Cầu thủ và 1001 cách đánh bài 'chuồn'

Cầu thủ và 1001 cách đánh bài 'chuồn'
TP - Nếu các CLB sẵn sàng làm mọi cách để có những “món hàng” ưng ý thì các cầu thủ Việt cũng giở đủ chiêu, trò để tìm đường ra đi tới những đội bóng mà họ muốn khoác áo…
Cầu thủ và 1001 cách đánh bài 'chuồn' ảnh 1
Ngọc Thanh (trái) đã từng lấy cớ tới Trung Quốc thi đấu để “xù” khỏi XM.Hải Phòng

Tiền đạo Ngọc Thanh trưởng thành từ Công an TP.HCM nhưng đã chuyển tới XM.Hải Phòng từ năm 2005, đây cũng là đội giúp Thanh tỏa sáng, đưa anh từ một cầu thủ vô danh bước lên hàng “ngôi sao”.

XM.Hải Phòng là bệ phóng cho Ngọc Thanh nhưng ngay khi trở lên nổi tiếng, năm 2007, cầu thủ này đã có ý định tìm đường tới Bình Dương – “đại gia” ở V-League từng tuyên bố đã để sẵn một chỗ trên hàng công cũng những chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Cuối năm 2007, khi XM.Hải Phòng đóng quân tại Nhổn chuẩn bị cho mùa giải mới, Ngọc Thanh đùng đùng xách ba lô đòi bỏ về Sài Gòn vì không hài lòng với những bài tập của HLV Vương Tiến Dũng. Lý do này không được XM.Hải Phòng chấp thuận và sau đó, Ngọc Thanh tiếp tục ký hợp đồng 2 năm với đội bóng này.

Tại V-League 2008, Ngọc Thanh chơi nổi bật, là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất và những tiếng gọi từ Bình Dương, Long An liên tiếp được chuyển đến anh. Kết thúc V-League 2008, Ngọc Thanh trực tiếp tới gặp Chủ tịch XM.Hải Phòng Lê Văn Thành đề đạt nguyện vọng ra đi.

Lý do cầu thủ này đưa ra là anh muốn được thử sức tại giải VĐQG Trung Quốc, nơi có một CLB muốn có anh. Ngọc Thanh không tiết lộ CLB Trung Quốc mà anh ám chỉ, vì thế, XM.Hải Phòng đã âm thầm tìm nguồn xác nhận thông tin này.

Theo giới “cò” cầu thủ thì thực ra khi đó Ngọc Thanh muốn về Bình Dương nhưng lấy cớ tới Trung Quốc thi đấu để XM.Hải Phòng giải phóng hợp đồng. Chiêu này của Thanh đã bị bắt bài, XM.Hải Phòng tuyên bố cầu thủ gốc TP.HCM phải ở lại đến hết V.League 2010 theo đúng hợp đồng.

Trước Ngọc Thanh, các cầu thủ Thanh Hóa cũng nổi tiếng là nhiều kế sách để chuồn khỏi đội bóng quê nhà. Mai Tiến Thành là một ví dụ. Dù là trụ cột, hưởng lương cao nhất đội nhưng giữa mùa 2008, Tiến Thành nhất quyết đòi đến Ninh Bình. Để ra đi cầu thủ này thậm chí còn tuyên bố, nếu Thanh Hóa cố tình giữ lại, đội chỉ giữ được phần “xác” của anh và nếu thi đấu, Thành cũng không chơi hết mình.

Bất lực trước chiêu này, Thanh Hóa buộc phải để Tiến Thành tới Ninh Bình mà chỉ nhận được mức phí chuyển nhượng tượng trưng. Sau Tiến Thành, Thanh Hóa tiếp tục bất lực trước cách phá bĩnh tương tự của Hoàng Đảm, Huy Thái, Trọng Hải.

Như Thành - người được coi là trung vệ số một của bóng đá Việt Nam hiện nay, đang rất muốn về khoác áo The Vissai Ninh Bình. Theo cách lý giải của Thành với Bình Dương thì anh muốn được thi đấu gần nhà, có thời gian chăm sóc gia đình. Bình Dương không hề muốn Như Thành ra đi, đội bóng đất Thủ Dầu Một muốn Thành tôn trọng bản hợp đồng 3 năm mới ký hồi cuối năm 2008.

Ngay khi Bình Dương cương quyết, Như Thành suy giảm phong độ nghiêm trọng. Sau AFF Cup 2008 thăng hoa với tuyển Việt Nam, Như Thành mờ nhạt ở V-League. Dưới thời HLV Vital, anh không được đá chính. Tới khi Mai Đức Chung lên thay Vital, Như Thành tiếp tục ngồi ghế dự bị. Cầu thủ này còn lấy lý do chấn thương, ít khi tham gia tập luyện đầy đủ cùng Bình Dương.

Những biểu hiện đó được Bình Dương đánh giá là bất thường. Mới đây khi The Vissai Ninh Bình tung tin đã có Như Thành với giá 8 tỷ đồng, Bình Dương nổi giận thực sự. Theo họ, Như Thành đã cố tình chơi vật vờ để được ra đi. Vì lẽ đó, đến thời điểm hiện tại, dù đã gạch tên Như Thành khỏi danh sách tham dự AFC Cup 2009 nhưng Bình Dương vẫn tuyên bố, Như Thành chưa thể đi khỏi đất Thủ.

Như Thành, Ngọc Thanh hay nhóm cầu thủ Thanh Hóa chỉ là những trường hợp điển hình trong trào lưu phá bĩnh để tính đường ra đi của các cầu thủ Việt Nam. Năm nào cũng vậy, cứ đến giai đoạn chuyển nhượng, những chấn thương giả tưởng, sự sa sút bất thường… lại xuất hiện nhan nhản ở những cầu thủ được coi là “hàng hot”.  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.