Bóng đá Đà Nẵng và cái giá của sự bội tín

Bóng đá Đà Nẵng và cái giá của sự bội tín
Sự bội tín với bóng đá Đà Nẵng dường như đã trở thành một “truyền thống”. Sự bội tín của nhiều cầu thủ không chỉ thể hiện trên sân, mà còn ở cách sinh hoạt hàng ngày...

Cái cách mà Đà Nẵng giã từ cuộc đua vô địch đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và tự hỏi, liệu một CLB binh hùng, tướng mạnh với cả dàn sao đáng giá bạc tỷ, lại có thể bất lực phơi áo trước một đội bóng sắp rớt hạng ngay trên sân Chi Lăng, nơi được coi là “cửa ải” suốt hai mùa bóng vừa rồi chưa đội nào qua được.

Dù không phải là lần đầu tiên, những người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng chứng kiến cảnh đội nhà ngã ngựa một cách khó hiểu ngay trên sân Chi Lăng, nhưng trận thua trước TMN Cảng Sài Gòn được ví như giọt nước tràn ly sau những lần bội tín khiến khán giả nhà nổi giận.

Dường như đã trở thành quy luật, cứ mỗi khi Đà Nẵng có cơ hội đến trước cửa thiên đường là lại… ngã ngựa. Ở lượt đi V – League, trong khi đội bóng của HLV Đặng Trần Chỉnh “bất khả chiến bại” và đang nổi đình nổi đám ở tốp đầu thì bất ngờ ngã ngựa trước Đà Nẵng ngay trên sân Thống Nhất.

Cục diện ở lượt về ở thế ngược lại, khi người dân Đà Nẵng đang mơ về một chức vô địch, dẫu khe cửa lên thiên đường là khá hẹp, sau khi đã đè bẹp Bình Dương đến 5 - 0, còn Cảng thì nơm nớp chạy trốn suất rớt hạng. Nhưng ngay ở thời điểm khí thế lên cao chất ngất, chủ nhà Đà Nẵng lại bất ngờ “tắt lửa” ngay trên thánh địa của mình, để rồi nỗi thất vọng ê chề biến thành cơn cuồng nộ của hàng vạn niềm tin yêu bị đánh cắp.

Sự bội tín với bóng đá Đà Nẵng dường như đã trở thành một “truyền thống”. Sự bội tín của nhiều cầu thủ không chỉ thể hiện trên sân, mà còn ở cách sinh hoạt hàng ngày.

Từ vụ một số cầu thủ ngoại được mua với giá ngất ngưởng, nhưng về Đà Nẵng như lại chỉ chăm lo ăn nhậu, gái gú, đến việc thủ môn Đỗ Ngọc Thế bị đâm trọng thương tại vũ trường vào lúc gần sáng phải giải nghệ.

Từ việc Lê Huỳnh Đức phải nhập viện trong đêm một cách bất thường ngay khi mới về Đà Nẵng, đến việc mới đây, trên đường vào đá với Hoa Lâm – Bình Định lượt về, một số cầu thủ đội Đà Nẵng đã hè nhau đánh 2 cán bộ của sân bay Đà Nẵng.

Vụ việc được “ỉm” đi nhờ sự bao dung của chính những nạn nhân, cũng là những CĐV trung thành, rằng “thôi bỏ qua đi, các cháu nó còn nhỏ, lại chuẩn bị đi làm nhiệm vụ cho thành phố, không nên tạo áp lực làm gì!”.

Liệu có phải là ngẫu nhiên khi kết thúc trận đấu, các CĐV đã hè nhau kéo đến bao vây nhà của Lê Huỳnh Đức (vừa được thành phố ưu ái bán cho với giá ưu đãi để tạo điều kiện an cư) để mạt sát hết sức nặng nề? Căn nhà 101 Phan Chu Trinh vốn là hiệu sách Ngoại văn cũ, tọa lạc ở vị trí làm ăn thuận lợi bậc nhất ở Đà Nẵng bây giờ đã biến thành Shop thể thao mang tên Lê Huỳnh Đức.

Có quá lời không khi nhiều người đã chỉ ra nguyên nhân chính sự ưu ái đến mức nuông chiều đã khiến nhiều cầu thủ Đà Nẵng ảo tưởng và ỷ lại. Cầu thủ Đà Nẵng có mức thu nhập cao nhất, nhì V – League kèm theo sự ưu đãi về vật chất như cấp nhà, cấp đất… Không ít người trở thành ông chủ ngay từ khi còn đang đá bóng. Thế nhưng nhiều người trong số họ đã phản bội lại tấm lòng của hàng vạn cổ động viên trung thành, của cả lãnh đạo thành phố.

Sau lúc tan trận gặp TMN - CSG, vị lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng bị những cổ động viên lớn tuổi chặn lại nói những câu thật đau lòng. Hôm thứ hai, tại quán cà phê trước sân Chi Lăng, nơi các CĐV Đà Nẵng thường tụ tập, nhiều người hỏi nhau: “Đội TMN – CSG về chưa? Khi nào họ về thì nói cho ĐN gửi… Huỳnh Đức, Thành Thông về Sài Gòn luôn nhé!”.

Còn nhớ, Giải VĐQG 1995, khán giả trên sân Chi Lăng cũng từng chứng kiến cảnh đội nhà thất trận một cách oan uổng trước CSG trong bối cảnh đội bóng do HLV Tam Lang dẫn dắt đã chắc suất lọt vào VCK giải bóng đá hạng A1.

Trước trận đấu, lãnh đạo đội Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ cho một nhóm cầu thủ đi “móc nối”, nhưng khi lâm trận HLV Tam Lang phát hiện một số cầu thủ thi đấu không bình thường đã lập tức chấn chỉnh. Cảng chơi khác hẳn trong hiệp 2 và kết quả đội chủ nhà bại trận sau những loạt đá luân lưu 11m.

QN - ĐN phải ra Huế đá chung kết ngược cùng 5 đội bóng khác là Long An, Sông Bé, Thể Công, Hải Quan, Bình Định nhưng lãnh đạo đội bóng lại một lần nữa mắc sai lầm khi quyết định tẩy chay để gây sức ép, đòi BTC giải phải có biện pháp xử lý tiêu cực. Hậu quả là nhóm “bộ tứ” gồm Đà Nẵng, Bình Định, Long An, Sông Bé bị kỷ luật cấm thi đấu 1 năm và phải xuống hạng A2.

Sau sự cố này, Công an QN - ĐN đã vào cuộc và triệu tập 7 cầu thủ cùng lãnh đạo đội bóng để điều tra tiêu cực. Tiền vệ Phan Công Thìn và một cựu cầu thủ đội CA QN - ĐN bị bắt tạm giam 4 tháng tại trại giam Hòa Sơn. Đội bóng tan đàn xẻ nghé và bị giải thể.

Trầy trật ở hạng A2 mãi 4 năm sau, Đà Nẵng mới trở lại giải VĐQG nhưng ngay ở mùa bóng năm 1999 – 2000, Đà Nẵng lại không giành được quyền chuyển lên chơi ở giải chuyên nghiệp. Ở giải hạng Nhất 2000 - 2001, lần đầu tiên Đà Nẵng thuê cầu thủ ngoại.

Đội bóng chơi khởi sắc ở lượt về và khi chức vô địch giải hạng Nhất đã nằm trong tay thì đội bóng của HLV Trần Vũ lại bất ngờ… thủ hòa một đối thủ đã rớt hạng để tuột chức vô địch vào tay Bình Định. Sau trận đấu đáng ngờ này, CĐV Đà Nẵng cũng đã gây náo loạn trên đường Ngô Gia Tự. 

MỚI - NÓNG