Cầu thủ kiếm và tiêu tiền như rác!

Cầu thủ kiếm và tiêu tiền như rác!
TP- Cựu danh thủ Phúc “vổ” thường thường vẫn lăn chiếc xe lăn ra sân Hà Nội xem bóng đá mỗi chiều thứ Bảy hoặc Chủ nhật đã phải thốt lên rằng: “Trình độ cầu thủ bây giờ chỉ cao tới đầu gối đối với chúng tôi ngày trước nhưng tiền họ kiếm được thì đã ở…trên trời”.

Nhưng ông Phúc cũng thừa nhận rằng, cầu thủ kiếm được tiền thì mừng cho họ nhưng cách tiêu tiền thì cũng thật tiếc.

Cầu thủ kiếm và tiêu tiền như rác! ảnh 1

Kiếm tiền dễ, tiêu tiền khó

Cái thời của ông Phúc “vổ” đã quá xa rồi, nhưng quả thật, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, tiền lương của cầu thủ đã tăng cao chóng mặt. Từ chỗ 4-5 triệu đồng khi mới chân ướt chân ráo lên chuyên nghiệp, giờ đây cầu thủ nội hưởng lương 30-40 triệu đồng mỗi tháng là chuyện bình thường.

Đó là chưa kể những khoản tiền “lót tay” lên tới hàng tỷ như trường hợp của Dương Hồng Sơn về T&T, Hữu Thắng, Cao Xuân Thắng, Mai Tiến Thành về Vinakansai Ninh Bình. HLV Trần Văn Phúc nói rằng: “Với 1 tỷ đồng thì Mai Tiến Thành về quê xây được…5 cái nhà”.

Tất nhiên không phải ai cũng dành tiền mua nhà. Những cầu thủ trẻ thường có những suy nghĩ thế này: “Hưởng lương cao, cứ vui chơi đi đã, khi nào gần giải nghệ thì tiết kiệm làm nhà là vừa”. Cái suy nghĩ ấy đã khiến họ đốt tiền vào những cuộc chơi kinh hoàng. Cách đây mấy năm, đã có người phải “ngã ngửa” khi chứng kiến một hóa đơn thanh toán của nhóm cầu thủ đất Cảng là 17 triệu đồng chẵn, trong đó phân nửa số tiền chi cho rượu, còn khoản lắc hay không thì… chỉ có họ mới biết.

Ông Nguyễn Văn Vinh- GĐKT của HAGL đã nói một câu rất hay: “Bóng đá Việt Nam là nghiệp dư hưởng lương cao”. Cái “nghiệp dư” mà ông Vinh đề cập không chỉ là lối sống, cách duy trì thể lực để đảm bảo nghề mà còn là cách tiêu tiền của các cầu thủ. Những đồng tiền họ kiếm được tưởng chừng như quá dễ dàng, nhưng lại được đem “đốt” vào những cuộc chơi “giết nghề” như rượu, thuốc lắc cùng những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.

Đã không ít lần, ngay cả giới chuyên môn cũng không đồng tình với cách quản quân của hầu hết các đội hiện nay là “tập trung theo kiểu quân đội”, cứ đến đúng giờ là phải có mặt ở… doanh trại. Thậm chí, ở đội HN-ACB 3 mùa bóng trước, ông HLV trưởng Hồng Thanh còn kiêm luôn nhiệm vụ “đi dập cầu giao” buộc các cầu thủ phải đi ngủ.

Tuy nhiên chuyện “vượt rào” là thường tình. Có lãnh đạo đội bóng kể rằng, cầu thủ giờ đây rất “ma”, khi điểm danh là có mặt nhưng chỉ sau đó chừng 10 phút là đã thấy hiện tượng “vượt rào” đi chơi. Ngay cả ở đội tuyển, cũng đã có khá nhiều cầu thủ bị kỷ luật vì tội trốn trại. Ông HLV A.Riedl trước đây từng rất ghét kiểu tập trung “giam lỏng” nhưng không làm thế thì không thể quản được cầu thủ.

Những căn bệnh

Mới chỉ cách đây có 4 năm, người ta mới chỉ ra được 4 “căn bệnh” nguy hiểm trong giới cầu thủ, liên quan đến đạo đức, lối sống.

Thứ nhất là cờ bạc. Đàn anh trong giới cờ bạc phải kể đến Nguyễn Phi Hùng, cầu thủ này từng bị bắt vì tội cờ bạc. Trên thực tế, cờ bạc, cá độ bóng đá quốc tế trong số các cầu thủ là phổ biến. Tại những giải thi đấu lớn như EURO hay World Cup, giới cầu thủ còn lan truyền câu chuyện có cầu thủ dù đang trong tầm ngắm của cơ quan công an vẫn ngang nhiên cá độ tại Vinh, có trận “đứt” 5.000USD nhẹ như lông hồng. Chưa hết, chính cầu thủ này còn rủ rê những thanh niên khác chơi cá độ đến mức đặt cả xe máy khiến gia đình họ nếu không ngại mất mặt đã kiện tùm lum…

Chưa kể những vụ đánh bạc giữa cầu thủ với nhau, hoặc cầu thủ chơi bài ăn tiền với BHL! Đặc biệt trong những lần di chuyển thi đấu, nhất là trên tàu hỏa, bài bạc là chuyện không thể thiếu.

Nhưng rõ ràng không ai bị phạt, lãnh đạo có thấy cũng sợ “vạch áo cho người xem lưng” nên thôi.

Thế nên, chẳng ai ngạc nhiên khi Quốc Vượng lấy cả tiền của “anh em” đánh cá độ vài trăm triệu đồng. Các cầu thủ ở Nghệ An còn nói rằng, nếu Vượng không dính vào “bóng” thì giàu to, nó lãnh lương bao nhiêu, trả nợ bấy nhiêu thì không “bán” mới là lạ.

Thứ hai là rượu. Có xâm nhập vào giới cầu thủ mới thấy, không ít cầu thủ uống rượu như hũ chìm. Thứ ba là…gái. Nhưng gần đây khi mà những căn bệnh kể trên có phần thuyên giảm (chứ không hết) thì lại có thêm những “căn bệnh” mới, nguy hiểm hơn. Đó là ma túy và thuốc lắc. Phan Thanh Tuấn từng là một tài năng đất Nghệ hơn 10 năm trước đã phải vào trại cai nghiện. Nhưng nguy hiểm nhất giờ đây “bệnh” này lại rơi vào nhiều cầu thủ trẻ.

Lưu Văn Hiền, Đình Việt của SLNA là lứa tài năng chưa đến 21 tuổi, nhưng cầm chắc việc bị loại khỏi đời sống bóng đá do dùng heroin. Cầu thủ Xuân Thành của HN-ACB còn bị khởi tố vì tàng trữ thuốc lắc và mới đây nhất là 5 cầu thủ T&T bị bắt quả tang tại TPHCM cũng vì “lắc”, khiến lãnh đạo đội này nhanh chóng sa thải cầu thủ Anh Thi và treo giò 4 nhân vật còn lại, bất chấp việc có thể chậm lên hạng 1 năm do sự kiện này.

Gương sáng cần noi

Khi các ông “sao ngoại” nổi đình nổi đám vì chuyện phá phách thì vẫn có một người xứng đáng là một tấm gương sáng, đó là cựu cầu thủ HAGL, Kiatisak. Là một ngôi sao của bóng đá Thái Lan nhưng Kiatisak rất xứng đáng là một tấm gương sáng về thái độ thi đấu, tập luyện. Đặc biệt là tác phong sinh hoạt hàng ngày. Kiatisak hầu như không uống rượu, không thuốc lá, hàng ngày đi ngủ rất đúng giờ và không bao giờ la cà chơi khuya.

Khi nhận xét về lối sống của cầu thủ VN, anh nói: “Các cầu thủ VN phải biết nói không với những lời mời mọc, rủ rê cờ bạc, rượu chè, thuốc lá. Nếu mình cương quyết thì không ai ép được mình. Tôi thực ra cũng không phải là người hoàn hảo nhưng khi cần uống, chỉ uống chút ít để chung vui với mọi người”.

Tất nhiên, không phải cứ cầu thủ là dễ dàng lao vào các tệ nạn xã hội. Vẫn còn rất nhiều tấm gương khác để những cầu thủ noi theo. Lê Công Vinh xứng đáng với vị trí ấy. Không phải vô lý khi một cầu thủ cùng độ tuổi là Quang Hải đã lấy Vinh làm thần tượng. Xuất phát điểm của Vinh cũng đầy gian truân, bố từng bị đi tù vì buôn bán ma túy, mẹ phải chạy xe máy buôn đá đỏ, bố mẹ li thân…nhưng Vinh vẫn vượt qua được và trở thành một cầu thủ nổi tiếng.

Có lần Vinh tâm sự rằng: “Với công sức của mình, tôi có quyền cho mình thực hiện một số sở thích. Có những người nói rằng tôi muốn rũ bỏ cái quá khứ nghèo hèn bằng cách leo lên giới thượng lưu khi mua những đồ đắt tiền như điện thoại chẳng hạn. Nhưng chẳng nhẽ tôi cứ phải đi xe đạp khi tôi mua được xe máy? Hay tôi cứ phải dùng điện thoại rẻ tiền khi một trong những đam mê của tôi là sở hữu một chiếc điện thoại đẹp? Tôi khẳng định là tôi vẫn nghèo, gia đình tôi vẫn cần rất nhiều tiền để trang trải những khó khăn hàng ngày, mẹ tôi vẫn phải quanh quẩn với cái quán nhỏ đầy bụi cạnh nhà máy xi măng Hoàng Mai, bố tôi vẫn chưa có một ngôi nhà thực sự và đang sống ở một cửa hàng cầm đồ- nơi mà ông thuê, em tôi vẫn chưa đỗ đại học, các chị tôi không khá giả gì. Tôi thực sự chưa làm được điều gì cho họ ngoại trừ một việc, họ có thể tự hào với mọi người, với hàng xóm vì có một người con, một người anh, một người em như tôi. Tôi vẫn phải ý tứ khi ra ngoài đường, từ lời ăn tiếng nói đến cách ăn mặc. Thậm chí, tôi chưa bao giờ bước chân vào một quán bar, vũ trường chỉ để “xem nó như thế nào” mặc dù đó không hẳn là những nơi xấu xa. Nhưng tôi tránh…”.

Quả thật, không ai thấy Lê Công Vinh sa đà vào những cuộc vui vô bổ. Còn tiền kiếm được, Lê Công Vinh đã có những cách để biến nó trở thành có ý nghĩa, như việc trích số tiền thưởng để thăm hỏi những nạn nhân bị sập đá ở quê nhà. Mới đây cầu thủ này đã mua được một căn hộ chung cư cho bố tại thành phố Vinh. Lê Tấn Tài cũng đã dành tiền mua nhà để sau này… lấy vợ, nhiều cầu thủ khác mua xe hơi như Huy Hoàng, Mạnh Dũng, Dương Hồng Sơn bằng những đồng tiền họ kiếm được bằng nghề.

Các cầu thủ bóng đá đã và đang được xã hội ưu ái, chỉ tiếc rằng không phải tất cả những cầu thủ đang đá bóng hôm nay tận dụng được những ưu ái ấy để giúp ích cho gia đình, cho xã hội. Chỉ hy vọng những án phạt nghiêm khắc của pháp luật, của VFF, của CLB sẽ giúp những con người này tỉnh ngộ và cảnh tỉnh những cầu thủ xung quanh.

MỚI - NÓNG