Bóng đá đang vắng dần đàn ông

Bóng đá đang vắng dần đàn ông
TP - Bóng đá, một thế giới mặc định là của đàn ông, của nam tính, của khí phách anh hùng mã thượng? Đã là chuyện của quá khứ! Bóng đá bây giờ đã thiếu vắng dần chất nam tính ấy. Chỉ còn là của hiếm…
Gentile lừng danh máy chém (áo xanh) đối đầu với Maradona tại World Cup 1982
Gentile lừng danh máy chém (áo xanh) đối đầu với Maradona tại World Cup 1982.

Chơi xấu thật ra đã là một đặc sản của bóng đá từ xưa đến mức người ta đã đưa nó lên thành kỹ nghệ.

Nhắc đến chơi xấu, chắc không mấy người quên Gentile huyền thoại của nước Ý thập niên 80. Nhưng nếu nhìn lại cách chơi của những hậu vệ thời ấy, ta dễ dàng nhận thấy họ chơi xấu, nhưng không chơi ác như bây giờ.

Chỉ một cú đánh ác ý với Battiston của Pháp ở World Cup 1982 thôi, Schumacher của Đức đã phải mang vác tiếng xấu suốt cả sự nghiệp như thể phải mang trên mình cả một cây thập tự.

Nhưng ở thời bây giờ, việc chơi xấu đã trở thành thứ qúa bình thường nên những cú đạp thẳng vào ngực đối thủ như của De Jong (Hà Lan) trong trận chung kết World Cup chẳng thể nào bị bêu rếu suốt đời trên ngàn tấm bia miệng. Đơn giản, người ta dễ dàng quên ngay, quên nhanh bởi lẽ mỗi ngày kế tiếp, thế giới túc cầu lại thêm những cú đánh nguội còn kinh hoàng hơn.

Bóng đá là một môn thể thao thắng thua rõ ràng. Và trong khi kiếm tìm chiến thắng, người ta cũng đồng thời phải ngăn đối thủ kiếm tìm thắng lợi. Điều đó ấy đã thành một triết lý, và triết lý đó đã hình thành tư duy chơi bóng phổ biến đương đại là “phá lối chơi của kẻ khác”.

Pha bóng tiêu biểu cho thứ bóng đá bẩn vào thời điểm hiện tại: De Jong song phi thẳng vào ngực Xabi Alonso
Pha bóng tiêu biểu cho thứ bóng đá bẩn vào thời điểm hiện tại: De Jong song phi thẳng vào ngực Xabi Alonso.

Từ đó, bóng đá, một trò chơi mà người ta kiếm tìm cảm xúc cũng như sự thăng hoa trình diễn như những nghệ sỹ đã trở thành một trò phá bĩnh lẫn nhau không hơn không kém.

Đàn ông mã thượng có... phá thối nhau không?

Khi đã lấy chuyện “phá nhau là chính” ra thành cốt lõi, trò chơi biến tướng thành những cuộc chiến thật sự. Thử hỏi, cá tính đàn ông thượng mã có tồn tại chuyện giở trò phá thối lẫn nhau như thế hay không? Xin thưa, chắc chắn là không.

Tất nhiên, trong bóng đá vẫn tồn tại kẻ mạnh kẻ yếu và không ít người sẽ hỏi “vậy thì tại sao kẻ yếu hơn không có quyền phá lối chơi của kẻ mạnh hơn mình?”. Câu hỏi đó chính xác nhưng hãy hồi tưởng lại bóng đá ngày xưa ta sẽ thấy rõ hơn kẻ yếu thường làm gì? Phòng ngự số đông, co cụm, chọn lối chơi tiêu cực trước đối thủ mạnh hơn chính là đặc sản của bóng đá thời xưa. Sự tiêu cực đó là cái biết mình biết người rất đàn ông chứ không phải là sự hèn kém.

Chính lối chơi “băm chân, chặt đùi” như hôm nay mới là sự hèn kém của những kẻ tự coi mình là đàn ông đích thực. Không chơi được ngang ngửa thì cho đối thủ nằm ngửa trên cáng ra sân, cách hành xử ấy rõ ràng là chất lưu manh, hèn hạ.

Rời sân bằng cáng là chuyện hết sức bình thường với bóng đá thời nay
Rời sân bằng cáng là chuyện hết sức bình thường với bóng đá thời nay.

Người xưa vẫn nói “nghèo nhưng không được hèn” nhưng bóng đá hình như không tồn tại khái niệm ấy. Với họ, nghèo khả năng thì càng phải hèn và đã hèn, tất nhiên không phải là đàn ông.

Vậy có thể làm sạch bóng đá được không?

Cũng xin thưa là Không. Đó chỉ là ước mơ xa vời mà thôi. Đơn giản, dễ hiểu, bóng đá hôm nay đã là một thứ mà người ta mang ra kinh doanh và cái gì đã dính đến tiền thì tất nhiên là khó có thể nào sạch sẽ 100% được.

Một đội bóng không thể cố chơi quân tử bởi quân tử cũng có nghĩa là tự sát khi mình không mạnh hơn các đối thủ khác. Mà đã không mạnh hơn lại còn quân tử thì chỉ có nước xuống hạng.

Kết cục ấy kéo theo bao nhiêu hệ lụy về doanh thu trong những năm kế tiếp về sau. Và tất nhiên, nhìn trước ra viễn tượng ấy, người ta phải chơi xấu thôi, phải chơi ác thôi, để bóng đá trở thành một thế giới dần dần thiếu vắng đi những người đàn ông thực thụ.

Theo Nam Châm

MỚI - NÓNG