Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng

Bóng đá Trung Quốc khủng hoảng
Các CLB bóng đá Trung Quốc đang yêu cầu đổi mới sau khi Liên đoàn Bóng đá trải qua một cuộc khủng hoảng kéo dài 6 tháng liên quan đến cơ cấu.

Cơn khủng hoảng này nghiêm trọng đến nổi mùa bóng đá tới đây phải bị hoãn lại.

Các đội hạng nhất tại Trung Quốc đáng lý ra đã bắt đầu mùa bóng mới từ 4/3. Tuy nhiên, tới 2/4 họ mới bắt đầu vì các giới chức đầu ngành thể thao nói cần để cho các câu lạc bộ có thêm thời giờ để tìm nguồn bảo trợ.

Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc đã mất đi nguồn bảo trợ chính là Cty Siemens của Đức, sau một mùa bóng mà hầu như là tan tác vì những vụ trọng tài thiên vị, đánh nhau trên sân và tin đồn là có tình trạng mua và bán độ.

Ông Dong Jun - Nhà báo thể thao Trung Quốc - nói cái gọi là Siêu Liên Đoàn ngày càng tồi tệ hơn vì các vụ tranh chấp, scandal, mua bán độ và các hiện tượng tiêu cực này đã làm cho Liên đoàn phải ngưng hoạt động nửa chừng trước khi chấm dứt mùa bóng theo đúng kế hoạch.

Chỉ một vài năm trước đây, nhiều người tiên đoán rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc với 1,3 tỷ người ái mộ quả bóng tròn, sẽ xuất hiện như là một cường quốc bóng đá trên bản đồ thế giới.

Mọi chuyện không được xuôn xẻ với Trung Quốc. Họ đã thua Nhật Bản trong trận chung kết để giành Cúp châu Á, và rồi sau đó, đã bị Kuwait loại ra khỏi vòng chung kết của Cúp Vô địch Thế giới năm 2006 tại Đức.

Và trong mùa bóng mới tại quốc nội, mọi người những tưởng trình độ bóng đá Trung Quốc sẽ được nâng lên hàng chuyên nghiệp, thế nhưng mùa bóng này đã chấm dứt với đội câu lạc bộ Beijing Hyundai đã rời bỏ sân cỏ khi trận đấu diễn tiến được nửa chừng.

Họ có động thái này một phần vì muốn phản đối trọng tài, nhưng mặt khác là để tỏ thái độ đối với cách quản lý nền bóng đá nói chung.

Những vụ được gọi là "Còi đen" tức là những vụ mà Chủ tịch các câu lạc bộ phải đút lót trọng tài, nghe nói là đã xảy ra như cơm bữa.

Kết quả là nửa phần sau của mùa bóng vừa qua là một thất bại thảm hại: khán giả không đến sân và các ủng hộ viên cảm thấy bị lường gạt, và do đó, các Cty không muốn bảo trợ tài chính cho các đội bóng nữa.

Hồi tháng Giêng Ctyđiện tử Siemens, vì quá ngao ngán trước nội tình của bóng đá Trung Quốc, đã loan báo ngưng tài trợ cho Siêu Liên đoàn, và cho tới nay, không có một Cty nào muốn bảo trợ nữa.

Và trong nỗ lực muốn phục hồi niềm tin, ông Yan Shiduo - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc - đã bị sa thải.

Phải đổi mới triệt để

Đa số người hâm mộ tin rằng người kế nhiệm, ông Xie Yalong, sẽ phải đổi mới hoàn toàn nếu như muốn giành lại niềm tin của công chúng.

Khó khăn lớn nhất của ông Xie Yalong là làm sao giải quyết tình trạng xung khắc giữa một bên là sức mạnh của thị trường mà vốn kiểm soát các câu lạc bộ và bên kia là Chính phủ mà chủ trương là phải "nắm" toàn bộ nền bóng đá.

Các câu lạc bộ, các cầu thủ và giới ủng hộ, tất cả đều kêu gọi Bộ Thể thao phải trong sáng hơn và phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, Bộ Thể thao là một bộ trung ương do đó xem ra khó có tình trạng nhượng bộ.

Trái lại cái gọi là "cuộc cách mạng bóng đá" ngày càng là một mối lo của các giới chức đầu ngành thể thao nhất là một số câu lạc bộ đã kêu gọi nên thành một tổ chức độc lập được gọi là Ủy ban Liên đoàn thay vì quy về đầu mối dưới sự chủ quản của Bộ Thể thao.

Theo họ, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc nên chú tâm nhiều hơn vào đội tuyển quốc gia, và để cho các câu lạc bộ được tự do quản lý.

Nhà báo Dong Jun nói: "Chính vì Liên đoàn Bóng đá không chịu để cho các câu lạc bộ được tự do, cho nên các vụ tranh cãi ngày càng nhiều hơn và trầm trọng hơn".

MỚI - NÓNG