Buồn, nghèo như Tết thể thao

Nếu không có huy chương ở các giải đấu quốc tế, các VĐV Việt Nam gần như không có tiền ăn Tết. Ảnh: VSI
Nếu không có huy chương ở các giải đấu quốc tế, các VĐV Việt Nam gần như không có tiền ăn Tết. Ảnh: VSI
TP - Thu nhập quanh năm chỉ trên 3 triệu tháng, lại không hề có tháng lương thứ 13 hay thưởng nên cả nghìn tuyển thủ quốc gia đang phải chấp nhận với một cái Tết nghèo buồn đến mức khó tin.

Mức lương thua người giúp việc

Nhờ SEA Games 28 thành công, siêu kình ngư Ánh Viên “sở hữu” gần 2 tỷ đồng tiền thưởng, kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền nhận gần 1 tỷ đồng, trong khi hàng trăm tuyển thủ khác cũng có từ vài chục tới cả trăm triệu để có một cái Tết đủ đầy. Thế nhưng, đây chỉ là một con số quá nhỏ so với trên 1.000 tuyển thủ của 40 môn đã nỗ lực tập luyện, thi đấu cả năm mà “tay trắng” vì không có huy chương.

Có tới 800 “tuyển thủ không huy chương” gần như không có một khoản tích lũy nào,  dù chỉ là 3-5 triệu đồng để lo cái Tết cho gia đình và bản thân. Đơn giản bởi mức thu nhập hàng tháng của họ quá thấp, như lời thừa nhận đầy trăn trở của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng là “thua cả người giúp việc”.

Với chế độ 150.000 đồng cho mỗi ngày công 2 buổi, nếu một người tập đủ 26 ngày cũng chỉ có tối đa 3,6 triệu đồng. Trên thực tế, hầu hết đều chỉ đạt mức từ 3 đến 3,2 triệu đồng. Nó chỉ đủ cho các nhu cầu hàng ngày một cách tằn tiện nhất, và không thể có dư. Nhiều tuyển thủ của các ĐTQG như silat, taekwondo, karatedo là người ở các địa phương xa, đặc biệt một số tỉnh phía Nam ra Trung tâm HLQG Hà Nội thậm chí trong cả năm không về thăm nhà lần nào vì chẳng có tiền. Họ đành phải chờ đến dịp Tết mới về khi được ngành thể thao thanh toán tiền tàu xe theo chế độ.

Tết nghèo buồn hơn cả công nhân

Cứ dịp trước Tết, người ta phải chạnh lòng trước các thông tin về mức thưởng Tết “còm” hay bằng hiện vật đầy bi hài, nhất là với công nhân đi làm ăn xa. Tuy nhiên, xem ra công nhân vẫn còn may mắn hơn các tuyển thủ quốc gia thể thao, những người chưa bao giờ biết đến khái niệm tháng lương thứ 13 hay thưởng Tết. Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho ngành thể thao, từ trung ương tới địa phương, chỉ đảm bảo cho việc tập luyện, thi đấu, ăn uống, chữa trị chấn thương, chứ không có nguồn nào cho thưởng.

Các tuyển thủ có thu nhập từ tiền công 3 triệu đồng mỗi tháng, mà không có tiền thưởng thành tích sẽ phải chấp nhận một cái Tết “tay không”. Các Trung tâm HLQG, hay từng ĐTQG chỉ có thể động viên các tuyển thủ bằng cách tổ chức một buổi liên hoan, cùng một món quà nhỏ và vài trăm nghìn đồng gọi là có chút mang về nhà. Nó ít tới mức không đủ để họ mua một bộ quần áo mới cho bản thân, hay có thể đóng góp cho gia đình.

 Sau 5 năm gắn bó với cầu lông, tài năng trẻ Phạm Cao Cường luôn có cảm giác cay đắng nhất vào dịp Tết vì mình vẫn ăn Tết, tiêu Tết hoàn toàn bằng tiền xin bố mẹ. Nhưng Cường còn trẻ, gia đình cũng có điều kiện tương đối để nhờ cậy, vẫn đỡ hơn nhiều các anh chị đã có gia đình, nhất là những trường hợp cả hai vợ chồng đều là VĐV. Như “tổng kết” của một cặp đôi hoàn cảnh ở môn bắn súng, chồng Hải Dương vợ Thái Bình thì họ đang lo bạc mặt. Tết này không biết xoay xở thế nào cho cả một gia đình 4 thành viên, chưa kể còn phải về nội về ngoại, với khoản dành dụm cả năm chưa nổi 10 triệu đồng.

Cũng chính bởi vậy, hàng loạt tuyển thủ quốc gia không dám nghĩ đến chuyện đi chơi, thăm thú chỗ này chỗ khác mà xác định sẵn tinh thần chỉ ăn Tết tại nhà trong mấy ngày nghỉ, hay tụ hội giới VĐV với nhau “cho lành”. 

Nhà vô địch đôi nam Wimbledon trẻ Lý Hoàng Nam là trường hợp ngoại lệ của giới VĐV ở các môn ngoài bóng đá với mức thưởng Tết cao kỷ lục, khoảng 30 triệu đồng. Mức thưởng này tương ứng với 3 tháng thu nhập của Nam tại CLB quần vợt Becamex Bình Dương.

MỚI - NÓNG