Bóng đá "made in" Đông Nam Á

Bóng đá "made in" Đông Nam Á
TP - Trận đấu giữa U23 Singapore và chủ nhà U23 Lào trên SVĐQG trong Khu liên hợp thể thao SEA Games 25 vào tối 10-12 khiến tôi nhớ lại trận đấu giữa ĐT Thái Lan và Indonesia tại AFF Cup 1998 trên sân Thống Nhất (TPHCM).

Dù không có cảnh bạo gan đá vào lưới nhà như một hậu vệ Indonesia đã làm hồi đó, nhưng những gì mà cầu thủ hai bên thể hiện, đặc biệt là đội khách Singapore, chẳng khác nào trẻ con chơi trò “mèo vờn chuột”!

Xem trận đấu này, những người Myanmar (đã nỗ lực thắng U23 Indonesia trước đó để hy vọng mong manh vào bán kết) bất bình ra mặt nhưng cũng đành chịu vì bản thân họ cũng chấp nhận lịch thi đấu bất hợp lý khi hai trận đấu ở loạt trận cuối cùng của bảng B đá không cùng giờ như vậy.

Nhưng Myanmar cũng phải xem lại mình. Nhớ lại giải U19 Đông Nam Á trên sân Thống Nhất (TPHCM) cách đây chưa lâu, các cầu thủ trẻ Myanmar từng gây náo loạn trong trận gặp U19 Việt Nam và trọng tài Thái Lan phải đuổi bốn cầu thủ Myanmar ra sân rồi sau đó chẳng buồn đuổi nữa!

Bóng đá Đông Nam Á thường xảy ra sự cố. Ngay cả tại SEA Games 25 này, hầu như trận nào cũng có cảnh phản ứng trọng tài hay cầu thủ hai bên đôi co hoặc lao vào nhau mà đỉnh điểm là các cầu thủ U23 Malaysia rượt đánh trọng tài Hàn Quốc trong trận thua U23 VN 1-3.

Ngay cả bóng đá Thái Lan được xem là tiên tiến để các đội trong khu vực phấn đấu vượt qua cũng có những hành xử tương tự. Còn nhớ năm ngoái, trong trận chung kết giải U19 quốc tế trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội), U19 Thái Lan rời sân đến 20 phút để phản ứng quả 11m, chỉ khi ban tổ chức phải trần mình... năn nỉ mới chịu trở lại sân.

Bi hài là sau đó, cầu thủ chủ nhà sút 11m lên… trời, để “kính” chức vô địch cho khách, nhưng U19 Thái Lan cũng chẳng thèm nhận cúp và bỏ về khi lễ trao giải đang diễn ra.

Một chuyện khác là cùng trong vùng trũng của bóng đá thế giới nhưng bóng đá Đông Nam Á vẫn có sự chênh lệch đẳng cấp khủng khiếp. Lưới của U23 Đông Timor trở thành rổ đựng bóng khi thua những trận “để đời” trước Malaysia 0-11 và Thái Lan 0-9.

Đồng cảnh ngộ là đội nữ Malaysia khi thua Việt Nam 0-8 và thua Thái Lan 0-14 khiến LĐBĐ Malaysia cảm thấy hổ thẹn nên đã ban lệnh không để các cầu thủ nữ của họ tham dự giải quốc tế nào nữa.

Đông Timor đi đấu SEA Games mà không đem đủ số 20 cầu thủ như quy định, và gần nửa trong số 15 cầu thủ sang Lào đều quá tuổi 23. Họ cũng không buồn dự họp lãnh đội trước giải.

Chuyện này làm nhớ lại giải U19 Đông Nam Á tại TPHCM, U19 Đông Timor lặn mất tăm khiến ban tổ chức chẳng thể nào liên lạc được, rồi bỗng dưng họ xuất hiện chậm giờ thi đấu với Myanmar để cuối cùng bị xử thua 0-3!

Trong trận U23 Đông Timor gặp U23 Việt Nam trên sân Chao Anouvong, trọng tài bàn Lào đã kiên quyết đuổi HLV Calisto khi ông đang đứng trong khu kỹ thuật để chỉ đạo cầu thủ, cho đến khi một quan chức AFC phải rời khán đài A xuống sân can thiệp thì vị trọng tài này mới thôi.

HLV Trần Vân Phát ở đội tuyển nữ cũng gặp “hạn” với trọng tài. Sau khi bị quả phạt đền 11m trong trận hòa 1-1 với Myanmar, HLV Trần Vân Phát và các nữ tuyển thủ Việt Nam đều nói không hiểu bị nữ trọng tài Singapore phạt penalty vì lý do gì! Quả thật bóng đá Đông Nam Á có nhiều điều quá khó hiểu!    

MỚI - NÓNG