Bóng đá Việt Nam sẽ có một Kiatisuk như người Thái?

VFF mong muốn các HLV nội trong thời gian tới cũng sẽ làm được những điều giống như Kiatisuk làm với đội tuyển Thái Lan
VFF mong muốn các HLV nội trong thời gian tới cũng sẽ làm được những điều giống như Kiatisuk làm với đội tuyển Thái Lan
VFF đang nghiêng về phương án HLV nội sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, với mong muốn vị HLV này sẽ làm được những điều như Kiatisuk làm được với đội tuyển Thái Lan. Nhưng muốn được thế thì cần rất nhiều yếu tố tổng hợp.

HLV Kiatisuk đang cực kỳ thành công với đội tuyển Thái Lan và đội tuyển U23 Thái Lan. Từ khi HLV này lên nắm các vị trí trên, bóng đá Thái đòi lại bộ HCV SEA Games vào năm 2013, tiếp tục bảo vệ thành công bộ HCV ấy vào năm 2015, vô địch AFF Cup 2014, vào bán kết môn bóng đá nam Asiad 2014, cũng như đứng trước mục tiêu lớn là giành vé dự VCK World Cup 2018.

Những người đứng đầu VFF có lẽ cũng nhìn vào thực tế đấy. Rằng một cựu cầu thủ thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Thái Lan, am hiểu bóng đá nước sở tại, thành công với đội tuyển quốc gia, để nhắm đến chuyện một cầu thủ nào đó thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam, có ảnh hưởng với làng cầu nội, có thể thành công khi dẫn dắt đội tuyển của bóng đá nội.

Và cái tên nhiều khả năng nhất trong việc thay thế HLV Miura là Nguyễn Hữu Thắng, người được cho là đã có những tiếp xúc với một vài quan chức hàng đầu của VFF, ngay trước khi VFF chính thức công bố quyết định sa thải HLV Miura. Nguyễn Hữu Thắng cũng là một trong những cái tên nổi tiếng nhất của thế hệ vàng trước đây, từng mang băng thủ quân của đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, để Hữu Thắng thành công giống như đối thủ ngày nào trong sắc áo đội tuyển như Kiatisuk đang làm được với bóng đá Thái Lan, thì cần rất nhiều yếu tố phải song hành đồng bộ.

Đầu tiên là mối quan hệ giữa VFF và HLV nội ở đội tuyển. Lâu nay, HLV nội không có những lợi thế như các HLV ngoại, ngoài mối quan hệ quốc tế để có thể liên hệ sắp đạt các chuyến tập huấn, còn là mối quan hệ tại chỗ với VFF.

Trong khi VFF xem các HLV ngoại như đối tác, cho họ toàn quyền quyết định về chuyên môn cũng như toàn quyền lên các kế hoạch tập huấn, thì mối quan hệ giữa VFF và các HLV nội, thời Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc chỉ đơn giản dừng ở mức ông chủ và người làm thuê.

Thứ đến là khâu định hướng, chiến lược cụ thể của VFF cho các đội tuyển và các HLV ở đội tuyển cũng không rõ ràng. Ví dụ như dưới thời HLV Miura vừa rồi, người ta cũng không rõ là VFF thực sự muốn gì ở đội tuyển? Đến lúc HLV Miura bị một bộ phận người xem phản ứng, thậm chí bị một ít vị ở VFF gây sức ép, VFF lại gấp rút sa thải ông này, cho dù ông Miura chưa hề làm hỏng chỉ tiêu nào mà LĐBĐ Việt Nam đặt ra cho ông.

Nếu VFF vẫn không rõ ràng ở điểm ấy, các HLV nội rất khó làm, bởi bóng đá không thể tách rời chuyện thắng – thua theo thời điểm, cũng không thể tránh việc người khen – kẻ chê, vấn đề là chính VFF phải kiên định với lập trường của mình, không thể mỗi lúc một ý.

Và quan trọng nhất vẫn là chất lượng cầu thủ, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Bản thân những người đang làm công tác điều hành bóng đá nội phải hiểu rằng thế hệ cầu thủ hiện nay của bóng đá Việt Nam đang ở mức nào?

Sở dĩ Kiatisuk thành công với bóng đá Thái Lan bởi Thái Lan đang sở hữu dàn cầu thủ đầy tài năng và rất đồng đều, tiến bộ cả về kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, thể hình lẫn tư duy chơi bóng, giúp cho họ giờ tiệm cận với trình độ châu Á.

Riêng cầu thủ Việt Nam đã đạt đến trình độ ấy hay chưa, thực sự đang đứng ở đâu tại Đông Nam Á? (có thể vô địch, có thể vào chung kết, hay chỉ ở trong khoảng top 4, top 5?) Là điều mà VFF cần xách định rạch ròi, để HLV mới có được mục tiêu và xây dựng lối chơi phù hợp với đội tuyển, dựa trên thực lực thật của những con người mà đội tuyển đang có.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG