Bóng chuyền Việt Nam có đủ tài chính cho các đội tuyển

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam
TP - Đó là khẳng định của ông Trần Đức Phấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT ở buổi gặp mặt báo chí, giới thiệu Giải vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á lần thứ 3 tại Hà Nội ngày 4/7.

Như Tiền Phong đã thông tin, để chuẩn bị cho giải vô địch U23 châu Á, hai đội tuyển bóng chuyền U23 nam và U23 nữ Việt Nam, đều là nòng cốt của đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 31 năm 2021 được tổ chức trên sân nhà, đã hội quân tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm Nhổn) từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, nửa tháng trôi qua, các đội tuyển bóng chuyền đều tập luyện trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, từ bóng tiêu chuẩn (bóng theo tiêu chuẩn Liên đoàn bóng chuyền châu Á và thế giới) và trang phục cơ bản như quần áo, giày, tất đến việc tập trong nhà thi đấu nóng bức không có điều hoà, quạt máy hay thiếu các đội ngũ y tế chăm sóc.

Ông Trần Đức Phấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT hôm qua cho biết, sau khi nhận được phản ảnh từ báo chí, đích thân ông đã chỉ đạo Vụ Thể thao thành tích cao, Trung tâm Nhổn và cả Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) tìm hiểu và bằng mọi giá đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu cần thiết cho cả hai đội tuyển.

“Trung tâm Nhổn hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu cao nhất về cơ sở vật chất đối với các đội tuyển quốc gia, trong đó có môn bóng chuyền. Trước tình trạng các VĐV tập luyện trong điều kiện thời tiết nắng nóng, oi bức như vừa rồi, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm mua quạt làm lạnh, để giúp các VĐV tập luyện dễ chịu hơn. Còn bóng tiêu chuẩn, với khoảng 14-18 VĐV thì cần tới 40 quả bóng, và hiện giờ số lượng bóng đá đủ. Về đội ngũ y bác sỹ, kể từ khi làm trưởng đoàn đến giờ tôi cũng đã yêu cầu thành lập tiểu ban y tế. Dĩ nhiên chưa thể đủ nhân lực cho các đội tuyển, nhưng phần nào cũng giải quyết được vấn đề chuyên môn kỹ thuật và cả tâm lý cho các VĐV”, ông Trần Đức Phấn chia sẻ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cũng khẳng định, điều kiện cơ sở vật chất chỉ có vậy, chúng ta chỉ biết cố gắng khắc phục, chứ không thể đáp ứng hết một sớm một chiều được.

Nộp phạt để đội tuyển nữ... không dự giải châu Á

Thiếu trang phục tập luyện, bóng tiêu chuẩn, chưa kể trang thiết bị hỗ trợ còn thua cả nhiều CLB…chỉ là số ít trong những vụ lùm xùm của bóng chuyền Việt Nam thời gian qua. Cách đây không lâu, VFV gây xôn xao dư luận khi từ chối cử đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia tham dự giải Vô địch bóng chuyền châu Á 2019, diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 17/8 đến ngày 25/8. Điều đáng nói, VFV khi đó cho biết nguyên nhân là do giải đấu được tổ chức quá sát VTV Cup và nhiều người đã nói vui rằng “VFV bỏ giải đấu tầm cỡ nhất châu lục để dồn lực cho một giải giao hữu”. 

Ông Trần Đức Phấn hôm qua tái khẳng định, Liên đoàn vẫn quyết định tuyển nữ rút lui khỏi giải đấu này và đã nộp tiền phạt cho Liên đoàn bóng chuyền châu Á (AVC). Nguyên nhân là do AVC thay đổi nhiều về lịch thi đấu, nên Việt Nam buộc phải điều chỉnh kế hoạch theo. Thay vào đó, tuyển bóng chuyền nữ sẽ tham dự giải đấu có sự góp mặt của 4 nước Đông Nam Á. Nếu thi đấu liên tục sẽ không đáp ứng được hiệu quả.

“Giải đấu là điều kiện rất tốt cho đội tuyển nữ Việt Nam cọ xát với Thái Lan, Indonesia và Philippines, những quốc gia mạnh nhất Đông Nam Á, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 2019. Không những thế, nếu chúng ta không tham dự giải này, đồng nghĩa với việc chúng ta đóng cửa với khu vực. Chúng tôi xác định, bằng mọi giá phải dự giải đấu này”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT tuyên bố.

Cũng tại buổi gặp mặt này, ông Trần Đức Phấn cho biết, ban đầu Asanzo là nhà tài trợ chính của giải vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á trên sân nhà. Nhưng sau khi đối tác gặp sự cố, BTC đã chủ động làm việc để Asanzo thôi làm tài trợ chính, tập trung giải quyết những công việc ngoài lĩnh vực thể thao. Ông Phấn khẳng định, việc Asanzo rút lui vào phút cuối không ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị cho giải đấu. Công ty Cổ phần Thể thao Động Lực sau đó thay thế, trở thành nhà tài trợ chính cho giải.

“Tôi có thể khẳng định rằng, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam không giàu, nhưng sẽ cố gắng làm hết sức có thể, đủ để các đội tuyển có được điều kiện tập luyện và thi đấu tốt nhất”, ông Trần Đức Phấn nói.

MỚI - NÓNG