Phía sau thất bại của U23 Việt Nam

Cầu thủ bị vắt sức như... vắt chanh!

Cầu thủ bị vắt sức như... vắt chanh!
TP - Trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối cùng dưới “thương hiệu” HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, sau trận thua U23 Myanmar ở bán kết, HLV A.Riedl nói rằng: “Các cầu thủ phải liên tục thi đấu hơn 30 trận nên bị quá tải, không đủ thể lực cho SEA Games...”. Nhưng sự thực không phải vậy!
Cầu thủ bị vắt sức như... vắt chanh! ảnh 1

Công Vinh đã phải thi đấu hơn 60 trận trong suốt một năm qua. Ảnh: Quang Thắng

Sự thật là, một số cầu thủ trụ cột của đội tuyển U23 Việt Nam như Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong, Tấn Tài, Quang Thanh, Anh Đức... đã phải vắt sức cày ải liên tục không ngừng nghỉ trong suốt hơn một năm qua.

Ngày 15/11/2006, những cầu thủ nói trên đã khoác áo đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự Cúp Bách Việt 2006 với khởi đầu là trận thua U21 Phần Lan 0-1. Sau ba trận tại Cúp Bách Việt, các cầu thủ này đã lên đường sang Doha (Qatar) tham dự ASIAD 15.

Hoàn tất ASIAD 15, ngày 22/12/2006, các cầu thủ này lại đặt chân lên đất Thái trong màu áo đội tuyển quốc gia tham dự giải đấu giao hữu King’s Cup. Đá ba trận trên đất Thái, giữa tháng 1/2007, họ lại bước vào AFF Cup và đá đủ 5 trận tại giải này, giành HCĐ.

Chưa hết, ngày 14/2/2007 (27 tháng Chạp âm lịch), các cầu thủ này lại phải thi đấu trận đầu tiên tại vòng loại Olympic Bắc Kinh. Bất ngờ (hay không may) ở chỗ, các cầu thủ trẻ thắng như chẻ tre và lọt vào tới vòng loại thứ ba Olympic Bắc Kinh. Để tham dự toàn bộ vòng loại này, các cầu thủ đã phải thi đấu tới 13 trận, kéo dài suốt từ giữa tháng Hai đến giữa tháng 11/2007.

Lãnh đạo một số CLB có cầu thủ lên tuyển cũng đã nhiều lần than phiền về việc cầu thủ phải vắt sức, thậm chí chấn thương khi tập trung đội tuyển nên khi trở về CLB, các cầu thủ không còn sức lực để phục vụ CLB.

Trước khi SEA Games 24 diễn ra, không ít bài báo đã lên tiếng cảnh tỉnh về tình trạng quá tải của một số cầu thủ trụ cột U23 Việt Nam khi phải tham dự quá nhiều giải đấu và cả những trận đấu vô bổ.

Tuy nhiên, những điều này, hoặc không đến tai HLV A.Riedl và BHL, hoặc đã bị cố ý bỏ quên.

Tháng 7/2007, ASIAN Cup diễn ra tại 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tất nhiên, Công Vinh, Thanh Bình, Tấn Tài, Vũ Phong, Quang Thanh... lại trở thành trụ cột ở đội tuyển Việt Nam. Đá xong ba trận vòng bảng, họ lại sang Thái Lan đá trận tứ kết với Iraq.

Và vì là trụ cột đội tuyển quốc gia, nên các cầu thủ này còn phải thi đấu hai trận tại vòng loại World Cup 2010 với UAE và kết thúc bằng trận lượt về thua UAE 0-5 trên đất khách ngày 29/10/2007.

Ngay sau đó, đầu tháng 11/2007, Công Vinh, Thanh Bình, Tấn Tài, Anh Đức, Vũ Phong... lại tham dự Agribank Cup với ba trận đấu liên tiếp. Và đương nhiên, trong màu áo CLB, các cầu thủ này còn phải tham dự V-League (tối đa là 26 trận), chưa kể Cúp Quốc gia, vài trận giao hữu với Bahrain, Jamaica...

Chỉ tính sơ sơ, các cầu thủ trụ cột của U23 Việt Nam đã phải thi đấu hơn 60 trận trong suốt một năm qua - Một con số mà các siêu sao bóng đá thế giới cỡ như John Terry, Rooney, Drogba... cũng phải ái ngại.

Quá tải vì... bệnh thành tích

Cầu thủ bị vắt sức như... vắt chanh! ảnh 2
Vũ Phong chỉ là cái bóng mờ ở SEA Games 24 
Ảnh: Trường Huy

Đã có một nghiên cứu trên thế giới cho thấy, một cầu thủ được đào tạo, tập luyện và thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp như John Terry, Rooney, Drogba... chỉ nên đá không quá 50 trận trong một năm.

Cũng cần phải nhớ rằng, thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc các cầu thủ được chăm sóc phục hồi, đảm bảo thể lực một cách tốt nhất. Với bóng đá Việt Nam, điều này xem ra có vẻ hơi... xa xỉ.

Trong số các cầu thủ U23, Công Vinh được xem là cầu thủ có ý thức rõ ràng nhất về việc giữ gìn thể lực để tập luyện và thi đấu. Công Vinh không uống rượu, không hút thuốc lá... và tập luyện cũng chăm chỉ nhưng cũng đã có lúc Vinh “sợ” bóng mà chuỗi liên tục 10 trận không biết ghi bàn chính là một hệ quả.

Dẫn đến sự quá tải của các cầu thủ có lỗi của chính HLV A.Riedl khi nhà cầm quân người Áo này sau nhiều năm làm việc với bóng đá Việt Nam đã nhiễm bệnh thành tích. Bất cứ trận đấu nào, giải đấu nào, ông Rield cũng cho là quan trọng và tung hết đội hình chính ra sân, trong khi các cầu thủ dự bị thì cứ ngồi chơi dài dài, thậm chí nhiều cầu thủ khi được gọi lên tuyển đã biết chắc sẽ chỉ làm dự bị.

Tại Agribank Cup, trong trận đấu cuối cùng hôm 5/11 với U23 Phần Lan, HLV A.Riedl vẫn tung ra toàn bộ đội hình mạnh nhất cho dù chức vô địch đã thuộc về U23 Uzbekistan từ trước.

Còn ở trận đấu cuối cùng trước khi lên đường dự SEA Games 24, dù Việt Nam đã không còn cơ hội đi tiếp ở vòng loại thứ ba Olympic nhưng HLV A.Riedl vẫn kiên quyết bắt Công Vinh đi Doha và tung cầu thủ này ra sân trong trận thua Qatar 1-3 hôm 21/11.

Đây cũng là trận đấu mà trước đó có thông tin Công Vinh “phản ứng” HLV Riedl vì phải thi đấu quá nhiều.

Các cầu thủ đã bị vắt sức như... vắt chanh, đó là điều khẳng định rõ ràng. Trách nhiệm chính và đầu tiên trong việc các cầu thủ bị quá tải đương nhiên thuộc về ông A.Riedl (nay đã là cựu HLV trưởng) và BHL. Nhưng còn ai nữa phải chịu trách nhiệm về việc này?

MỚI - NÓNG