Bóng đá Hà Nội: Loanh quanh trụ hạng và play-off

Bóng đá Hà Nội: Loanh quanh trụ hạng và play-off
TP - Cách đây ít hôm, bóng đá Hà Nội đón mừng sự trở lại của Thể Công Viettel ở đấu trường V-League nhưng niềm vui đó đã không thể kéo dài: Nguy cơ một trong hai đội bóng của Hà Nội là HN.ACB và HP.HN phải chơi trận play-off đã trở thành hiện thực!
Bóng đá Hà Nội: Loanh quanh trụ hạng và play-off ảnh 1
Hòa Phát HN và HN.ACB níu kéo nhau ở cuối bảng xếp hạng. Ảnh: Phạm Yên

Cựu Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang đã từng mô tả bóng đá Hà Nội như một… nồi canh hẹ.

Ông nói: “Tôi muốn đẩy bóng đá Hà Nội lên đúng tầm của thể thao Thủ đô nhưng cứ nhìn vào đó cứ thấy rối như canh hẹ”.

Đến như ông Giang - người được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, một chiến lược gia của thể thao nước nhà mà còn “bó tay” với bóng đá Hà Nội thì đúng là… rối thật.

Thực ra, bóng đá Hà Nội vẫn còn có cái để tự hào, đó là địa phương duy nhất có tới… hai đội bóng chuyên nghiệp. Nhưng không ít lãnh đạo thể thao các tỉnh khác cứ trông vào bóng đá Hà Nội là lắc đầu lè lưỡi: “Nhiều nhưng lúc nào cũng phải vật vã, khổ sở để trụ hạng như thế thì khổ lắm, chẳng dám”.

Chuyện loanh quanh trụ hạng, lo chạy play-off không phải lần đầu mà dường như nó đã là một quá trình của bóng đá Hà Nội. Ngay mùa giải 2001 khi V-League lần đầu tiên được tổ chức, đội bóng CAHN từng suýt nữa phải xuống hạng.

Nhắc lại quá trình của bóng đá Hà Nội mấy năm trở lại đây, nhiều người thấy cứ rối tung. Năm 2002, đội HN.ACB (tiền thân là Đường sắt Việt Nam) lên hạng sau trận play-off với TT.Huế, nhưng chỉ trụ hạng được 1 năm rồi lại… xuống hạng.

HLV Hoàng Văn Phúc: Còn nước còn tát

Bóng đá Hà Nội: Loanh quanh trụ hạng và play-off ảnh 2
Mặc dù chúng tôi đã xác định với các cầu thủ về mặt tinh thần là có khả năng phải đá play-off nhưng vẫn còn một trận đấu nữa để HN.ACB cố gắng.

 Chúng tôi cứ thi đấu với hết khả năng của mình trước Đồng Tháp ở sân nhà đã rồi… tính tiếp. V-League năm nay đúng là một mùa giải khó khăn nhưng tôi tin tưởng HN.ACB vẫn ở lại V-League.

HLV Trần Bình Sự: Tự quyết định thôi

Bóng đá Hà Nội: Loanh quanh trụ hạng và play-off ảnh 3
Trận đấu với TCDK.SLNA đúng là HPHN rất kém may mắn, nếu giành chiến thắng thì HPHN giờ này đã có thể thảnh thơi hơn rất nhiều vì đã chắc chắn trụ hạng.

Tôi nghĩ rằng, bây giờ chúng tôi cần tập trung hơn cho trận đấu với HAGL. Chúng tôi quyết tâm lấy ba điểm trong trận đấu ấy mà không cần quan tâm đến kết quả trận đấu ở sân Hà Nội.

Cũng trong bối cảnh ấy, đội CAHN chuyển giao sang Hàng không Việt Nam thi đấu chật vật ở V-League. Đến năm 2003 thì lại có sự chuyển đổi… chéo: Hàng không Việt Nam chuyển giao tiếp cho HN.ACB lấy tên LG.HN.ACB với lực lượng tốt nhất, còn lại bao nhiêu thì chuyển thành … Hòa Phát HN đá ở hạng Nhất.

Cứ lung tung, xoay vòng nhưng có một điều không đổi là chưa bao giờ bóng đá Hà Nội mạnh. Năm 2005, phải chờ đến vòng cuối cùng, HPHN mới thoát khỏi vị trí phải đi play-off và nhường tấm vé chẳng mấy vẻ vang này cho HN.ACB.

Năm 2006, ngoài chiếc Cúp Quốc gia của HPHN thì bóng đá Hà Nội cũng chẳng để lại dấu ấn gì. Và đến năm 2007 này, ngoài HN.ACB vẫn nhì nhằng như vậy, HPHN dù được đầu tư với số tiền kỷ lục hơn 25 tỷ đồng song lịch sử vẫn cứ lặp lại: Một trong hai đội Hà Nội phải dự play-off.

Đối mặt với thực tế

Đã đến lúc cần phải thừa nhận rằng bóng đá Hà Nội đang rơi vào giai đoạn tồi tệ nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Trong sự xuống dốc này có phần trách nhiệm của Sở TDTT Hà Nội, của LĐBĐ Hà Nội, sau đó mới là trách nhiệm của các ông chủ đầu tư cho đội bóng như bầu Kiên của HN.ACB, bầu Tuấn của HPHN. Với tư cách là định hướng chiến lược về chuyên môn, LĐBĐ Hà Nội chưa cho thấy vai trò của mình.

Ngay từ thời LG.HN.ACB phải kéo quân vào Chi Lăng để đấu với .Cần Thơ trong trận play-off năm 2005, một câu hỏi từng được đặt ra là: “Bóng đá Hà Nội cần đổi mới hay là lụi tàn?”.

Trớ trêu ở chỗ, trận play-off ấy, LG.HN.ACB lại… thắng và tất cả chưa đủ để như một nỗi đau khiến các nhà lãnh đạo bóng đá Hà Nội cảm thấy cần phải quyết liệt để làm lại.

Bây giờ, nỗi đau ấy lại đang hiển hiện và đã có những người suy nghĩ rằng: “Có lẽ một trong hai đội của Hà Nội cần phải… xuống hạng may chăng mới thay đổi được số phận cứ lênh đênh, chìm nổi của bóng đá Hà Nội”.

Cũng khó nói trước điều gì bởi điều ấy hoàn toàn có khả năng xảy ra. Trong lịch sử các trận play-off, rất nhiều đội mạnh hơn đã phải ngậm ngùi xuống hạng như Hải Quan mùa giải 1998, TT.Huế mùa giải 2002, VH.Hải Phòng mùa giải 2006.

HN.ACB và HPHN cũng chưa chắc thoát khỏi cái lịch sử định mệnh ấy.

MỚI - NÓNG