V-League 2006 sau lượt đi:

Chất lượng lúc giao thời

Chất lượng lúc giao thời
TP - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lượt đi Eurowindow V-League 2006 chỉ ở mức trung bình. Lượt đi của giải VĐQG 2006 là một bước lùi so với 3 mùa bóng trước.
Chất lượng lúc giao thời ảnh 1
Đội Đà Nẵng vô địch lượt đi và tiền đạo Almeida (số 20 - đội Đà Nẵng) trở thành vua phá lưới với 10 bàn thắng  
                         Ảnh: Phạm Yên

Số trận đấu hay quá hiếm, những “đại gia” tụt dốc thê thảm, những đội mùa trước phải đến trận cuối cùng mới có vé thì nay lại ở những vị trí cao chót vót.

Lượt đi là giai đoạn giao thời của BĐVN trong thời điểm nhạy cảm khi các chuyên án tiêu cực vẫn chưa đến hồi kết.

Kẻ mạnh sa sút

Sau lượt đi của mùa giải 2004, đội HAGL đã có thành tích như một kỷ lục không chính thức: thi đấu 11 trận, thắng 9, hoà 1, thua 1.

Mùa giải 2005 tình hình không tốt bằng nhưng cũng vẫn coi được, đội Bình Dương dẫn đầu với 7 trận thắng, 3 hoà, 1 thua.

Mùa giải 2006 này, Đà Nẵng dẫn đầu với thành tích thắng 7, hoà 3, thua 2 nhưng lại chơi nhiều hơn 1 trận. Nếu nhìn vào chất lượng các đội bóng mà đội Đà Nẵng đã thắng thì khó mà yên tâm với thành công của nhà vô địch lượt đi: Thắng tân binh Khánh Hoà 2-1 và Tiền Giang 2-0, thua LG HN ACB, đội phải đá trận Playoff mùa bóng trước 0-1.

Ba “đại gia” bị Đà Nẵng lần lượt qua mặt đều ở trong tình trạng bất ổn và 2 trong 3 đội đó phải thay “tướng giữa dòng” ... Nhìn vào lực lượng của đội cũng thấy là giải này Đà Nẵng không mạnh khi mất 2 trụ cột mùa trước (Phước Vĩnh và Quốc Anh) và 1 trụ cột được tăng cường nhưng chưa kịp đá đã bị kỷ luật (Trần Hải Lâm).

Vậy mà Đà Nẵng vẫn đứng đầu. Không có sự cạnh tranh thật sự. Trong bối cảnh ấy, nếu “ghép” trận thua Gamba Osaka 0-15 ở Cup C1 châu Á càng thấy sự thiếu thuyết phục của ngôi đầu Đà Nẵng.

Kẻ yếu lên ngôi

LG HN ACB là điển hình. Mùa trước, đội bóng Thủ đô phải qua trận playoff với THS.Cần Thơ mới có vé trụ hạng thế mà kết thúc lượt đi năm nay, LG HN ACB xếp thứ 3. Vòng đấu thứ 8 họ cũng đã từng nắm vị trí này. Bình Định cũng vậy.

Mùa trước phải đến trận thứ 22 họ mới có vé trụ hạng, vậy mà mùa này họ có vị trí thứ 2. Thậm chí ở vài vòng trước họ còn có vị trí thứ nhất. Tân binh K.Khánh Hoà cũng gây ngạc nhiên lớn, tuy chỉ đứng ở vị trí thứ 5 nhưng nếu nhìn vào đà thăng tiến của đội bóng này, người hâm mộ sẽ... phát hoảng lên về sự tiến bộ của họ: 2003 đá hạng nhì, 2004 đá hạng nhất, 2005 đá hạng chuyên nghiệp.

Khác hẳn HAGL, Gạch ĐTLA, Bình Dương, sau khi lên hạng, K.Khánh Hoà gần như không có sự tăng cường lực lượng nội binh cũng như ngoại binh, có chăng chỉ là HLV Nguyễn Ngọc Hảo đến từ Nam Định. Đội bóng này sẽ còn làm khối đội khốn khổ ở các trận lượt về bởi sau 12 trận, họ đã có kinh nghiệm trận mạc ở giải VĐQG.

Chưa phát huy được lối đá tấn công

Hãy nhìn vào đội Hoà Phát. Dưới bàn tay của HLV có năng lực Vương Tiến Dũng, đội bóng này quyết định cách tân toàn diện, từ đội hình thi đấu, lối chơi đến khát vọng chiến thắng và họ đã thành công ở một số trận đầu giải mà vị trí thứ 2 trong BXH là minh chứng.

Thế nhưng sự đột biến ấy không bền và cuối lượt đi họ tụt xuống vị trí thứ 11. Cái “nền” của đội – con người - quá xoàng, trẻ thì quá non, già thì đã qua thời kỳ “sung” từ lâu, họ chỉ bừng sáng như những ngọn nến sắp tắt rồi... thôi.

Hay nhìn vào các đại gia Bình Dương, “Gạch”, “Gỗ” và cả đội dẫn đầu giải là Đà Nẵng. Không ít trận hoặc ít hiệp họ chơi như cơm nguội. Các miếng chiến thuật quá đơn điệu, chiến thắng phần lớn dựa vào các chân sút ngoại hơn là dựa vào lối chơi đẹp mắt, hiệu quả và tập thể. Có thể lấy đội LG HN ACB để so sánh.

Đội bóng này nổi tiếng với lối chơi... cò cưa nhưng chỉ cần một sơ suất của hàng thủ đối phương là ba chân sút ngoại của họ kiếm được bàn thắng. Chẳng gây ấn tượng gì về lối chơi nhưng lại có vị trí thứ 3 trong BXH, đó chẳng phải là nghịch lý của giải 2006 là gì?

Thiếu vắng nhân tố mới

Chính đội hình ĐTQG dự Cup BĐ mùa xuân đã nói lên điều này. Ông Riedl đã phải... huy động hầu như tất cả các gương mặt cũ vào ĐT trong khi các cầu thủ trẻ quá ít, nếu có thì chỉ ở khu vực dự bị.

Nếu những tuyến phòng thủ và tiền vệ có vẻ coi được thì tuyến tấn công hầu như không có nhân tố mới. Mỗi “Quả bóng vàng” Lê Công Vinh tạm coi được (ghi 5 bàn), những cầu thủ nội khác thành tích rất khiêm tốn.

Một lý do là các HLV vì coi trọng thành tích nên “chuyên dùng” cặp tiền đạo ngoại hơn là theo công thức “nửa nọ, nửa kia” nhưng thực tế là những cầu thủ nội được tin dùng cũng không tự khẳng định được mình. Đây không chỉ là mối lo trước mắt mà còn là mối lo lâu dài của ĐTVN.

Trọng tài vẫn là “cái khó” của giải

Tuy không có kiện cáo bởi các đội bóng “thông cảm” với BTC về sự thiếu trọng tài do chuyên án trọng tài tiêu cực đã gạt sang bên đường quá nhiều trọng tài có chuyên môn tốt nhưng việc họ “chấp nhận đau thương” vẫn là “chuyện thường ngày”.

Không còn chuyện kiện cáo để BTC phải “xem băng phá án” nhưng như thế không có nghĩa trọng tài quá tốt. Tình trạng này chắc chắn sẽ còn kéo đến giải 2007, 2008. 

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.