam

Đó là một kế hoạch khả thi”, - Ông Hà Mạnh Thư, TTK Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khẳng định.

 Theo ông Thư, hiện nay BCVN đang đứng vững ở ngôi vị á quân, nếu được đầu tư tốt, đội bóng chuyền nữ trong nhà hoàn toàn có khả năng giành ngôi vô địch vào SEA Games 26 nhưng với điều kiện phải đầu tư ngay từ bây giờ. Có thể là tạo thêm nhiều cơ hội cọ xát, tập huấn quốc tế, thậm chí cử VĐV ra nước ngoài đào tạo như một số quốc gia khác đã làm.

Hiện tại BCVN có lợi thế về yếu tố con người, đặc biệt là chiều cao. Với mức trung bình trên 1m74, các VĐV Việt Nam không hề thua kém với các quốc gia trong khu vực, thậm chí một số VĐV khá triển vọng hiện tại của các đội như Vĩnh Long, Bộ TLTT còn vượt cả Thái Lan khi cao tới 1m86.

Cũng theo ông Thư, sở dĩ Thái Lan bao năm qua vẫn độc chiếm ngôi vương ở môn này chính là nhờ có sự đầu tư tốt. Hàng năm hệ thống giải quốc tế mà họ cho quân cọ xát khá dày đặc, hơn hẳn Việt Nam.

Không những vậy, cũng nhờ có kinh phí dồi dào mà khâu đào tạo của Thái Lan cũng được dài hơi nên luôn ổn định.

Thời gian gần đây, bóng chuyền Việt Nam cũng đã cố gắng cải tiến cách làm, từng bước hướng tới bóng chuyền chuyên nghiệp mà biện pháp mới đây nhất là áp dụng cơ chế chuyển nhượng VĐV và cho phép các CLB thuê cầu thủ ngoại ở giải đấu trong nước.

Một mặt đẩy mạnh xã hội hoá, giúp các VĐV có nhiều cơ hội cọ xát tại các giải quốc tế ngay trong nước.

Bản hợp đồng trị giá 2 tỷ đồng/năm đối với đội nữ của Cty cổ phần Âu Lạc ký kết từ năm 2005 (ký đợt 1 là 3 năm) đối với đội tuyển bóng chuyền nữ QG cũng là một trong những thành công của BCVN trong công tác xã hội hóa. Nhờ đó  chế độ thu nhập của các nữ tuyển thủ bóng chuyền trong đội tuyển QG cũng ổn định hơn.

Nếu tính theo mức lương trung bình  của một VĐV nữ trong đội tuyển QG ở thời điểm năm ngoái vào khoảng 5 triệu đồng/tháng (chưa kể các khoản khác từ các đơn vị quản lý ở địa phương), nhờ đó  các VĐV yên tâm hơn vào công tác tập luyện.

Hướng phát triển trong thời gian tới của LĐBCVN sẽ tập trung mạnh hơn vào khâu đào tạo tuyến trẻ cũng như hoàn thiện hơn nữa đội ngũ HLV để  triển khai từng  bước chiến lược này.

Được biết đối với đội nam, khả năng cạnh tranh ở tốp đầu không mạnh bằng nữ nên mục tiêu Liên đoàn đặt ra trong định hướng kể trên thấp hơn một bậc, dự kiến SEA Games 26 sẽ đổi màu từ HCĐ lên HCB. Tại đấu trường châu lục, BCVN phấn đấu đến năm 2015 nữ lọt vào tốp 5-6 đội và nam đứng tốp 8-12.

Riêng  với  bóng chuyền  bãi biển (BCBB), hiện tại Việt Nam đã vươn lên và đứng trong tốp 3 khu vực. Mới đây nhất, lực lượng nam còn đoạt HCV tại giải vô địch U20 châu á, nhưng theo định hướng thì phải tới năm 2020 BCBB  mới có thể đạt tới ngưỡng vàng. Đơn giản vì môn này còn phụ thuộc vào bầu sữa của các nhà tài trợ.

Hơn nữa, nhiều địa phương vẫn chưa đánh giá đúng về môn thể thao Olympic này nên ít đầu tư. Vì vậy BCBB ở Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn chắp vá. 

MỚI - NÓNG