Cân bằng thu chi tài chính ở Bundesliga: Tiến thoái lưỡng nan

Cân bằng thu chi tài chính ở Bundesliga: Tiến thoái lưỡng nan
(TPO) Những bản báo cáo thâm hụt tài chính, hàng đống giấy nợ đáo hạn... khiến giờ đây các CLB ở Bundesliga buộc phải cắt giảm chi tiêu... Làm vậy liệu bóng đá Đức có thay đổi.  

Việc thắt lưng buộc bụng có giúp gì cho tương lai bóng đá Đức? Trước mắt, chính sách này có thể giúp họ nhanh chóng ổn định tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài, thành tích và vị thế các đội bóng Đức trên đấu trường châu lục có lẽ dễ bị lung lay.

Tổng Giám đốc Bayern Munich, Uli Hoeness, đã lên tiếng cảnh báo về một tương lai ảm đạm đang chờ đón các đội bóng Đức tại đấu trường châu Âu. Ông cho rằng, nếu không chịu đầu tư mạnh tay, bóng đá Đức có nguy cơ tụt hậu và thậm chí bị xoá tên trên bản đồ bóng đá châu lục.

Cân bằng thu chi tài chính ở Bundesliga: Tiến thoái lưỡng nan ảnh 1
Hình ảnh của Bayern Munich là hình ảnh của Bundesliga!

Ngay sau thất bại bi tráng của "Hùm xám" Munich trước Chelsea trong khuôn khổ tứ kết Champions League vừa qua, Uli Hoeness thừa nhận mọi toan tính của Bayern đã hoàn toàn sụp đổ. Họ đã thất bại trước một đối thủ có đẳng cấp cao hơn và đang được đầu tư mạnh mẽ. 

Có lẽ, “ngày tàn” của các CLB Đức đã điểm bởi những bất lợi tài chính của họ trước đối thủ cạnh tranh, những CLB sẵn sàng vung tiền bạc để tăng cường lực lượng.

Những bất lợi về tài chính dường như đang là rào cản cho các CLB Đức khi phải thi thố với các đối thủ mạnh ở châu Âu. Để thực hiện một kế hoạch dài hạn 5 năm, Juventus luôn đầu tư nhiều hơn Bayern. Còn Chelsea thì ai cũng biết, luôn được Roman Abramovich "bơm" những món kếch xù để cải thiện đội hình, thuê HLV tài năng và những cộng sự giỏi.

Quá thực dụng - thu từ truyền hình ít hơn tiền bán vé

Hiện đang tồn tại một bất cập lớn tại Bundesliga: Trong khi giải đấu này luôn thu hút một lượng khán giả cao nhất châu Âu thì tiền thu được từ việc bán bản quyền truyền hình lại tương đối thấp, Nguyên nhân chính là do các hãng truyền hình cáp, chẳng hạn hãng Premiere, không tài nào thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Người Đức thường rất thực dụng. Họ thà mất tiền mua vé để được xem trực tiếp chứ ít chịu chi cho những khoản tiền thuê bao truyền hình cáp. Như trường hợp của Bayern, sân vận động mới của họ với 66.000 chỗ ngồi chưa kịp khánh thành mà lượng vé đặt mua đến tận 2010 đã bán hết nhẵn.

Cân bằng thu chi tài chính ở Bundesliga: Tiến thoái lưỡng nan ảnh 2
Khán giả thích đến sân hơn là xem qua truyền hình: vui hay buồn?

Nếu không thể đến sân, các cổ động viên sẽ "chúi mũi" vào kênh truyền hình quốc doanh ARD được phát lúc 18 giờ 15 (giờ Đức) - trực tiếp và hoàn toàn miễn phí. Việc phát miễn phí các trận bóng đá cuối tuần của ARD vào giờ thuận tiện đối với mọi người vô hình chung đã tạo ra thói quen "lười" thuê mua truyền hình cáp.

Đã có một vài đề xuất nhằm thay đổi thói quen này hoặc điều chỉnh giờ phát hình, nhưng lại vấp phải sự phản đối của dân chúng. Hậu quả: Premiere, dù rất nỗ lực đầu tư lôi kéo khách hàng, nhưng vẫn lỗ tới 57 triệu bảng mỗi năm. Và đương nhiên các CLB Đức sẽ không được chia những khoản tiền bản quyền truyền hình "hậu hĩnh" như các CLB ở Anh, Ý hoặc Tây Ban Nha.

Điều nực cười là trong khi người Đức tỏ ra thờ ơ với truyền hình cáp tường thuật các trận đấu Bundesliga thì ở nhiều nơi trên thế giới, người ta sẵn sàng trả tiền thuê bao hàng tháng để được chiêm ngưỡng lối đá thực dụng của những "cỗ xe tăng" Đức.

Trung Quốc là một ví dụ. Tại đất nước này người ta luôn háo hức chờ xem giải vô địch quốc gia Đức, nơi xuất thân của HLV Klaus Schlappne - người đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chỉ là thị trường rất nhỏ xét về thói quen sử dụng truyền hình cáp.

Điều hành tập thể - khó tạo bước đột phá trong đầu tư

Các CLB Đức có lẽ cũng không thể có những bước "đại nhảy vọt tài chính" như một số CLB hùng mạnh trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở cơ chế. Các đội bóng Đức không thích chuyển giao quyền lực cho một ông chủ cụ thể  mà thường được điều hành bởi các thành viên lãnh đạo.

Cân bằng thu chi tài chính ở Bundesliga: Tiến thoái lưỡng nan ảnh 3
Tập thể lãnh đạo quá cồng kềnh!

Một lượng nhỏ (khoảng 10%) cổ phiếu của họ thường do các hãng thể thao (Adidas, Nike...) nắm giữ. Số còn lại bị hạn chế mua bán, chuyển nhượng. Vì thế sẽ chẳng có đất cho những  Roman Abramovich hoặc Silvio Berlusconi thực hiện những phi vụ đầu tư "động trời" hòng vực dậy một đội bóng đang kiệt quệ.

Mặt khác, khả năng kinh doanh của các đội bóng Đức lại tương đối hạn chế. Borussia Dortmund là ví dụ: CLB này đã đầu tư vô tội vạ trong một nỗ lực nhằm thống trị Bundesliga. "Ném tiền qua cửa sổ", cuối cùng  họ đã phải bán đi cả sân vận động và những cầu thủ ưu tú nhất của mình để trang trải nợ nần. Nên nhớ những tài năng đó đã "ngốn" không ít tiền của CLB vùng Ruhr. Âu cũng là bài học cho những thói "chơi ngông".

Nên thực hành tiết kiệm hay tiếp tục đầu tư ?

Giờ đây, dường như đã thấm thía, các CLB ở Bundesliga (kể cả ông trùm Bayern) lại phải quay về thời kỳ "thắt lưng buộc bụng". Theo đuổi chính sách cân bằng thu chi tài chính một cách cẩn trọng, mục tiêu của các CLB Đức sẽ là các tài năng trẻ nội địa. Đó là tin vui cho nước chủ nhà đăng cai World Cup 2006 bởi tới lúc đó các cầu thủ trẻ đã trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm hơn.

Cân bằng thu chi tài chính ở Bundesliga: Tiến thoái lưỡng nan ảnh 4
Đầu tư vào đâu để bóng đá Đức có lối thoát?

Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc Đức sẽ gặp khó khăn với nỗ lực khuyếch trương giải đấu của mình lên một tầm cao mới. Chỉ những nơi nào quy tụ đủ mặt anh tài của bóng đá thế giới mới là giải đấu đáng theo dõi nhất hành tinh. Với một nền bóng đá hướng nội, sức mạnh các CLB Đức có thể sẽ bị suy giảm nghiêm trọng bởi châu Âu là đấu trường vô cùng khắc nghiệt.

Đành rằng chính sách này sẽ giúp các họ ổn định tài chính và nhờ vậy sẽ vượt mặt một số đối thủ châu Âu đang nợ nần chồng chất. Nhưng thử tưởng tượng nếu thế giới bóng đá xuất hiện thêm vài tỷ phú kiểu Roman Abramovich, thì liệu những toan tính thực dụng của người Đức có còn chỗ đứng hay không !?

Đầu tư hay tiết kiệm? Quả thật Bundesliga đang tiến thoái lưỡng nan!

MỚI - NÓNG