Cao vọng hậu U23

Cầu thủ Vũ Văn Thanh bị người hâm mộ vít cổ chụp tự sướng khi vừa từ thang máy bay xuống tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cầu thủ Vũ Văn Thanh bị người hâm mộ vít cổ chụp tự sướng khi vừa từ thang máy bay xuống tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Thời khắc các cầu thủ U23 Việt Nam bước xuống từ máy bay hòa vào “dòng lũ” người hâm mộ ra đón, tôi nhận thấy họ không cười rạng rỡ mà cười kiểu hơi bối rối, có độ gượng gạo, dần dà mới tươi tỉnh hoàn toàn. Tôi cho rằng đó là thái độ thích hợp. Nếu họ về nước trong tư thế quán quân thì ắt phải khác.

1/Dù nhận được vô số sự ủng hộ trên sân Thường Châu khi tiếng còi chung kết cất lên còn ở quê nhà không ai trách họ cả, thì hẳn các cầu thủ U23 biết rằng việc không chạm được cúp vàng là niềm thất vọng lớn. Nên kỳ tích á quân dù tuyệt vời lắm rồi nhưng họ không thể cười hết cỡ, nhảy nhót tưng bừng được. Trong buổi sáng 29/1 đến báo Tiền Phong nhận bằng khen của Trung ương Đoàn và 500 triệu đồng tiền thưởng của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ sau đó giao lưu, ba cầu thủ trẻ cũng có thái độ như vậy, thậm chí hơi căng thẳng trước sự hâm mộ cuồng nhiệt của cổ động viên và sự quan tâm của các báo.

Lắng nghe ba cầu thủ giao lưu, thấy có độ chân thật. Ví dụ nghe hỏi “Vì sao xung phong đá quả penalty cuối cùng trong trận tứ kết”, Bùi Tiến Dũng đáp: “Ban huấn luyện hỏi em có đá không, em hỏi Trường (đội trưởng): “Thế không ai đá hả ông”. Trường bảo ông đá đi thế là em nhận. Cái này gọi là Tổ quốc gọi thì mình phải lên đường ngay”. (Khán phòng cười ồ).Văn Hậu thì tả cảm giác đứng trên xe buýt giong khắp ngả đường: “Em thấy tuyệt vời và chưa hiểu điều gì đang xảy ra!”.

Quang Hải kể xa nhà từ 9,10 tuổi. Các cầu thủ U23 đều được đào tạo cơ bản trong các lò chuyên nghiệp từ nhỏ. Đó là lý do họ ngoài kỹ thuật cá nhân khéo léo còn có thể lực tốt, có ngoại ngữ. Và chút vốn văn hóa giắt lưng dù còn ít tuổi?

Hơn chục năm, khán giả đau đớn vì nạn bán độ và không chỉ bán độ. Những cái tên như Văn Quyến, kỳ tài nhưng vừa thắp lên ngọn lửa hy vọng đã vội tắt lịm. Bây giờ, thấy lứa cầu thủ lập kỳ tích hôm nay, cảm giác vừa mừng vừa lo. Lo họ có bị choáng ngợp trước sự hâm mộ đỉnh điểm, có phân tâm bởi những món tiền thưởng nhiều số 0, lo họ phải vác cây thập tự “á quân châu lục”, từ rày chỉ có hay trở lên.

Trở về trước Thái Lan từng hơn một lần mỉa Việt Nam “đá vòng ngoài có vẻ tưng bừng lắm nhưng cuối cùng vẫn bị loại”. Nhớ hồi thập kỷ 90 mình cũng từng cáu bẳn khi đội nhà hăm hở dội vào lưới Lào, Campuchia trên dưới chục quả để rồi thê thảm ở
vòng trong.

Thì mùa đông nay khác rồi. Và chốt lại, không dám mơ mộng xa xôi một thế hệ cầu thủ vừa giỏi chuyên môn vừa văn hóa ngất ngưởng như bác sĩ nhi khoa Socrates (Brazil) hoặc Rummenigge (Đức), Roberto Baggio (Ý)... Nhưng chả lẽ lại không có quyền cao vọng về một lứa cầu thủ giỏi toàn diện, ít nhiều có văn hóa. Cần phát ngôn thì có độ chân thành, đừng chỉ biết nói theo chỉ đạo của “người lớn”.

2/Sáng qua 29/1 tôi đi làm qua phố Thợ Nhuộm thấy trường mẫu giáo ở số nhà 90,  các cháu nhỏ vận áo đỏ sao vàng trong tiết trời căm căm, tập thể dục trên nền nhạc vang lừng “Tự hào mãi hát lên Việt Nam ơi”. Nói dư vị U23 đọng lại ở mọi ngành giới và đủ nam phụ lão ấu là thế, và bất kể không gian thời gian, thời tiết
khí hậu.

Qua những giải đấu như U23 châu Á năm nay hoặc Tiger Cup 1996, Tiger Cup 1998, phát hiện bóng đá hóa ra là đam mê lớn nhất và chất kết dính lớn nhất của người Việt. Cực nhiều bình luận thú vị trên mạng xã hội thời gian qua. Ví dụ: “Không bao giờ nghĩ có ngày Trung Quốc phải cặm cụi cào tuyết cho Việt Nam đá chung kết”. Nhưng nếu bóng đá là chất kết dính duy nhất, thì hay hay
là dở?

Bạn tôi viết trên FB: “Sau tất cả chuyên cơ, vòi rồng đón chào, Phó Thủ tướng tặng hoa, xe buýt 2 tầng 5 tiếng đồng hồ, báo công Lăng Bác, Thủ tướng dặn dò, mừng công Mỹ Đình, lại cả bikini đỏ trắng và béo..., mình chỉ mong giờ này các cháu đã được ăn một bữa nóng sốt, tắm nước nóng và chui vào chăn ấm, không còn lang thang đâu nữa”.

Màn bikini máy bay thì có nhiều bình bàn xuôi ngược. Còn các hooligan xông vào FB của cầu thủ Sidorov (Uzbekistan) chửi bới hoặc ra đường trương dòng chữ nhục mạ cầu thủ này, cũng miễn bàn. Những kẻ này hôm nay cuồng đội nhà đấy nhưng ngày mai thử đá đấm không như họ kỳ vọng xem, dễ mà bị tổng xỉ vả, rồi đốt cờ giẫm cờ như chơi.

“Vui sướng có chừng mực khi thành công, đau khổ có chừng mực khi hoạn nạn”. Có câu cách ngôn như thế. Những ngày qua chúng ta đã được sung sướng, điên rồ, hài hước thi vị, yêu thương nhau, tự hào dân tộc.v.v... Nhưng cái gì thái quá đều bất cập. Cho nên mới nói, một giải như U23 châu Á vừa qua khiến người hâm mộ dám kỳ vọng, cao vọng về một thế hệ cầu thủ hiện đại, không bạt vía trước đối thủ mạnh và có vốn liếng văn hóa hẳn hoi, đồng thời còn mong mỏi về một lớp khán giả văn minh, hài hòa lý trí - tình cảm, biết mình biết người để rồi thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà bay. Ngoài ra, bóng đá ghê thật đấy nhưng cuộc đời đâu chỉ có thế.

MỚI - NÓNG