Chống tiêu cực ở V.League: Vô kế khả thi?

Chống tiêu cực ở V.League: Vô kế khả thi?
TP - Đối với các nghi án tiêu cực diễn ra trong mùa giải vừa qua, cơ quan an ninh và BTC tới thời điểm hiện tại đều chưa xác định được cơ sở để đưa ra kết luận. BTC thừa nhận ít có khả năng tìm được chứng cứ tiêu cực của cầu thủ, đội bóng.

> Vòng 14 V-League 2013: SLNA soán ngôi đầu
> Hà Nội T&T quyết giữ ngôi đầu

 “Phía cơ quan công an cho biết không đủ cơ sở để xác định Xuân Thành Sài Gòn “bán độ” ở trận Siêu cúp. Các điều tra viên cũng nói rằng, họ vẫn nhận được những tin nhắn với nội dung tương tự, nhưng thông báo kết quả trận đấu khác nhau” 

Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly

Tại cuộc họp báo định kỳ tổ chức tại Hà Nội sáng qua 11/7, Trưởng BTC giải Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) Trần Duy Ly cho biết: “Đối với các nghi án tiêu cực, BTC đều chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên, cần thừa nhận là việc xác định hoặc tìm ra chứng cứ chứng minh có tiêu cực là rất khó khăn. Kết quả một trận đấu thường được quyết định bởi nhiều yếu tố, không thể chỉ bằng đánh giá về chuyên môn có thể kết luận trận đấu tiêu cực hay không”.

Trước đó, trong báo cáo tóm tắt, ông Ly khẳng định nhiều trận đấu ở V.League, cầu thủ thi đấu dưới sức, không nỗ lực, để xảy ra sai sót không đáng có. BTC dù vậy không thể kết luận cầu thủ thi đấu kém do vấn đề tư tưởng hay chỉ đơn thuần xuất phát từ góc độ chuyên môn.

Sự cố nổi cộm ở mùa giải 2012-2013 được nhắc lại ở cuộc họp báo của VPF hôm qua là nghi án “bán độ” của CLB Xuân Thành Sài Gòn trong trận tranh Siêu cúp quốc gia 2012 với SHB Đà Nẵng. Trận này, Xuân Thành Sài Gòn để thua 0-4.

Sau trận đấu, Phó Ban tư vấn đạo đức VPF Nguyễn Văn Vinh đã bất ngờ công bố tin nhắn, có nội dung “tố” Xuân Thành Sài Gòn “bán độ” theo chỉ đạo của GĐĐH Trần Tiến Đại. VFF và VPF đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra nhưng theo ông Trần Duy Ly, quá trình điều tra chưa đem lại kết quả.

“Phía cơ quan công an cho biết không đủ cơ sở để xác định Xuân Thành Sài Gòn “bán độ” ở trận đấu trên. Các điều tra viên cũng nói rằng, họ vẫn nhận được những tin nhắn với nội dung tương tự, nhưng thông báo kết quả trận đấu khác nhau”-ông Ly nói.

Một số trận đấu khác ở mùa giải này của Xuân Thành Sài Gòn, hoặc trận đấu The Vissai Ninh Bình-SHB Đà Nẵng ở lượt đi, bị phản ánh có nhiều dấu hiệu bất thường cũng nằm trong diện “không tìm ra bằng chứng”.

Sân Hàng Đẫy lại bị bêu

Theo báo cáo của BTC, qua 11 trận đấu ở lượt đi, trung bình có 9.766 khán giả đến sân ở mỗi trận đấu. So với mùa giải năm ngoái, số lượng khán giả đến sân, theo BTC, có xu hướng tăng lên.

“Nhiều trận đấu diễn ra hấp dẫn và kịch tính, với chất lượng chuyên môn tốt thu hút được người xem. Đây là tín hiệu rất đáng mừng”-Trưởng BTC Trần Duy Ly cho biết.

“Điểm đen” về khán giả được nhắc đến là sân Hàng Đẫy, sân nhà của CLB Hà Nội T&T. “Ngoại trừ trận đấu với SLNA, do CĐV đến đông nên số lượng khán giả lên tới khoảng 20.000, còn lại các trận đấu ở Hàng Đẫy đều rất vắng khách”, theo ông Ly.

Khán giả, chất lượng trận đấu theo đánh giá tăng lên, nhưng bạo lực không có dấu hiệu giảm bớt. Thống kê của BTC qua 11 trận lượt đi, các trọng tài đã rút ra 320 thẻ vàng, tức trung bình 5,16 thẻ/trận và 19 thẻ đỏ, trung bình 0,31 thẻ/trận. Qua 4 trận lượt về, số thẻ đỏ trung bình trọng tài phải rút ra đã tăng lên 0,46 thẻ/trận, mặc dù số thẻ vàng có giảm bớt.

Hôm qua, ông Trần Duy Ly cũng cho biết, cơ quan an ninh vẫn đang điều tra nghi án 4 trọng tài Hà Nội: Kiều Việt Hùng, Đinh Hải Dương, Phạm Đắc Chiến và Đỗ Mạnh Hà nhận tiền khi làm nhiệm vụ ở trận đấu Thanh Hoá-HA.GL.

Ngoài sự cố trên, BTC thừa nhận qua các trận đấu ở V.League và hạng Nhất, trọng tài vẫn mắc sai sót. “Tuy nhiên, các lỗi này đều được nhận định do năng lực chuyên môn. Thực tế diễn biến nhiều trận đấu quá nhanh, trọng tài khó có thể theo kịp”-ông Ly cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG