Các ông bầu nên rút khỏi VPF

Các ông bầu nên rút khỏi VPF
TP - “Sự ra đời của Cty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp VN (VPF) là một tất yếu, cần thiết đối với bóng đá VN. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và hiệu quả hoạt động của công ty, các ông bầu nên rút lui”, ông Lê Hùng Dũng trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

> Ai thay chủ tịch VFF?

Theo Phó chủ tịch VFF và VPF Lê Hùng Dũng, các ông bầu không nên có mặt trong Ban quản trị VPF. Ảnh: VSI
Theo Phó chủ tịch VFF và VPF Lê Hùng Dũng, các ông bầu không nên có mặt trong Ban quản trị VPF. Ảnh: VSI.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, ông sẽ là ứng viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch VFF sau khi Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ hết nhiệm kỳ?

Bàn vấn đề này bây giờ tôi nghĩ là sớm quá, và ở nước ta lại là chuyện nhạy cảm. Thực ra, trước kia cũng đã có người hỏi tôi về chuyện này, anh Hỷ cũng có trao đổi. Tuy nhiên, quan điểm của tôi khi đó là ủng hộ anh Hỷ hoàn thành nhiệm kỳ và nếu có thể thì tiếp tục. Quan điểm của tôi hiện nay vẫn vậy, chưa có gì thay đổi.

Có ý kiến cho rằng sau khi VPF thành lập, VFF không còn giữ được uy thế như trước, và đây là lý do khiến cho vị trí chủ tịch VFF không còn sức hấp dẫn?

Nói vậy là không chính xác, và lại có thể gây chia rẽ giữa VFF với VPF. Cần xác định rõ, VPF là một thành viên, một bộ phận không thể tách rời của VFF.

Ở đây, không có chuyện VFF buông các giải đấu, mà đơn giản là VFF trao quyền quản lý, tổ chức và điều hành giải cho VPF.

Việc phân chia như vậy cũng giúp VFF có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những công việc khác, như đối ngoại, đào tạo trẻ… Anh em trong Liên đoàn vẫn bảo tôi giờ có VPF lo hộ các giải đấu nên cũng được ăn ngon, ngủ kỹ hơn, chứ không vất vả như trước.

Ông nghĩ gì trước thông tin ông Lê Hùng Dũng đã chán bóng đá, thậm chí sẽ nghỉ công việc ở VFF sau khi Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ rút?

Nói chán thì có phần quá lời. Nhưng đúng là đôi khi mình cũng mệt mỏi. Tôi có kinh nghiệm là VFF làm việc gì, ngược hay xuôi đều sẽ bị chê trách. Không người này thì người kia. Người nói thì nhiều, mà người làm thì ít.

Tôi cũng muốn những người hay nói thử bắt tay làm thực tế xem như thế nào. Thêm nữa ngoài bóng đá, tôi cũng còn nhiều công việc khác phải giải quyết, thực sự rất bận rộn.

Về chuyện chức chủ tịch VFF, nếu được trọng thị, tôi tin không thiếu người ngoài Liên đoàn dám gánh vác, chứ không phải không còn hấp dẫn. Tôi không cho rằng, sự ra đời của VPF lại có thể khiến VFF đánh mất vai trò của mình.

Thể chế của chúng ta không cho phép VPF đứng độc lập, đấy là chưa kể quá trình thành lập VPF cũng còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải có sự điều chỉnh.

Cụ thể ở đây là gì?

Nhiều người hỏi tôi, tại sao lại giao quyền quản lý, điều hành các giải đấu cho những ông bầu có đội bóng thường trực đối diện nguy cơ rớt hạng. Như vậy có hợp lý hay không? Thêm nữa, ở đây chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa việc thành lập VPF với những con người tham gia vào công ty. Các ông bầu nên rút lui.

Tôi nói đơn cử, liệu trong những vòng đấu cuối, các ông bầu có đảm bảo điều hành khách quan hay không, khi một số đội đang có nguy cơ rớt hạng? Dư luận hoàn toàn có thể đặt vấn đề về chuyện này, cho dù các ông bầu có công tâm hay không.

Ông đánh giá thế nào về công tác tổ chức, quản lý, điều hành các giải đấu của VPF mùa giải vừa qua?

Dư luận có lẽ đã quen chỉ trích VFF. Nhưng nói thực, những vấn đề trước kia, như sai sót của trọng tài, cầu thủ đá bạo lực, rồi chuyện nhường điểm… mùa giải năm nay tôi vẫn thấy còn nguyên.

Công tác tổ chức chỉ có điểm mới là thêm sự tham gia của công an, nhưng rốt cuộc VPF có ngăn chặn được những vấn nạn trên không, hay chỉ nghi ngờ rồi để đó?

VPF ra đời, tình hình tài chính VFF năm qua có dư dả thêm không?

Cái này thì việc nào ra việc đấy thôi. Phần nào thuộc về V.League thì để cho V.League. ĐTQG thì vẫn có tài trợ riêng. Chỉ công tác đào tạo trẻ thì hơi yếu. Về nguyên tắc, đây là trách nhiệm của các CLB.

VFF cũng có trung tâm đào tạo trẻ, nhưng để làm tốt không đơn giản. Nói chung, ngoài đào tạo trẻ ra, các vấn đề khác đều bình thường.

Nguyên Phong

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG