Cầu thủ thất nghiệp ở Anh - những người bị lãng quên

Cầu thủ thất nghiệp ở Anh - những người bị lãng quên
TPO - Những cầu thủ thất nghiệp ở Anh mong ngày khai mạc mùa giải mới đến càng lâu càng tốt (thường diễn ra trong tháng Tám này). Tình trạng thất nghiệp ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo của cầu thủ.
Cầu thủ thất nghiệp ở Anh - những người bị lãng quên ảnh 1
Cựu tiền vệ của Liverpool và Manchester City, Dietmer Hamann, một trong số ít tên tuổi nổi tiếng trong hướng dẫn chuyển nhượng của hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (PFA). Ảnh Getty Images

Ở Anh hiện có khoảng 600 cầu thủ thất nghiệp, đa số được liệt kê trong hướng dẫn chuyển nhượng của hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (PFA). Một danh sách các cầu thủ trong "trạng thái sẵn sàng chuyển nhượng" được gửi tới các CLB và đăng trực tuyến trên trang web givemefootball.com.

Danh sách này cũng lác đác có vài tên tuổi ngôi sao một thời, tự ý hủy hợp đồng, như cựu tuyển thủ Anh và Arsenal Sol Campbell; hay được tự do sau khi trải qua một sự nghiệp dài và kiếm bộn tiền như cựu tiền vệ của Manchester City Dietmar Hamann.

Nhưng, chiếm phần lớn là các cầu thủ trẻ chưa đạt tới trình độ cần thiết hoặc những cầu thủ chưa kiếm được nhiều tiền từ nghiệp "quần đùi áo số" để có thể tìm thấy sự an ủi khi thất nghiệp.

Cầu thủ thất nghiệp là một vấn đề không mới, PFA đã đưa họ vào hướng dẫn chuyển nhượng hàng năm từ thập niên 70, nhưng theo John Bramhall - Phó Giám đốc Điều hành PFA, giờ đây, những cầu thủ chuyên nghiệp bị gạt ra ngoài là nạn nhân của khuynh hướng thời đại.

"Sự cạnh tranh trên thị trường chuyển nhượng ngày càng gay gắt hơn bao giờ hết vì các nước châu Âu đang xích lại gần nhau hơn, sau khi các giới hạn di chuyển được nới lỏng. Các CLB có thể lựa chọn các "món hàng" nhập khẩu với giá rẻ, khiến các cầu thủ được đào tạo ở Anh khó có cơ hội hơn khi họ hết hạn hợp đồng. Và, vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái" - John Bramhall nói.

Đối với Steve Jones, thất nghiệp đồng nghĩa với khó khăn chồng chất. Hợp đồng của anh với Burnley vừa kết thúc cuối mùa trước, sau ba năm cống hiến. Jones cho biết, anh không còn hi vọng gì ở Câu lạc bộ hiện đã thăng hạng lên Premier League sau 33 năm chờ đợi.

"Tôi đã không được đối xử tốt tại Burnley nên không hi vọng họ sẽ ký tiếp hợp đồng" - cầu thủ 32 tuổi nói - "nhưng họ không nói trực tiếp với tôi, thay vào đó, tôi biết khi xem kênh Sky Sports News. Điều đó thật tệ".

"Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp từ năm 24 tuổi, tôi cũng kiếm được một khoản tiền không nhỏ từ bóng đá, nhưng tất nhiên không đủ để duy trì cuộc sống mà không lao động. Là cha của ba đứa trẻ, thực sự tôi rất lo nghĩ sẽ phải làm gì. Theo nghề HLV cũng là một lựa chọn, nhưng kiểu HLV tay ngang như tôi thì nhiều như nấm mọc sau mưa".

"Vợ tôi, Lisa, bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vài tuần trước, khi Burnley giải phóng hợp đồng với tôi. Có thể nói, đó là giai đoạn khủng khiếp nhất trong cuộc đời mà tôi phải trải qua" - Steve Jones chua chát nói thêm.

Nhưng, vận may đã mỉm cười với Jones, cả trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp. Trải qua bốn cuộc phẫu thuật, người bạn đời của anh đang trong quá trình hồi phục. Mới đây, anh đã ký hợp đồng thời hạn hai năm với Walsall, CLB đang chơi tại League One, giải hạng hai của Anh.

"Lương của tôi chỉ còn bằng một nửa khi còn ở Burnley nhưng đó vẫn là một khoản thu nhập khá. Tôi thấy lo lắng cho những cầu thủ thất nghiệp, bởi với tình trạng kinh tế hiện nay sẽ rất khó để tìm được một chỗ đứng. Các CLB cũng đang cắt giảm nhân sự, hồi tôi gia nhập Burnley, họ có tới hơn 30 cầu thủ, giờ đây Walsall chỉ có 18" - Jones nói.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.