Chàng trai vàng của thể thao khuyết tật Việt Nam

Chàng trai vàng của thể thao khuyết tật Việt Nam
TPO - Bốn tuổi biết bơi, năm tuổi bị máy làm gạch cắt đứt hai chân, hàng trăm lần bị nước cuốn trôi, bảy năm giật gần 50 huy chương trong nước và khu vực... Đó là đôi nét về Đặng Văn Công - Người vừa được đề cử Giải thưởng "Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2009".
Chàng trai vàng của thể thao khuyết tật Việt Nam ảnh 1
Đặng Văn Công. Ảnh : CTV

"Quê em năm nào cũng có lũ, vừa lọt lòng mẹ, trẻ con được bố đưa ra sông La tập bơi phòng thân", Đặng Văn Công tiết lộ duyên cớ anh đến với môn bơi lội. Thân thiện, hoà nhã đó là cảm giác đầu tiên của mọi người khi gặp Công. Sinh năm 1980, xã Liên Minh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, Đặng Văn Công được bạn bè cùng trang lứa gọi là người cá vì khả năng bợi lội cực nhanh.

"Lên bốn tuổi, vào một ngày hè, bố bế em ra mép sông La rồi ném thẳng xuống sông, giãy dụa trong nước chừng vài giây em chìm hẳn. Khi bố đưa lên bờ, trong bụng chứa đầy nước", Công kể về lần đầu tiên bố đưa đi tập bơi. Vài tháng sau, Công có thể tự bơi qua sông La đi hái ngô trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nhiều lần bố mẹ Công sững người vì không thấy con trai trở về, họ toả người đi tìm quanh các khu vực sông, chập tối Công lọ mọ xách một túi cá trở về.

Trong một lần chờ bạn ra sông tắm, Công leo lên chiếc máy làm gạch ở nhà bạn để xem, vừa leo lên máy, ở phía trong nhà, một thợ làm gạch không quan sát đóng sập cầu giao để máy hoạt động. Chiếc dây cu roa kéo hai chân Công vào trong máy, mọi người chết lặng người khi thấy Công đang nằm vắt vẻo dưới đất, hai chân bị máy cán vào trong, máu chảy lênh láng. Hơn ba giờ đồng hồ, mọi người mới đưa Công ra khỏi máy, hai bàn chân bị nát tươm. Công được mọi người đưa đến bệnh viện đa khoa Đức Thọ, trước khi đưa vào phòng cấp cứu, Công nghe một bác sĩ nói với ông nội "chắc đứa trẻ khó qua khỏi".

Tỉnh dậy trên giường bệnh Công thấy đau ê ẩm khắp người, mẹ Công vừa kịp trở về từ bệnh viện đa khoa Nghệ An dàn dụa hai hàng nước mắt. Chống tay cố ngồi dậy, Công không thấy hai bàn chân mình đâu, Công cuống cuống hỏi mẹ "không còn chân có bơi được không hả mẹ", câu hỏi như xoáy sâu vào nỗi đau của người mẹ đang đứt đi từng khúc ruột khi nghĩ đến tương lai của đứa con. Mẹ Công động viên "bố mẹ lắp chân khác vào vẫn đi lại, bơi lội bình thường, Công khúc khích cười rồi ôm lấy mẹ giục về nhà để đi học cùng bạn bè".

Hai tháng sau, Công xuất viện, về nhà thấy bạn bè cùng nhau chơi đùa ngoài sân, như phản xạ tự nhiên Công nhảy ù trên giường xuống. Cú ngã làm đầu Công đập xuống nền nhà, ngất xỉu tại chỗ. Hàng trăm lần Công ngất lên ngất xuống vì nhảy từ trên giường xuống nhà theo phản xạ tự nhiên.

Gần hai năm sau, một buổi trưa mùa hè, bố Công đùa "con bơi được 1 mét, bố mẹ sẽ tặng con một chiếc áo bơi như các vận động viên trong vô tuyến". Lập tức, Công bắt bố đưa ra sông La để bơi cho mọi người biết. Chiều con, ông bế công ra sông, lần này ông không dám mạo hiểm ném thẳng con xuống sông như lần trước vì ông sợ không còn hai chân Công sẽ chìm xuống nước. Tuy nhiên, Công nằng nặc bố phải thực hiện như những lần trước, một tiếng "bùm", Công chìm hẳn xuống sông. Dãy dụa trong nước, Công uống mấy ngụm nước vào bụng rồi được bố đưa lên.

Suốt cả buổi chiều hôm đó, Công cứ thắc mắc tại sao không có chân khi xuống nước người lại chìm nhanh như thế. Công tiếp tục bắt bố cõng ra sông. Lần này, Công từ từ cho người xuống nước tìm cách lấy thăng bằng cơ thể bằng tay. Những ngày đầu, hai cánh tay mỏi nhừ nhưng Công rất vui vì mình có thể bơi được.

Ba ngày, bốn ngày, tập riết thành quen, có hàng trăm lần Công bị nước cuốn trôi, nhấn chìm nhưng không làm Công nhụt chí. Dần dà, Công giữ được thăng bằng cơ thể dưới nước, lạ hơn từ khi Công lấy lại được thăng bằng, tốc độ bơi của Công không chỉ duy trì như trước mà còn nhanh hơn. "Trong làng hay đùa em không có chân lại bơi nhanh hơn người có chân", Công kể. Nhiều lần đi học về, thấy bạn bè cõng mình vất vả, Công nhờ mọi người xách cặp rồi nhào mình xuống sông La bơi về nhà.

Gần 50 Huy chương các loại trong và ngoài nước

Đặng Văn Công được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III, được Thủ tướng chính phủ, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và nhiều đơn vị khác... tặng bằng khen về những thành tích đạt được.

Đặc biệt, Công vừa được TƯ Đoàn TNCS HCM chọn đề cử Giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2009". Dự kiến giải thưởng sẽ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao vào dịp 26-3 tới đây.

Năm 1997, Phòng văn hoá huyện Đức Thọ nghe tin về xin gia đình đưa Công vào Quảng Trị để thi toàn quốc nhưng bố Công, ông Đặng Minh Chiến từ chối vì sợ sức khỏe con không đảm bảo. Công thuyết phục, ông Chiến vẫn không lay chuyển. Bốn ngày sau đó Công không về nhà, ở luôn ngoài sông La. Bố Công đành phải hứa lần sau sẽ không cản Công nữa, khi đó Công mới trở về nhà.

Để chuẩn bị cho giải thể thao người khuyết tật năm 2002 tại Thừa Thiên Huế, đoàn thể thao Hà Tĩnh cho Công bơi thử cùng các vận động viên bơi lội nghiệp dư của tỉnh cự ly 50 mét. Nhiều người tham dự không tin vào mắt mình, một học sinh cụt hai chân lại cán đích đầu tiên bỏ xa các vận động viên có cơ thể bình thường.

Năm đó, Công đạt giải nhì nội dung tự do 200 mét. Năm 2003, Công được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự giải Paragame 2, trước khi dự giải, Công được lãnh đạo đội giao chỉ tiêu đạt 1 huy chương. Bất ngờ, lần đầu tiên ở đấu trường khu vực, Công giật 3HCV...

Chàng trai vàng của thể thao khuyết tật Việt Nam ảnh 2
Công cùng HLV Trần Hữu Hoài tại bể bơi. Ảnh : CTV 

Thành công nối tiếp thành công, từ năm 2002 đến năm 2009, Công dành 48 huy chương các loại tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Anh là vận động viên khuyết tật đóng góp rất nhiều vào thành tích thể thao chung của tỉnh và quốc gia. "Ngoài nỗ lực của bản thân, thành tích trên còn có công sức rất lớn của các HLV, lãnh đạo sở VHTTDL Hà Tĩnh đã tạo điều kiện cho em rất nhiều trong công việc cũng như trong cuộc sống", Công bộc bạch.

Dù được nhiều tỉnh mời về đầu quân với mức lương khủng nhưng Công vẫn chọn Sở VHTTDL Hà Tĩnh. "Em có được thành công như ngày hôm nay là nhờ công lao của lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Tĩnh, Phòng văn hoá huyện Đức Thọ", Công tâm sự.

"Công là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên. Hàng ngày, mặc trời nắng mưa, Công miệt mài tập luyện. Chắc chắn thành tích của Công sẽ còn vươn xa hơn", HLV Trần Hữu Hoài (Sở VHTTDL Hà Tĩnh) nhận xét về cậu học trò cưng của mình.

Nói về thành tích và tương lai, Công cho biết: "Đây mới là thành tích bước đầu tạo đà cho em trên con đường thể thao. Em muốn trở thành HLV bơi lội sau khi giải nghệ để đào tạo cho những người thiếu những may mắn như em". 

MỚI - NÓNG