Bóng đá Việt không thể mơ giấc mơ Thánh Gióng…

Cùng được đầu tư, chăm sóc tốt cho SEA Games 29 như tuyển nữ, nhưng U22 Việt Nam không thành công.
Cùng được đầu tư, chăm sóc tốt cho SEA Games 29 như tuyển nữ, nhưng U22 Việt Nam không thành công.
TPO - Để chỉ sau một đêm, chúng ta có thể vươn mình trở thành người khổng lồ, vượt qua các đối thủ trong khu vực. Bóng đá để phát triển, cần một quá trình đầu tư dài hơi, chiến lược bài bản.

Thua tâm lý…

Đây không chỉ là căn bệnh riêng của bóng đá. Rất nhiều lãnh đội, HLV các bộ môn thể thao của Việt Nam đều thừa nhận rằng, tâm lý là điểm yếu cố hữu của các VĐV Việt Nam. Điều này dẫn tới một hệ quả đáng buồn là nhiều VĐV của chúng ta có trình độ chuyên môn cao, tập luyện rất tốt nhưng khi vào giải, gặp sức ép tâm lý không thể thi đấu đúng phong độ.

Với riêng bóng đá, ám ảnh người Thái có vẻ như chưa bao giờ hết, kể cả sau chức vô địch AFF Cup 2008 với HLV H.Calisto. Ông Calisto là người gắn bó lâu năm với bóng đá Việt Nam, hiểu tường tận từng vấn đề của cầu thủ Việt. Dạo đó trước khi vào giải, nắm bắt được tâm lý e ngại Thái Lan, HLV Calisto đã có hẳn một “bài” thuyết giảng, để tiếp thêm sự tự tin cho các cầu thủ. Kết quả, đội tuyển Việt Nam đã đánh bại chính Thái Lan trong trận Chung kết trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình để đăng quang chức vô địch.

Gần 10 năm sau chiến tích trên, bóng đá Việt Nam vẫn nguyên căn bệnh cũ, thậm chí có phần nặng hơn. U22 Việt Nam trước Timor Leste, Campuchia và Philippines rồi thậm chí cả đối thủ ngang cơ như Indonesia đã chơi cực tốt, ghi bàn “tù tì” và thường xuyên trong thế áp đảo đối phương. Nhưng tới trận đấu quyết định với Thái Lan, đoàn quân của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã thể hiện 1 bộ mặt hoàn toàn trái ngược. Hàng tiền vệ không cầm được bóng, các vị trí thiếu kết dính, không liên lạc với nhau, trong khi hàng phòng ngự liên tục mắc sai lầm. U22 Việt Nam đã thua trắng đối thủ 0-3 trong một thế trận dưới cơ hoàn toàn.

Theo đánh giá của HLV Lê Thuỵ Hải, U22 Việt Nam đã thua cả về thể lực lẫn tinh thần. “Văn Hậu thường ngày khoẻ thế mà không theo nổi, để thua bàn sút chéo góc. Phạt đền mà Công Phượng đá thế thì gỡ sao nổi?”-HLV Lê Thuỵ Hải nói.

Trong khi đó, U22 Việt Nam với lợi thế chỉ cần một trận hoà, đáng nhẽ phải có lợi thế tâm lý tốt hơn Thái Lan, có quyền chủ động chọn chiến thuật và cách chơi.

Hay thua hoàn toàn về chuyên môn?

“Chẳng phải chúng ta nói U22 Việt Nam thua Thái Lan là thua tâm lý chứ không phải trình độ. Chỉ vì một trận thua mà lên án các cầu thủ, thì chúng ta khó giải bài toán tâm lý cho các em trong các trận đấu quan trọng. Bóng đá là một nghề, tôi cho rằng không nên vì cảm xúc nhất thời mà làm tổn thương các cầu thủ, khiến họ không thể đi trọn đam mê”, đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPMilk (Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam) sau thất bại của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng. Trước thềm SEA Games, để tăng thể lực cho đội, VFF đã ký hợp đồng tài trợ sưa với VPMilk, đơn vị hiện cũng đang là nhà tài trợ của CLB HAGL.

Có thể hiểu đây là một lời động viên. Trên thực tế bên cạnh yếu tố tâm lý, thì sự thua sút về chuyên môn, thể lực của U22 Việt Nam trước Thái Lan bộc lộ khá rõ. Trong nhận xét ở trên của HLV Lê Thuỵ Hải đã bao hàm cả ý này.

Bước sang hiệp 2, đặc biệt là từ nửa cuối, các cầu thủ U22 Việt Nam gần như không theo kịp Thái Lan, để mặc đối thủ chơi bóng.

Một quan chức VFF sau trận đấu đã chia sẻ, xét về thể lực, Thái Lan trội hơn. Cầu thủ Thái có cơ thể “dày” hơn so với cầu thủ Việt, sức chịu đựng khi xảy ra va chạm vì vậy cũng dày hơn. “Họ đã có một quá trình đầu tư bài bản từ lâu, trong khi chúng ta mới bắt đầu. Để phát triển, bóng đá Việt Nam chắc chắn cần thời gian, nhưng quan trọng hơn là một chiến lược bài bản, định hướng rõ ràng với cách làm chuyên nghiệp”-quan chức VFF trên cho hay. Nói hình ảnh như bà Thu Phương, đơn giản là uống sữa, cũng không phải “đùng” cái có thể khiến thể lực, chiều cao cầu thủ tăng lên. Tất cả đều cần một quá trình.

“Tôi buồn như hàng chục triệu người hâm mộ Việt Nam, nhưng không thất vọng. Việt Nam không thể thiếu bóng đá, nên việc cần làm là kế hoạch đầu tư, phát triển bài bản và đường dài. Như vấn đề thể lực và chiều cao, không thể cứ uống sữa buổi sớm, buổi chiều đã cải thiện. Cần duy trì dài hơi cho các lứa trẻ”-bà Nguyễn Thị Thu Phương nói.

Thất bại của U22 Việt Nam trước Thái Lan, ở góc độ tích cực đã giúp chúng ta nhìn ra những điểm yếu của mình để khắc phục. Vấn đề là chúng ta có nhận ra và chịu làm hay không. Bóng đá Việt Nam không thể mong là Thánh Gióng, để sau một đêm vươn vai thành người khổng lồ, mà cần một quá trình dài hơi. 

MỚI - NÓNG