Bóng đá Việt Nam sau men say chiến thắng

Thầy trò HLV Park Hang-seo được chào đón nồng nhiệt sau chiến tích vào tứ kết Asian Cup 2019
Thầy trò HLV Park Hang-seo được chào đón nồng nhiệt sau chiến tích vào tứ kết Asian Cup 2019
TP - Bóng đá Việt Nam đã có một năm bội thu, được khép lại bằng thành tích vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.  Sau men say chiến thắng, vấn đề cần đặt ra lúc này có lẽ là chúng ta sẽ tận dụng những thành tích trên như thế nào, để nó trở thành cảm hứng cho sự phát triển bóng đá Việt Nam.

Cuộc chạm trán với Nhật Bản tối 24/1 là trận cầu “đỉnh cao” của đội tuyển Việt Nam. Các học trò của ông Park Hang Seo đã chơi một trận sòng phẳng trước một trong những “ông lớn” hàng đầu châu lục. Xét trên mọi phương diện chuyên môn, đội tuyển Việt Nam quá nhỏ bé so với đối thủ. Đây có lẽ là lý do dù thua, thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn nhận được sự khâm phục của đối thủ, cũng như tình yêu và sự ủng hộ từ phía người hâm mộ.

Tuy nhiên có một thực tế, cho dù thắng Nhật Bản ở trận đấu trên, khó ai dám nói bóng đá Việt Nam đã vươn lên trên. Đội tuyển Việt Nam trên thực tế chỉ là một thành tố cấu tạo nên cả nền bóng đá. Từ hệ thống cơ sở vật chất, các giải VĐQG, giá trị thương mại… bóng đá Việt  Nam còn một khoảng cách rất xa so với Nhật Bản.

Sau 11 năm tính từ năm 2007, đội tuyển Việt Nam lại mới được góp mặt tại một kỳ Asian Cup (năm 2007 được đặc cách). Trong khi đó, đội tuyển Nhật Bản đã có tới 4 lần vô địch giải, thường xuyên góp mặt ở các kỳ chung kết World Cup. Dĩ nhiên, sự phát triển của bóng đá cần đặt trong bối cảnh chung của điều kiện kinh tế-xã hội. Nhật Bản sau Thế chiến 2 đã vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, và sự phát triển của bóng đá Nhật Bản cũng gắn chặt với quá trình này.

Nói điều này không phải làm giảm đi sự tự tin và niềm vui chung nhưng để thấy, chúng ta còn rất nhiều việc cần làm phía trước nếu muốn các chiến thắng trong một năm qua không trở nên uổng phí.

Bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ trẻ tài năng với những Công Phượng, Lương Xuân Trường, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng… Nhưng tính ổn định là một vấn đề đáng bàn. Mới đây nhất, các đội tuyển U19 và U22 vừa thi đấu không thành công ở các giải quốc tế.

Hệ thống các giải quốc gia là nền tảng căn bản để các CLB có thể phát triển. Đây cũng là tiền đề thu hút sự chú ý, đầu tư của xã hội vào bóng đá. Tuy nhiên tại Việt Nam, V-League lâu nay chưa thực sự là sản phẩm hấp dẫn với người hâm mộ. Bóng đá Việt Nam tồn tại một nghịch lý, giải đấu cao nhất là V-League có 14 đội nhưng xuống hạng nhất chỉ còn 10 đội. Đây là hệ quả của quá trình phát triển thiếu tính căn bản từ trước và hiện chưa thể giải quyết được. Sự minh bạch, tính hấp dẫn của V-League cũng là một bài toán khác đối với những người làm bóng đá.

Sự phát triển của hệ thống các giải VĐQG có liên quan chặt chẽ tới sức mạnh của đội tuyển. Đơn cử một ví dụ, trong 8 đội vào tới Tứ kết Asian Cup 2019 thì 7 đội, giá trị giải VĐQG đều trên 100 triệu USD theo tính toán của trang Transfermarkt. Điển hình là Trung Quốc (522 triệu USD), Nhật Bản (400 triệu USD) rồi tới Hàn Quốc (157 triệu USD), UAE (145 triệu USD)… Chỉ riêng Việt Nam có giải VĐQG được định giá 5 triệu USD! Chúng ta có thể tận hưởng niềm vui với một thế hệ cầu thủ xuất sắc nhưng kéo dài nó được bao lâu là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Những người chịu trách nhiệm với bóng đá Việt Nam có nhận ra những vấn đề này hay không? Tin rằng có. Trước thềm Đại hội 8 LĐBĐVN (VFF), Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải đã nêu ra một loạt thực trạng của bóng đá Việt Nam như nói trên, đồng thời đặt trách nhiệm đối với người đứng đầu VFF. Ông Lê Khánh Hải hiện đã là chủ tịch VFF và công chúng rõ ràng có quyền kỳ vọng vào những thay đổi của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.