Bóng đá Việt Nam trước mùa giải 2013 và câu hỏi 'đầu tiên'

Bóng đá Việt Nam trước mùa giải 2013 và câu hỏi 'đầu tiên'
TP - Cuộc hội thảo mới đây của bóng đá Việt Nam (BĐVN) là để nói về chuyện thuế má của các câu lạc bộ (CLB), số lượng ngoại binh, độ tuổi chuyển nhượng cầu thủ, lương tối thiểu... mà không đưa ra được bất cứ giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn tài chính cho BĐVN.

> V.League, hạng Nhất vẫn mờ mịt

Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị mùa giải mới chưa thể tìm ra giải pháp cho việc tồn tại và duy trì phát triển của các CLB trong thời kỳ khó khăn. Ảnh: VSI
Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị mùa giải mới chưa thể tìm ra giải pháp cho việc tồn tại và duy trì phát triển của các CLB trong thời kỳ khó khăn. Ảnh: VSI.

BĐVN đã lần thứ 2 lùi thời hạn đăng ký tham gia giải đấu, tất cả cũng chỉ vì tiền. Việc xin tiền ngân sách để nuôi bóng đá thì xưa rồi vì Luật ngân sách hiện nay không có khoản nào chi cho bóng đá.

Muốn làm bóng đá thì phải có tiền, thậm chí, rất nhiều tiền. Vậy mà kết thúc hội thảo, vấn đề làm sao để tìm tiền “nuôi” bóng đá, lại chẳng thấy bàn đến.

Kể từ ngày lên chuyên nghiệp, đến bây giờ bóng đá VN mới rơi vào cảnh cuống cuồng tìm nguồn tiền hoạt động. Nhưng khó khăn kinh tế không phải là khó khăn riêng của làng bóng. Đây là khó khăn chung của cả nền kinh tế - xã hội.

Khó khăn đó cần phải được nhìn nhận chính xác để còn dự báo được tương lai. Thậm chí phải tính đến phương án xấu nhất là mùa giải 2013 có thể ngừng bất kỳ lúc nào vì… thiếu tiền.

Hiện tại cho thấy, CLB nào cũng gặp khó, theo các mức độ khác nhau mà thôi. Những đội có nhận một phần ngân sách hỗ trợ từ địa phương thì vẫn đủ tiền trả lương cho bộ máy nên nghĩ là vẫn thi đấu được. Tuy nhiên, các đội gặp khó nhiều hơn thì cũng đã tính đến phương án bỏ giải.

Vậy mà đến cuộc hội thảo thứ 2, vẫn chưa thấy giải pháp nào căn cơ cho bóng đá Việt Nam. Thay vào đó, người ta vẫn tập trung tìm cách để duy trì, để triển khai mùa giải. Vẫn chưa thể tìm ra cách để giảm tỷ lệ phụ thuộc vào tiền tài trợ, tăng doanh thu khác mà nghĩ đến chuyện đăng ký thi đấu.

Bản thân mỗi CLB là một doanh nghiệp, chưa có cách tìm thêm tiền mà đã nghĩ đến chuyện tiếp tục kinh doanh.

Đã đến lúc rất cần các nhà quản lý, đặc biệt là những ông bầu - các doanh nhân đưa ra một quyết sách phù hợp.

Những người làm chuyên môn ai cũng muốn mùa giải vẫn phải được tiến hành nhưng vấn đề tiền lại chẳng tránh bất kỳ ai cả.

Nói như Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, cái cần thiết lúc này là phải xác định bóng đá có đứng nổi trên đôi chân của mình hay không?

Theo những ý kiến tại buổi hội thảo, hiện chỉ có các doanh nghiệp nhận tiền trợ cấp từ địa phương mới an tâm đăng ký thi đấu. Các CLB vốn “sống” bằng tiền doanh nghiệp đều có thể “chết bất đắc kỳ tử”.

Ngân sách tối thiểu cho một mùa bóng của 1 CLB đã lên đến hơn 40 tỷ đồng, một con số quá lớn đối với các doanh nghiệp trong thời buổi hiện nay. Giải quyết con số đó ra sao, hầu như không ai trả lời được.

Tiền là thực trạng khó khăn của bóng đá Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Vậy là vẫn chưa chốt được số lượng CLB tham dự mùa bóng 2013 ở cả hai giải V-League lẫn hạng nhất.

Sau cùng, VFF, VPF và các CLB đã thống nhất lùi lại đến ngày 8-12 mới là hạn chót việc đăng ký thi đấu, sau đó sẽ tiến hành bốc thăm.

Dự kiến lễ bốc thăm sẽ tiến hành vào ngày 15-12 và mùa bóng mới sẽ khởi tranh từ giữa tháng 1-2013.

Khi mà vấn đề cội rễ là tiền đâu vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo, liệu sẽ còn tiếp tục lùi thời gian đăng ký các CLB tham dự mùa bóng mới một lần nữa?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG