Chủ tọa Lê Văn Ban:

Các cầu thủ hưởng án treo có thể trở lại sân cỏ

Các cầu thủ hưởng án treo có thể trở lại sân cỏ
TP - Trong phần tranh luận giữa luật sư với đại diện cơ quan công tố hôm qua, 26/1, ngoài sự biện hộ nhằm bảo vệ cho các thân chủ nhẹ tội hơn và có cơ hội làm lại cuộc đời trên sân cỏ, hầu hết quan điểm của các luật sư cũng chỉ trích trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá.

Phạm Văn Quyến cũng có những lời tâm huyết khi tự bào chữa cho mình và các bạn. Theo Quyến, tội danh và điều khoản luật mà cơ quan công tố cáo buộc, Quyến hoàn toàn nhất trí. Nhưng về mức độ phạm tội, Quyến mong HĐXX xem xét lại, bởi Quyến và các bạn (nhóm bị cáo cầu thủ tại ngoại) chỉ hứa sẽ nhận tiền và có người chưa nhận được số tiền bán độ.

 

Bản thân Quyến và những đồng đội khác đến với sự nghiệp cầu thủ trong hoàn cảnh mỗi người một khác nhau… Trong một môi trường như vậy, với một ít thành tích cá nhân đạt được, tuổi đời Quyến còn quá trẻ, cùng với sự nông nổi, Quyến và các bạn đã sa ngã.

Khi vụ án xảy ra, Quyến đã có thời gian hơn 4 tháng tạm giam, hơn 1 năm không được đá bóng. Gia đình, người hâm mộ đã lên án, giáo dục. Đây chính là bản án của xã hội mà Quyến và đồng đội phải gánh chịu.

Quyến và các bạn thành tâm sám hối, xin lỗi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Liên đoàn Bóng đá, đặc biệt là người hâm mộ bóng đá. “Mong HĐXX công tâm xem xét cho tôi và các bạn có cơ hội trở lại với bóng đá vì đó là nghề nghiệp mà tôi đeo đuổi suốt đời. Nhất định chúng tôi sẽ lấy công chuộc tội. Hãy mở cho chúng tôi một con đường tiến về phía trước” – Quyến nghẹn lời.

Người hâm mộ vui vì nhiều cầu thủ chỉ bị án treo

Các cầu thủ hưởng án treo có thể trở lại sân cỏ ảnh 1
Quốc Vượng bật khóc sau khi tòa tuyên án. Ảnh: Hữu Vinh 

Chiều cùng ngày, Chủ tọa Lê Văn Ban tuyên đọc bản án. Theo nhận định của HĐXX, nhóm các bị cáo cầu thủ này đã phạm tội giống như những gì cơ quan tố tụng cáo buộc.

Song, đối với nhóm bị cáo tại ngoại cũng cần phải xem xét đến mức độ phạm tội khi họ còn quá trẻ. Hơn nữa ít nhiều họ đã có những thành tích đóng góp cho nền bóng đá nước nhà.

Luật sư Phạm Liêm Chính (Đoàn luật sư Hà Nội) - bào chữa miễn phí cho Phạm Văn Quyến cho rằng, cần có một tòa án chuyên xét xử các vấn đề của thể thao để phù hợp với xu hướng hội nhập. Các nước trên thế giới đã có tòa án kiểu này. HĐXX có thể là một thẩm phán chuyên nghiệp cùng với hai hội thẩm là hai chuyên gia về thể thao. Ngoài phạm vi của luật định trong nước, thể thao còn được quy định bởi luật của tổ chức chuyên biệt thế giới.  Việc xử án qua tòa án thể thao sẽ thấy hết tính chất của các hành vi.

Đặc biệt là Văn Quyến đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng 3 khi mới 20 tuổi.

Vì thế, HĐXX đã áp dụng hình phạt án treo cho nhóm cầu thủ: Phạm Văn Quyến (2 năm); Huỳnh Quốc Anh (2 năm), Lê Bật Hiếu (2 năm 6 tháng); Châu Lê Phước Vĩnh (2 năm); Lê Văn Trương (2 năm 6 tháng) và Trần Hải Lâm (2 năm 6 tháng). Lời chủ tọa vừa chấm dứt, nhóm bị cáo tại ngoại này tươi cười, bên ngoài sảnh chính của Tòa vang lên tràng pháo tay của người hâm mộ bày tỏ sự đồng tình với HĐXX.

Trả lời câu hỏi của Tiền phong cảm giác của Hải Lâm thế nào? Lâm lắc đầu, cười tươi: “Hôm khác nói nhiều anh nhé. Cảm giác em hiện giờ không sao tả xiết”.

Về hành vi của Lê Quốc Vượng, HĐXX nhận định bị cáo chính là người chủ động lôi kéo các cầu thủ khác vào cuộc chơi, mà hậu quả là bóng đá Việt Nam đã mất đi một loạt cầu thủ xuất sắc.

Hành vi của Vượng cần đã được giáo dục, răn đe, do đó mức án tuyên phạt cho 2 tội danh “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” mà Vượng phải chịu là 6 năm tù giam. Vượng thực sự bị sốc sau khi nghe lời Tòa tuyên. Trương Tấn Hải cũng phải chịu mức án 3  năm tù cho tội “Đánh bạc”.

Dưới khán phòng, bà Phạm Xuân Thái -  nguyên Trưởng đoàn CLB Cảng Sài Gòn không kìm được  nước mắt, khi nghe tòa tuyên án đối với học trò Hải.

Tấm lòng người hâm mộ xứ Nghệ

Các cầu thủ hưởng án treo có thể trở lại sân cỏ ảnh 2
Nhiều người dân xứ Nghệ vào TPHCM chỉ để theo dõi phiên tòa. Ảnh: Hữu Vinh

Khi Văn Quyến xuất hiện trong khuôn viên, hàng trăm người đã bao vây và cố với tay chạm vào người Quyến. PV Tiền phong nghe tiếng một thanh niên nhận xét về Quyến như trông chờ một kết quả tốt lành từ bản án: “Quyến ơi mập quá, liệu còn chạy nổi để chọc thủng lưới đội Thái nữa không?”.

Lập tức đám đông nhao nhao lên ủng hộ theo lời người thanh niên: “Phải, phải. Cố lên nghe Quyến, gắng trở lại sân cỏ nghen…!!!”.

Ông Nguyễn Vũ Thông (SN 1956, ngụ ở Phú Nhuận, TPHCM), bộc bạch: “Bản án tòa tuyên cho nhóm cầu thủ tại ngoại như thế là quá đủ. Phải tạo điều kiện cho họ trở lại sân cỏ. Không có họ, đội tuyển yếu hẳn. Mong SEA Games và các đấu trường quốc tế sắp đến lại có tên của họ”.

Tấm lòng của người dân xứ Nghệ dành cho các cầu thủ cũng thật xúc động. Nhiều người hâm mộ từ Nghệ An vào tận TP Hồ Chí Minh xem tòa xử án. Hai chị em Nguyễn Kim Quy (SN 1979), và Nguyễn Thu Thủy (SN 1984), đều ở TP Vinh đã đi tàu vào TPHCM trước ngày phiên tòa mở để theo dõi kết quả xét xử đối với hai người đồng hương Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng.

Quy cho biết, khi nghe tin Quyến bị bắt giam, cô như sụp đổ hoàn toàn bởi Quyến  là một thần tượng. Nhưng sau đó niềm tin lại đến, cô nghĩ,  những thanh niên này đều trẻ, chỉ vì bồng bột, cạn  nghĩ họ đã bị lôi kéo.

 “Còn Quốc Vượng thì sao, về bản án?” – chúng tôi hỏi. Quy rơm rớm nước mắt: “Giận thì giận mà thương thì thương. Xét về lý thì mức án tuyên là đúng. Nhưng về tình, dẫu sao Vượng cũng đã có đóng góp nhiều cho bóng đá”.

Chủ tọa Lê Văn Ban:

“Các bị cáo hưởng án treo đều có thể trở lại sân cỏ!”

Gần 17 giờ, khuôn viên TAND TPHCM đã thưa người, tình cờ Tiền phong bắt gặp vị Chủ tọa của phiên xét xử vụ án “các cầu thủ U23 bán độ”, thẩm phán Lê Văn Ban.

Nghe thẩm phán truy xét các bị cáo, có vẻ ông cũng rất mê bóng đá?

Mê chứ! Trước ngày xét xử tôi cùng vài người bạn ngồi ở Vườn Phố (cạnh trụ sở Tòa tối cao tại TPHCM) xem đá trận bán kết Việt Nam - Thái Lan. Đội mình thua 2-0, đau lắm.

Khi tuyên án nhóm các cầu thủ là bị cáo tại ngoại, ông có bị áp lực gì từ phía người hâm mộ, báo chí không?

Chẳng có áp lực nào cả. Bởi tôi xem xét mức độ phạm tội của các  bị cáo đều căn cứ vào quy định của pháp luật.

Theo thẩm phán, bao lâu các cầu thủ thuộc nhóm bị cáo tại ngoại được hưởng án treo mới được trở lại sân cỏ?

Họ có thể đá ngay trong lúc án chưa xóa. Trong bản án mà HĐXX tuyên đâu có cấm họ hành nghề. Quan trọng là các câu lạc bộ có chấp nhận họ trở lại hay không.

Tiếc rằng, trong phiên tòa này vắng mặt nhiều đại diện của các câu lạc bộ mà các cầu thủ này đang tham gia. Nếu có họ HĐXX sẽ giao quyền giám sát và quản lý các cầu thủ cho họ.

'Vấn đề còn lại là các cầu thủ này muốn di chuyển khỏi địa phương, đầu quân qua câu lạc bộ khác, phải xin phép tại địa phương đang được Tòa giao quyền quản lý họ. 

Xin cảm ơn ông! 

Trân Nguyên (thực hiện

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.