Bùng nổ cuộc chiến bản quyền truyền hình

Pha cụng ly của bầu Kiên (ngoài cùng, phải) với chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hơn một năm trước đây! Ảnh: VSI
Pha cụng ly của bầu Kiên (ngoài cùng, phải) với chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hơn một năm trước đây! Ảnh: VSI
TP - Một ngày sau khi AVG (Công ty nghe nhìn toàn cầu) lên tiếng về hợp đồng độc quyền bản quyền truyền hình đã ký với VFF, hôm 29-12, Công ty cổ phần bóng đá VN (VPF) có văn bản đồng ý cho Đài truyền hình VN (VTV) tham gia phát sóng các trận đấu bóng đá thuộc 4 giải đấu chuyên nghiệp VN.

> AVG chấp thuận đàm phán với VPF

Pha cụng ly của bầu Kiên (ngoài cùng, phải) với chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hơn một năm trước đây! Ảnh: VSI
Pha cụng ly của bầu Kiên (ngoài cùng, phải) với chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hơn một năm trước đây! Ảnh: VSI.

AVG tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Công văn số 20/VPF/2011 của VPF được ký tên Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên với nội dung xác nhận cho phép Đài truyền hình VN (VTV) và các đơn vị trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận đấu thuộc 4 giải đấu trên “cho tới khi VPF có thông báo mới về vấn đề bản quyền truyền hình”.

VPF cũng đồng thời đề nghị VTV hỗ trợ Đài truyền hình kỹ thuật số VN (VTC) và các Đài truyền hình địa phương có nhu cầu trong việc truyền hình các trận đấu, nhằm phục vụ đông đảo người hâm mộ cả nước và quảng bá cho các giải chuyên nghiệp.

Cơ sở để VPF cho ra đời công văn trên là Điều 53 Luật Thể thao năm 2006, cùng các quyết định, Nghị quyết khác liên quan đến việc cho phép thành lập VPF cũng như chuyển quyền tổ chức, quản lý, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN từ VFF sang VPF.

Trả lời Tiền Phong chiều qua, Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội kiêm Phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên đã xác nhận việc ký tên vào văn bản trên. Ông Kiên cho biết: “Tất cả những việc VPF làm đều có cơ sở pháp lý đầy đủ, tuân thủ đúng luật pháp. Tôi chịu trách nhiệm đối với việc mình làm”.

Ông Kiên từ chối đưa ra thông tin cụ thể về giá trị bản hợp đồng mới, nhưng khẳng định trong thời gian tới việc quyết định cho đài truyền hình nào vào sân tác nghiệp sẽ do VPF và BTC quyết định, không để tình trạng các đài tranh nhau.

Nhận xét về công văn đứng tên bầu Kiên của VPF, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói: “Tôi nghĩ nếu đôi bên tôn trọng nhau là tốt.

Công văn là của anh Kiên, còn tinh thần của VFF là chuyển giao phải theo thứ tự, trong khi hiện tại việc chuyển giao hợp đồng từ VFF sang VPF còn chưa hoàn tất. Làm như vậy là chưa đúng quy trình thủ tục. Trong tuần tới, Thường trực VFF sẽ họp và có quyết định về vấn đề này.

Có thể anh Kiên nóng ruột vì hứa với báo chí giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình trong 10 ngày là xong. Nhưng mọi việc cần làm đúng trình tự và tuân theo hợp đồng chuyển giao từ VFF cho VPF”.

Trả lời Tiền Phong trước đó, Phó chủ tịch VFF kiêm Phó chủ tịch HĐQT VPF Lê Hùng Dũng cũng nêu quan điểm, VPF phải đảm bảo tính kế thừa đối với các hợp đồng đã ký của VFF, bao gồm hợp đồng truyền hình đã ký với AVG.

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Kênh thể thao VTC3 Vũ Quang Huy bày tỏ: “Hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản cụ thể của cả VPF và AVG, nên chưa thể đưa ra câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, quan điểm từ trước đến giờ của VTC là muốn có sóng sạch để tự làm trận đấu phục vụ người hâm mộ. Thế nên nếu ai bán sóng sạch cho VTC, chúng tôi sẽ mua”.

Chiều qua đã có thông tin, VPF đã thống nhất với VTV bản hợp đồng mới có giá trị 7 tỷ đồng/năm. Hợp đồng có thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, trong hôm qua, không có bất kỳ đại diện VTV nào lên tiếng dù Tiền Phong đã nỗ lực liên lạc nhiều lần.

Trả lời Tiền Phong qua điện thoại vào chiều qua, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã bày tỏ thái độ không đồng tình với công văn của VPF. “Nếu anh Kiên (Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên-pv) ký công văn trên, thì đấy là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của một tổ chức.

Ở đây tôi chưa nói đến việc anh Kiên có tư cách để cho ra văn bản như thế không. Nếu là quyết định cá nhân, anh Kiên phải tự chịu trách nhiệm chứ không thể đánh đồng sang các thành viên khác của VPF. Còn nếu có sự đồng thuận của VPF, thì đây là một sự vi phạm tập thể. Chúng tôi sẽ tập hợp đầy đủ các văn bản gửi tới các cơ quan chức năng. AVG sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình”, ông Vũ cho biết.

Luật sư - Hoàng Kim Thoa - Công ty Luật TNHH QTC:

Việc ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ tịch HĐQT của VPF ký công văn số 20/VPF/2011 cho phép VTV và các đơn vị truyền hình trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá của các giải bóng đá mà không thông qua đàm phán với AVG sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho AVG.

Công văn trên không thể chỉ căn cứ vào Điều 53 Luật Thể thao, mà nó còn phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng.

Theo nguyên tắc áp dụng luật thì công văn trên không áp dụng được cho trường hợp này, bởi vì đối tượng của hợp đồng bản quyền truyền hình là VFF & AVG, khi hai đối tác chưa có sự chuyển giao (hoặc thanh lý) hợp đồng bằng văn bản thì VPF chưa phải là đối tượng điều chỉnh theo Điều 53 Luật Thể thao. Ngoài ra, nguyên tắc áp dụng luật còn theo thời gian ban hành và cần được các bên nghiêm chỉnh thực hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG