Cầu thủ 'dính chàm' chật vật nẻo về

Nhóm cầu thủ đội Đồng Nai bán độ đã không lấy tấm gương bị pháp luật trừng phạt của những bậc đàn anh đi trước làm bài học răn mình để rồi tiếp tục sa ngã. ảnh: VSI
Nhóm cầu thủ đội Đồng Nai bán độ đã không lấy tấm gương bị pháp luật trừng phạt của những bậc đàn anh đi trước làm bài học răn mình để rồi tiếp tục sa ngã. ảnh: VSI
TP - Từ trước đến nay, chuyện cầu thủ Việt dính vào lô đề, cá độ rồi bán độ không hiếm. Con đường trở lại với bóng đá, với cuộc sống đời thường của những người trót “nhúng chàm” đều rất gian nan...

Nổi tiếng nhất trong số các cầu thủ Việt Nam từng “dính” vào bán độ có lẽ là Phạm Văn Quyến. Văn Quyến từng được xem là “thần đồng bóng đá”, chiếm vị trí số 1 ở đội tuyển Việt Nam và đội U23 khi còn rất trẻ. SEA Games 23 ở Bacolod (Philippines), Văn Quyến nằm trong nhóm 6 cầu thủ của đội tuyển U23 bán độ trận đấu với Myanmar.

Tham gia với Văn Quyến còn 5 cầu thủ khác gồm Nguyễn Quốc Vượng, Châu Lê Phước Vĩnh, Trần Hải Lâm, Lê Bật Hiếu, Lê Văn Trương và Huỳnh Quốc Anh.

Với suy nghĩ bán độ nhưng đội vẫn thắng và được tiền chứ không phải phạm tội, các cầu thủ trên đã liên hệ với cựu cầu thủ Trương Tấn Hải lên kế hoạch thắng U23 Myanmar cách biệt 1 bàn. Số tiền cả nhóm nhận được từ Trương Tấn Hải tổng cộng 490 triệu đồng.

Khi vụ việc bị phát hiện và đem ra xét xử, Nguyễn Quốc Vượng bị phạt 4 năm tù. Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, và Phước Vĩnh mỗi người bị phạt 2 năm tù. Án phạt với Lê Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh là 2 năm 6 tháng tù.

Sau khi mãn hạn, cả 6 lần lượt được LĐBĐVN (VFF) xoá án “treo giày”, tạo điều kiện cho trở lại với bóng đá. Trong số này, Huỳnh Quốc Anh, Phước Vĩnh, Bật Hiếu và Hải Lâm dần lấy lại được phong độ, thi đấu tốt ở cấp độ CLB và có lúc đã được triệu tập trở lại ĐTQG. Riêng Văn Quyến và Quốc Vượng, hai cầu thủ nổi bật trên hàng công lại gặp rất nhiều trắc trở.

Quốc Vượng ngay khi ra tù đã được Thể Công long trọng đón về, nhưng đội bóng quân đội sau đó giải thể và được chuyển giao cho Thanh Hóa. Quốc Vượng rơi vào cảnh bôn ba, khi hết về với ông bầu Nguyễn Đức Thụy của Xuân Thành Sài Gòn rồi lại trở ra Thanh Hóa.

Tuy nhiên, chấn thương đã khiến Quốc Vượng không bao giờ còn lấy lại được phong độ như thời đỉnh cao. Chạy vạy khắp chốn gồm cả đội bóng cũ SLNA nhưng không thành, Quốc Vượng hiện giã từ sự nghiệp bóng đá, đầu quân cho doanh nghiệp vận tải Văn Minh, vừa đá bóng phong trào, vừa bốc vác để kiếm tiền. Cay đắng và cảm giác mất tất cả, đấy là những gì Quốc Vượng bộc bạch về quãng thời gian trong trại giam.

Văn Quyến may mắn hơn khi được SLNA cưu mang những năm đầu mới mãn hạn tù. Nhưng cũng như Quốc Vượng, Văn Quyến đã không thể lấy lại phong độ cao nhất. Anh dần trở thành “người thừa” ở SLNA trước khi được The Vissai Ninh Bình giang tay cứu giúp. Vụ án bán độ ở Ninh Bình nổ ra, Văn Quyến bị rơi vào vòng xoáy nghi ngờ có tiêu cực. Áp lực từ dư luận đã khiến anh quyết định thanh lý hợp đồng sớm với The Vissai Ninh Bình, tuyên bố giã từ sân cỏ.

Trước vụ án ở Bacolod, bóng đá Việt Nam còn chứng kiến nhiều vụ tiêu cực khác, điển hình như vụ làm độ của trung vệ Lã Xuân Thắng (CAHN) năm 1997. Trong trận CAHN thắng An Giang 4-3 ở mùa giải 1997/1998, Lã Xuân Thắng đã bất ngờ ghi bàn vào lưới đội nhà khi thủ môn Đỗ Thành Tôn đã dâng cao. Lã Xuân Thắng bị treo giò vĩnh viễn. Năm 1998, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Phúc Nguyên Chương cũng bị gián đoạn sự nghiệp khi đang ở giai đoạn phong độ đỉnh cao vì vướng vào cá độ. 

Không chỉ cầu thủ, mà giới trọng tài Việt Nam cũng gây nhiều bê bối, rốt cuộc đánh mất sự nghiệp. Năm 2004, các trọng tài Lương Trung Việt, Trương Thế Toàn, Phạm Hữu Lộc, Hoàng Thế Dũng và Lê Văn Tú đã bị cơ quan điều tra phát hiện nhận tiền của CLB Ngân hàng Đông Á để dàn xếp tỷ số. Sự nghiệp gắn với trái bóng của cả nhóm sau đó bị ngắt quãng khi phải chấp hành án hình sự và cũng không còn được VFF tin tưởng sử dụng.  

Quá khứ đã có nhiều tấm gương tày liếp, nhưng nhiều cầu thủ Việt Nam hiện nay vẫn bất chấp hậu quả, tham gia bán độ để kiếm tiền bất chính. Lý giải về vấn đề này, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh khi trao đổi với Tiền Phong đã cho rằng, ý thức cầu thủ Việt Nam còn quá thấp. Nhiều cầu thủ tham gia cờ bạc lâu năm thành quen tay, không tự chủ được nên dễ vướng cá độ. 

Cùng quan điểm trên, chuyên gia Trần Văn Phúc thì cho rằng, công tác xử lý tiêu cực của VFF trong một giai đoạn dài thiếu quyết liệt, trong khi các CLB xem nhẹ việc giáo dục đạo đức cầu thủ, việc quản lý lại lỏng lẻo. Nhiều cầu thủ vì vậy dù thu nhập không hề thấp nhưng vẫn tham gia bán độ để kiếm tiền, sống cuộc sống xa hoa.

Đồng Nai thanh lý hợp đồng 6 cầu thủ bán độ

Ngày 24/7, Công ty CP Bóng đá Đồng Nai thanh lý hợp đồng, cắt và không trả tiếp 50% phí chuyển nhượng đối với 6 cầu thủ dính líu tới vụ cá độ, gồm: Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Nguyễn Đức Thiện, Đinh Kiên Trung, Hà Niệm Tiến và Phan Lưu Thế Sơn. 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty CP Bóng đá Đồng Nai cũng đưa ra lời xin lỗi đối với người hâm mộ bóng đá, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Đồng Nai về vụ việc 6 cầu thủ bị bắt do bán độ.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Cty CP Bóng đá Đồng Nai, đây là sai phạm của một số cá nhân và phần lớn trong số này không phải là trụ cột của đội bóng. Vì vậy, đội bóng được tỉnh đồng ý cho duy trì và hứa sẽ thi đấu tốt trong các trận còn lại để chuộc lỗi với người hâm mộ. 

Mạnh Thắng

MỚI - NÓNG