Cho lần đầu tiên

Cho lần đầu tiên
TPCN - Lần thứ 2 được FIFA uỷ quyền cho LĐBĐVN (VFF) tổ chức, cuộc thi tuyển đại lý cầu thủ FIFA tại Việt Nam đã tìm ra người trúng tuyển: Bà Nguyễn Xuân Mưa (Mae-Mua, quốc tịch Anh).
Cho lần đầu tiên ảnh 1
Với sự xuất hiện của nhà môi giới hợp pháp, hy vọng sẽ  không còn những vụ “đi đêm” dở khóc, dở cười như trường hợp hai cầu thủ da màu Benzamin và Mohamed cách đây 2 mùa giải

Viên gạch đầu tiên trên con đường công khai và lành mạnh hoá thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam, đã được đặt…

Người tiên phong

Thực ra cái tên Mae-Mua không hề xa lạ với bóng đá Việt Nam. Bà từng có thời gian là Giám đốc điều hành Cty tiếp thị thể thao Strata tại Việt Nam.

Mà nhắc tới Strata thì có lẽ những người làm bóng đá Việt không thể quên được cái công của “bầu sữa” tài chính và tài trợ này trong thời kỳ V.League còn sơ sinh.

Từ cái thủa bóng đá mình bỡ ngỡ khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, thì Strata chính là đơn vị đã đổ tiền vào cho LĐBĐVN “nâng cấp” sân chơi VĐQG thành V.League.

Đây chính là cú hích đầu tiên để đưa bóng đá Việt trở thành một thương hiệu, đúng hơn là khai phá một thị trường tiếp thị-tài trợ xung quanh hoạt động bóng đá cho các nhà đầu tư nhẩy vào.

Sau này, khi đã chia tay với VFF, nhưng Strata vẫn “ăn ngủ” với bóng đá Việt qua việc giới thiệu HLV “ngoại” cho đội tuyển QG và các CLB hoặc tự đầu tư mà đội bóng Strata Đồng Nai là một ví dụ.

Tất nhiên, sẽ chẳng bao giờ có sự dễ dàng chờ đợi những người đi tiên phong. Điều này hoàn toàn đúng với quy luật cái mới bao giờ cũng phải được kiểm nghiệm qua thử thách.

Ngày nhận được tin trúng tuyển (cuộc thi tuyển đại diện cầu thủ FIFA) chắc hẳn cũng là ngày mà bà Mae-Mua nhận thức rõ ràng cái cảm giác “ra khơi” của thời kỳ “hậu thi đỗ”.

Khó khăn lớn nhất có lẽ không đến từ khoản tiền ký quỹ hay bảo hiểm trách nhiệm (nghe đâu lên tới 2 tỷ VNĐ) mà bà Mae-Mua phải đóng tại ngân hàng do FIFA chỉ định. Bởi lẽ, cái vấn đề “đầu tiên” đó thì thí sinh nào tham dự kỳ thi tuyển đại lý của FIFA cũng đều phải cân nhắc và dự liệu trước khi bước vào phòng thi.

Băn khoăn lớn nhất của bà Mae-Mua là ở chỗ: Chưa có một “hành lang pháp lý” rõ ràng cho người môi giới cầu thủ hợp pháp hoạt động ở Việt Nam.

Bởi theo quy định của FIFA thì người làm đại lý cầu thủ phải là cá nhân. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc giới thiệu, tuyển dụng nhân sự, lao động là qua các đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân. 

Phải cạnh tranh với “thị trường đen”

Chắc hẳn chúng ta chưa quên được vụ việc lùm xùm giữa Tôn Hoa Sen Cần Thơ (THS.CT), Đông á Thép Pomina (ĐATP) và “cò” Nguyễn Trắc Đăng xung quanh chuyện môi giới “chui” hai cầu thủ da màu Benzamin và Mohamed cách đây 2 mùa giải.

Hai ngoại binh này đã gia hạn hợp đồng với đội THS.CT, nhưng lại thông qua môi giới của ông Đăng để thử việc với đội ĐATP, đồng thời cũng đã nhận tiền tạm ứng của “cò cầu thủ” này.

Và rồi khi bị những người trong cuộc “biến dạng” thành cái gọi là “2 cầu thủ ngoại bị mua chuộc để không ra sân thi đấu trong trận quyết định đến suất thăng hạng V.League giữa THS.CT và ĐATP”, sự việc này đã làm tiêu tốn khá nhiều thời gian của cơ quan chức năng mà chẳng đi đến đâu (vì có gì đâu chẳng qua chỉ tại “cò mồi”).

Với sự xuất hiện của nhà môi giới cầu thủ hợp pháp, bóng đá Việt sẽ không còn phải “khóc than” trước những cuộc “đi đêm” và hệ luỹ của nó nữa? Đó là hy vọng, nhưng cũng đặt ra thách thức đối với người phụ nữ tên Mae-Mua.

Bước chân vào thị trường chuyển nhượng cầu thủ, đồng nghĩa với việc bà Mae-Mua phải chấp nhận cạnh tranh với một chợ “cầu thủ đen”, phi luật. Tất nhiên, tính hợp pháp và sự công khai cũng là một lợi thế của bà Mae-Mua trong việc cạnh tranh, nhưng vấn đề phải đến từ sự chuyển biến trong nhận thức của các đối tác, cùng cầu thủ.

Thế nhưng, đây lại vốn là một sự trừu tượng trong thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam, nơi mà đôi khi vì quan hệ, vì “lại quả”, thậm chí chỉ vì…tiện việc mà người ta sẵn sàng bỏ qua sự hợp pháp và hợp lệ để bắt tay với “cò chui”.

Và tất nhiên, số lượng “cò” kiểu này thì phổ biến và đa dạng từ ông HLV trưởng, cựu cầu thủ, thậm chí là cả phóng viên…, đủ để khiến bà Mae-Mue trở thành” hoa lạc giữa rừng gươm”.

Dẫu vậy, nói gì thì nói việc bà Mae-Mua trở thành đại lý cầu thủ FIFA đầu tiên ở Việt Nam cũng là một sự kiện đáng được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng môi giới cầu thủ “chui” đầy bát nháo như hiện nay, giúp cho thị trường chuyển nhượng cầu thủ hoạt động một cách hiệu quả và lành mạnh. 

MỚI - NÓNG