Cầu thủ Podolski và bản sắc dân tộc

Cầu thủ Podolski và bản sắc dân tộc
Dù đội Đức không vào được chung kết nhưng tin rằng tiền đạo Lukas Podolski được Fifa tặng giải thưởng Cầu thủ trẻ đá hay nhất World Cup 2006 chắc cũng khiến nhiều người Đức vui lòng.
Cầu thủ Podolski và bản sắc dân tộc ảnh 1

Lukas Podolski sinh năm 1985 tại Gliwice, Balan

Tuy thế, tại hai nước Đức và Balan lại có cuộc tranh luận về danh thủ này cũng như về đồng đội của anh, Miroslav Klose.

Lý do là cả hai dù đá cho tuyển Đức đều luôn tự hào khẳng định bản sắc Balan của họ.

Khác với một cầu thủ nữa là Tim Borowski cũng mang họ Balan rõ rệt nhưng hoàn toàn coi mình là người Đức, Podolski và Klose có tình cảm mạnh với quê cũ.

Dù sang Đức hồi mới hai tuổi năm 1987, Podolski vẫn nói tiếng Balan trong nhà với cha mẹ.

Anh và Klose cũng nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ này, có lúc gây bực mình cho đồng đội Đức.

Trả lời báo chí Đức, Podolski nói anh không có hộ chiếu Balan nhưng lại có người yêu là cô Monika, dân Balan.

Báo Balan từng đăng lời phỏng vấn Podolski và Klose chê phụ nữ Đức không bằng con gái Balan.

Con người và bản sắc

Cầu thủ Podolski và bản sắc dân tộc ảnh 2

Cầu thủ tuyển Đức Miroslav Klose

Quan hệ hai nước láng giềng này tại châu Âu vốn có nhiều trang đau buồn trong quá khứ và tệ phân biệt đối xử, kỳ thị cũng không hẳn đã hết.

Klose và Podolski có lúc đã phải “đi giữa hai làn đạn”.

Một số ý kiến trên các báo Balan trước World Cup đã phê phán hai cầu thủ này không chịu đá cho tuyển Balan.

Cùng thời gian, một chương trình truyền thông Đức cho phát những chuyện tiếu lâm xúc phạm đến Podolski bằng cách nhạo báng gốc tích Balan của anh.

Liên đoàn Bóng đá Đức tuyên bố ủng hộ cầu thủ của mình tuyệt đối, kể cả việc dùng tiền của Liên đoàn hỗ trợ Podolski nếu anh muốn kiện.

Sau khi Đức rơi khỏi World Cup, có ý kiến tại Đức còn nói Podolski và Klose còn phải cố gắng nhiều để bù lại “tội lỗi” cho những tay trộm xe hơi người Balan sang Đức hoành hành.

Người Balan coi cách nói đó là một sự xúc phạm.

Vậy thực chất Podolski và Klose là người thuộc dân tộc nào?

Nhìn vào lịch sử thì vấn đề bản sắc luôn nổi cộm trong quan hệ Balan và Đức.

Chính thức mà nói, gia đình Podolski được coi là thuộc nhóm thiểu số Đức ở Gliwice, miền Tây Nam Balan.

Khi di cư sang Đức năm 1985, họ có tư cách người nhập cư Aussiedler và được cho nhập tịch Đức.

Miroslav Klose cũng xuất thân từ một gia đình tương tự. Tên thật gốc Balan của anh là Miroslaw Kloze, ra đời năm 1978 ở Opole.

Trung thành với ai?

Dân tộc và bản sắc văn hóa của các vùng dân cư như Gliwice và Opole đều từng gây nhiều tranh cãi.

Đây là các vùng có nhiều gia đình hoặc là người Balan đã Đức hóa sau hơn 100 năm sống dưới quyền các vua chúa Đức, hoặc là người Đức, Áo di dân sang Balan nhiều thế kỷ trước rồi thành người Balan. Nhiều người khác có dòng máu pha trộn qua hôn nhân từ các đời trước.

Họ luôn là đối tượng của vấn đề “trung thành với ai, theo ai”, mỗi khi Đức và Balan có xung đột.

Tình hình trở nên đặc biệt căng thẳng hồi Đệ nhị Thế chiến, khi chính quyền phát-xít của Adolf Hitler lập ra danh sách Volksdeutche tức người gốc Đức ở Đông Âu.

Những người Balan, Tiệp, Belarus, Nga v.v. có quan hệ ít nhiều về chủng tộc hay văn hóa với Đức được khuyến khích ký danh sách Volksdeutsche.

Nếu ký, họ được hưởng quyền như người Đức, nếu không sẽ bị coi như người Slavơ, chủng tộc mà Hitler có chương trình tiêu diệt để mở rộng Không gian Sinh tồn cho nòi giống Arian y coi là “thượng đẳng”.

Nhưng ký danh sách thiểu số Đức cũng có nghĩa là bác bỏ hoàn toàn phần bản sắc Slavơ của mình.

Nguy hiểm hơn, các thanh niên nam vào nhóm Volksdeutche ngay lập tức bị động viên vào quân đội phát-xít. Khi đã cầm súng, họ phải nhìn những người Slavơ vừa mới đây còn là bạn bè như kẻ thù. Có lợi thế đa ngôn ngữ, họ cũng được yêu cầu làm chỉ điểm cho mật thám phát-xít.

Đáp lại, các nhóm kháng chiến Đông Âu coi dân Volksdeutche là đặc biệt nguy hiểm và họ cũng dễ bị giết không thương tiếc như những kẻ phản bội.

Có những người gốc Đức đã lợi dụng trình độ ngôn ngữ để làm cảnh sát, gián điệp, cai tù cho phát-xít v.v. và gây ra các tội ác. Nhưng đa số dân Volksdeutche trên thực tế cũng chỉ là nạn nhân của chính sách thâm hiểm dưới chế độ Nazi.(...)

Công dân châu Âu

Cầu thủ Podolski và bản sắc dân tộc ảnh 3
Ngày nay EU đang tạo ra một bản sắc mới của chung toàn châu Âu

Ngày nay, khi nhiều nước Đông Âu đã gia nhập EU, đáng ra vấn đề dân tộc và sắc tộc phải được coi nhẹ, vì trên nguyên tắc ai cũng là công dân châu Âu.

Nhưng thực tế cuộc sống lại phức tạp hơn thế. Một mặt, chính vì sự hòa trộn dân cư tăng lên khiến người ta có nhu cầu tìm lại bản sắc riêng.

Thanh niên châu Âu ngày nay không ngần ngại khi bày tỏ bản sắc phức tạp như trường hợp hai cầu thủ Podolski và Klose. Thậm chí, có gốc tích nước ngoài lại là lợi điểm như thu hút sự chú ý của dư luận.

Mặt khác, người ta thấy rõ rằng các quyền chính trị, dân sự được đảm bảo nên không sợ rằng xưng danh gốc Balan, gốc Nga hay gốc Do Thái thì bị ảnh hưởng gì đến việc làm ăn, đá bóng hay ký hợp đồng quảng cáo.

Thực ra, ý tưởng công dân châu Âu tại EU cũng không mới. Thời xa xưa, khi cả châu Âu thuộc đế quốc La-Mã thì không ai nói đến bản sắc dân tộc như sau này.

Dưới thời phong kiến cũng vậy. Thần dân của một nước chỉ cần trung thành với hoàng gia là đủ. Sắc tộc không bị biến thành một tiêu chuẩn hay ý thức hệ.

Ví dụ nhà thiên văn Nicolas Copernicus (Mikolaj Kopernik) không hề biết tiếng Balan mà chỉ nói tiếng Đức và nghiên cứu bằng tiếng La Tinh. Nhưng vì ông làm việc cho vua Balan nên người Balan coi ông là danh nhân xứ mình.

Cuộc tranh cãi về Copernicus chỉ nổ ra khi hai nước nhấn mạnh đến vấn đề chủng tộc.

Và ngay cả khi châu Âu đã thống nhất, những người tự cho mình là “thuần chủng” luôn cảm thấy khó xử trước các trường hợp như vậy.

Lý do là họ luôn tìm một câu trả lời đơn giản cho một vấn đề khá phức tạp là bản sắc con người.

Theo BBC

MỚI - NÓNG