Cầu thủ nội thời khan hiếm

Cầu thủ nội thời khan hiếm
TP - Chỉ vài năm trước đây, khi Bình Dương đặt vấn đề chuyển nhượng Trường Giang với giá 1 tỷ đồng, nhiều người đã cho rằng con số mà Chelsea Việt Nam này đưa ra thật là “khủng khiếp”, rằng đội bóng này “chơi ngông”, phá giá thị trường.
Cầu thủ nội thời khan hiếm ảnh 1
Những cuộc chuyển nhượng tiền tỷ không còn là chuyện giật mình trong làng bóng đá VN

Thế nhưng giờ đây cái giá 1 tỷ đồng đó xem ra chẳng là gì cả bởi ngay cả một cầu thủ “hạng hai” ở SLNA như Cao Xuân Thắng cũng được “hét” ở mức giá đó.

Vì thế không có gì là ngạc nhiên khi những cầu thủ có mác tuyển thủ quốc gia hay tuyển thủ Olympic như Dương Hồng Sơn, Hữu Thắng, Long Giang...được chào mời với giá bạc tỷ. Thậm chí, tiền đạo số 1 của ĐTVN Công Vinh tuần qua được “hét” với giá lên đến “triệu đô”. 

Có thể nói, quá trình phát triển bóng đá chuyên nghiệp đã và đang tác động làm cho thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam trở nên náo nhiệt vì những cuộc phá giá trên trời như vậy.

Song, vấn đề được đặt ra là nếu những con số kia là thật thì liệu những khoản đầu tư tiền tỷ ấy có xứng đáng với kỳ vọng mà những CLB trong phút cao hứng đã tung tiền ra để mua bằng được những cầu thủ ấy hay không? Đôi chân giá trị tiền tỷ của Trung Kiên sau cuộc chuyển nhượng đình đám từ Nam Định về TMN.CSG 2 mùa bóng trước để rồi sau đó tụt dốc không phanh là bài học nhãn tiền cho sức ép từ khoản đầu tư tiền tỷ.

Nguyên nhân: Cung không đủ Cầu

Xét cho cùng, nguyên nhân chính của những cơn sốt ảo và những cái giá trên trời đó chủ yếu là vì trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội hiện nay Cung đang không đủ để đáp ứng Cầu. Số CLB chăm lo cho quy luật tre già măng mọc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những cầu thủ nội đá được hoặc giữ vai trò trụ cột đã trở nên hàng hiếm trong việc tìm kiếm để bổ sung lực lượng

Trong khi bóng đá Việt Nam đang có xu hướng tiếp tục tăng dần số lượng các CLB chuyên nghiệp (từ 10 – năm 2001 lên 12 – năm 2003 rồi 14  - kể từ năm 2006) thì số lượng các cầu thủ nội có chất lượng cầu thủ của chúng ta hầu như chưa tăng được là bao nếu như không muốn nói là đang có chiều hướng giậm chân tại chỗ.

Kể từ khi thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam chính thức rút lui vào hậu trường, số lượng các tài năng trẻ của chúng ta ngày càng trở nên thưa thớt như “sao buổi sớm”.

Lứa cầu thủ giành Huy chương Bạc Sea Games 22 trên sân nhà từng được kỳ vọng là thế hệ vàng thứ 2 của bóng đá Việt Nam giờ đây đang “tan đàn xẻ nghé” khi người thì bị chấn thương và buộc phải giã từ sự nghiệp cầu thủ (Đặng Thanh Phương), kẻ thì đang vướng vào vòng lao lí sau vụ bán độ tại Sea Games 23 (Văn Trương, Quốc Vượng, Văn Quyến).

Quanh đi quẩn lại cũng vẫn chỉ là những cái tên đã thành danh từ lâu như Công Vinh, Huy Hoàng, Minh Phương, Tài Em, Thanh Bình… Lứa cầu thủ U23 hiện nay cũng được đánh giá là tài năng nhưng phong độ là chưa được ổn định.

Chính vì thế mà ở những mùa giải vừa qua, không ít CLB thiếu người đến mức phải “gặt lúa non” - đưa cả lứa U21 vào đá ở giải chuyên nghiệp. Một số đội bóng khác đã từng phải tham dự V-League với phần đông lực lượng là các cầu thủ đi mượn hoặc nhặt nhạnh từ các đội bóng khác. Thậm chí, có đội còn thiếu người đến mức phải “động viên” cả các lão tướng đã treo giày mấy năm quay trở lại sân cỏ để tiếp tục “cày ải” thêm 1-2 mùa bóng nữa.

Những vấn đề của thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội thực ra đã bắt đầu xuất hiện từ khá lâu kể từ khi bóng đá Việt Nam chính thức chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp. Có điều, chúng ta vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để những vấn đề đó.

Đã đến lúc chúng ta cần có một “sàn giao dịch” cầu thủ, trong đó cần có những quy định cụ thể và những chế tài thích hợp để đảm bảo sự công bằng và quyền lợi cho cả các cầu thủ cũng như các đội bóng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.