SLNA sáu lần vô địch U17:

Bóng đá trẻ có dậm chân tại chỗ?

Bóng đá trẻ có dậm chân tại chỗ?
TP - Tiền Phong có  cuộc trao đổi với ông Vũ Mạnh Hải, Tổng Biên tập Báo Bóng đá, Trưởng Ban tổ chức (BTC) giải, để trả lời cho câu hỏi phải chăng bóng đá trẻ đang dậm chân tại chỗ?

Phải chăng U17 SLNA liên tiếp vô  địch cho thấy công tác đào tạo cầu thủ trẻ của chúng ta chưa có nhiều tiến bộ?

Nếu chỉ nhìn nhận qua thành tích mà không chứng kiến tận mắt những gì diễn ra tại sân chơi dành cho lứa tuổi U17 thì việc U17 SLNA lần thứ sáu giành chức vô địch rất dễ được nhận định là bóng đá trẻ “dậm chân tại chỗ”.

Có những điều chúng ta cần phải suy nghĩ từ sự kiện SLNA bởi rõ ràng, sự thống trị của “lò đào tạo” ở lứa tuổi U17 này sáu năm liền chỉ ra rằng: SLNA đã làm rất tốt và rất đúng việc tuyển chọn và đào tạo các tài năng trẻ đến 17 tuổi.

Và đây là lứa tuổi để cầu thủ bộc lộ, thể hiện rõ tài năng của mình sau một thời gian dài tích lũy cơ bản (có thể từ 11, 13 tuổi).

Theo kinh nghiệm của tôi, Giải U17 là cơ hội để các đội bóng thẩm định lực lượng, lựa chọn những cầu thủ cho tương lai. Tôi có thể chắc chắn rằng 90% cầu thủ đã được luyện tập bài bản mà đến 17 tuổi không phát triển được nữa thì nên chuyển nghề.

Bóng đá trẻ có dậm chân tại chỗ? ảnh 1
Các cầu thủ SLNA nhận cúp

Vậy ông đánh giá thế nào về chất lượng thi đấu của các đội dự giải năm nay?

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí trong thời gian qua song đội U17 SLNA vẫn lập nên kỳ tích lần thứ sáu liên tiếp vô địch giải U17 quốc gia Báo Bóng đá - Cúp Hải Nhân 2009.

Trình độ của bóng đá trẻ Việt Nam đang có những bước tiến đáng phấn khởi. Tám đội bóng lọt vào VCK Giải năm nay tương đối đồng đều so với những năm trước. Đa số các trận đấu diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, cuốn hút người xem.

Chất lượng các trận đấu VCK Giải U17 lần này cao hơn hẳn những năm trước rõ rệt và điều này làm chúng tôi tin tưởng rằng: Bóng đá Việt Nam đang tiến bộ nhanh chóng vì chúng ta đã và đang tích cực xây nền cho tương lai một cách đúng đắn.

Tôi cho rằng nhờ sự chăm lo cho bóng đá trẻ các lứa tuổi nhiều năm qua mà các giải V-League và Hạng Nhất năm nay có chất lượng tốt hơn so với những năm trước.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là: Tại sao chỉ có các đội nhà nghèo thường xuyên có mặt ở VCK? Còn các đại gia lắm tiền nhiều của thường xuyên vắng bóng? SLNA, Đồng Tháp, Nam Định... là  địa phương khó khăn nhất nhưng lúc nào họ cũng dồi dào lực lượng nội binh có chất lượng là những ví dụ điển hình nhất.

Thật là khó giải thích khi các đội bóng nghèo tiền bạc lại đang chuẩn bị cho ra lò những tài năng bóng đá rất triển vọng trong khi nhiều CLB thưởng cả tiền tỷ cho một trận đấu lại không quan tâm đến việc đào tạo nhân tài?!

Chúng ta cần phải thay đổi tư duy trong việc xây dựng đội bóng. Không thể cứ dùng tiền để mua mà không cần đào tạo cầu thủ trẻ. Các CLB không thể tiến bộ vững chắc, có bản sắc, “màu cờ sắc áo” và truyền thống nếu cứ mua là chính.

Từ những giải  đấu trẻ như U17, bóng đá Việt Nam đã phát hiện được nhiều cầu thủ giỏi cho ĐTQG như Văn Quyến, Công Vinh, Thanh Bình khi mới chỉ 18-20. Vậy giải năm nay có phát hiện được gương mặt mới nào đủ khả năng thi đấu tại V-League, thưa ông?

Rất nhiều cầu thủ tham dự VCK năm nay đã thể hiện trình độ rất ấn tượng. Tôi nghĩ, nếu mạnh dạn cho họ tham dự V-League hay Hạng Nhất chắc các em cũng sẽ đảm đương được nhiệm vụ.

Một số cầu thủ thuộc các trung tâm đào tạo trẻ SLNA, Nam Định, Đồng Tháp, Viettel đã xử lý tình huống trên sân như “người lớn” với tư duy thông minh khiến khán giả ngạc nhiên thích thú. Tuy nhiên, theo tôi cần tạo điều kiện cho các cháu rèn luyện nhiều hơn nữa, tránh ép trái cây chín sớm tránh việc lãng phí nhân tài.

Hoàng Dương
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.