Chọn TP đăng cai Olympic 2012: Bí mật những lá phiếu điện tử

Chọn TP đăng cai Olympic 2012: Bí mật những lá phiếu điện tử
Trong tổng số 116 Uỷ viên IOC, chỉ có 99 người được tham gia bỏ phiếu ngay vòng đầu tiên. Cuộc bỏ phiếu và kiểm phiếu đều được tiến hành trên máy tính điện tử.

Chủ tịch IOC, bác sĩ người Bỉ Jacques Rogge sẽ không tham gia bỏ phiếu, tuy nhiên ông sẽ là người quyết định chọn thành phố chiến thắng nếu trong vòng bầu cuối cùng chỉ còn lại 2 thành phố mà số phiếu bầu nhận được ngang nhau.

2 thành viên bị cấm bỏ phiếu - một Uỷ viên người Bulgaria Ivan Slavkov do dính đến scandal mua bán phiếu và một Uỷ viên người Pháp Guy Drut do cũng bị liên quan tới một vụ tham nhũng. Một Uỷ viên vắng mặt vì lí do sức khoẻ (Nikos Filateros - Hy Lạp).

Ngoài ra còn 13 thành viên đến từ các thành phố ứng cử nên không được tham gia bỏ phiếu ở vòng đầu gồm:

- Mỹ (3): Jim Easton, Anita DeFrantz, Robert Ctvrtlik.

- Nga (3): Vitaly Smirnov, Shamil Tarpischev, Alexander Popov.

- Anh (3): Craig Reedie, la Princesse Anne, Phil Craven.

-Pháp (2): Henri Serandour, Jean-Claude Killy.

- Tây Ban Nha (2): Juan Antonio Samaranch Jr, Dona Pilar de Borbon.

Bí mật những lá phiếu điện tử

Cuộc bỏ phiếu chọn thành phố đăng cai Olympic của IOC luôn là những cuộc đua maratông, và cuộc đua chỉ dừng lại ở vòng bầu khi có một ứng cử viên giành được trên 50% số phiếu.

Nếu không có ứng cử viên nào đạt tỷ lệ ấy (trong lịch sử chưa từng có thành phố nào chiến thắng giành số phiếu quá bán ngay vòng đầu tiên) thì thành phố có số phiếu thấp nhất bị loại, số còn lại bước vào vòng sau.

Ở vòng bầu đầu tiên các thành viên IOC của các nước có thành phố tham gia tranh cử không được quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên trong các vòng bầu tiếp theo các thành viên của nước có thành phố tranh cử đã bị loại lại được tiếp tục bỏ phiếu.

Cuộc bỏ phiếu được tiến hành trên máy tính điện tử. Các thành viên chỉ ấn nút để chọn. Việc kiểm phiếu cũng được tiến hành trên máy tính. Khi cuộc bầu chưa ngã ngũ thì chỉ tên thành phố đã bị loại được công bố, số phiếu của các thành phố còn lại được giữ kín để không gây ảnh hưởng ở vòng tiếp theo.

Cuộc đối đầu Blair - Chirac

Không chỉ giới chức thể thao nhập cuộc, ngay cả các chính trị gia hàng đầu thế giới cũng lao vào cuộc đua. 2 ngày trước, Thủ tướng Anh Tony Blair đã đặt chân đến Singapore. Mục đích duy nhất của ông Blair là vận động cho thủ đô London của Anh trúng cử.

Nếu ở một thời điểm nào khác, chuyến đi của ông Blair có lẽ không “quá to tát”. Nhưng, người đứng đầu chính phủ Anh đã phải gác tất cả công việc, trong đó có vai trò của nước chủ nhà hội nghị G-8, để đến Singapore thì có thể thấy, chưa bao giờ nước Anh kỳ vọng vào một sự kiện thể thao nhiều đến thế.

Ở phía bên kia bờ biển Manche, Tổng thống Pháp Jacques Chirac không chịu kém. Ông đặt chân đến châu Á muộn hơn ông Blair 1 ngày nhưng đi theo là một đoàn tuỳ tùng hùng hậu: Các quan chức chính phủ, các ngôi sao thể thao... Ông Chirac mang theo mình một “bài diễn văn vĩ đại” để cổ vũ cho thủ đô Paris.

Hai ông Blair và Chirac sẽ không cảm thấy mình đang đối mặt nhau như trong một cuộc họp của EU. Bên cạnh 2 ông còn có Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero và Hoàng hậu nước này Sofia, đến vận động cho Madrid. Ngoài ra còn có Thủ tướng Nga Mikhail Fradkov, vận động cho Moskva và Thượng Nghị sĩ bang New York Hillary Clinton.

MỚI - NÓNG