Chủ tịch VFF – Nghề nguy hiểm?

Chủ tịch VFF – Nghề nguy hiểm?
(TPO) Chiếc ghế Chủ tịch VFF là ghế nhung hay ghế… điện? Phải chăng, đó là một công việc “nguy hiểm” đến mức không ai dám nhận nó?
Chủ tịch VFF – Nghề nguy hiểm? ảnh 1
Đáp ứng được khát khao của người hâm mộ là điều không đơn giản

Vì sao hàng loạt ứng cử viên được đề cử vào chức Chủ tịch VFF đều từ chối và xin rút lui dù thời gian từ nay đến Đại hội VFF chỉ còn tính từng ngày?

Trong cuộc họp giao ban Ủy ban TDTT đầu tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái đã chính thức khẳng định: Đại hội VFF nhiệm kỳ V chắc chắn sẽ diễn ra vào cuối tháng 5, đúng như dự kiến mà Ban Chấp hành VFF đưa ra trước đó.

Việc tiến hành Đại hội VFF đã không được phép hoãn thêm một lần nữa, bởi trước đó, Đại hội đã lùi thời gian đến 2 lần dù Thủ tướng Chính phủ từng có ý kiến chỉ đạo phải khẩn trương kiện toàn bộ máy VFF. “Quá tam ba bận”, Đại hội VFF chắc chắn sẽ được tổ chức, bất kể đã có ít nhất 6 ứng viên từ chối làm Chủ tịch.

Điều khiến những người chuẩn bị cho Đại hội VFF vô cùng đau đầu là những ứng viên tên tuổi như ông Nguyễn Bá Thanh, ông Đoàn Mạnh Giao, ông Hồ Xuân Hùng… đều lần lượt từ chối đảm nhận trách nhiệm người đứng đầu chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam với lý do đang quá bận với công việc hiện tại.

Đã có lúc, VFF thở phào nhẹ nhõm khi ông Hồ Xuân Hùng – Phó trưởng ban đối mới doanh nghiệp của Chính phủ nhận lời ứng cử vào chiếc ghế Chủ tịch VFF nhưng sau đó không lâu, ông Hùng cũng xin được rút lui.

Nhiều người bảo rằng, dường như, vụ đội bóng Slavia Praha mang đội hình “hàng chợ” đến Việt Nam thi đấu hồi đầu tháng vừa qua, giống như “viên gạch” ném vào cốc nước làm trào nước ra ngoài khiến những người “ngoại đạo” chỉ nghĩ đến việc điều hành VFF cũng đã toát mồ hôi.

Ngay cả người của VFF, Chủ tịch đương nhiệm Mai Liêm Trực cũng chính thức từ chối tiếp tục ứng cử dù đã có lúc, vị lãnh đạo hàm Thứ trưởng này rất khát khao được làm tiếp công việc của mình.

Dư luận đã đặt câu hỏi: Vì sao không ai muốn làm Chủ tịch VFF? Câu trả lời được đưa ra là: Quyền rơm vạ đá! Bởi cứ đúng theo tiêu chí và trách nhiệm của chiếc ghế Chủ tịch VFF, thì chức Chủ tịch chỉ làm việc bán chuyên trách, không hưởng lương, nhưng khi đã là người đứng đầu một tổ chức xã hội nghề nghiệp, mỗi khi có “sự cố” gì, dù đúng, dù sai, Chủ tịch VFF vẫn là người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Ở một đất nước yêu bóng đá đến cuồng nhiệt, thậm chí đến… cay cú (!) thì ít nhất vào thời điểm này và trong tương lai gần, chỉ có chiếc HCV Đông Nam Á mới giải được cơn khát của người hâm mộ.

Rõ ràng, chiếc ghế Chủ tịch VFF chẳng phải là ghế nhung dù cũng chưa bao giờ là ghế điện. Một đồng nghiệp trên báo TTNN đã rất có lý khi ví von chức Chủ tịch VFF như chiếc ghế nhung bọc gai: Khi thành công, đó là chiếc ghế nhung êm ái, khi gặp sự cố thì cũng dè chừng với gai nhọn.

Cũng có người bảo: Chủ tịch VFF là một nghề nguy hiểm. Nguy hiểm, nên mới không ai dám xông vào. Mà cũng nguy hiểm thật nếu nhớ rằng, nhà của cựu Chủ tịch VFF Mai Văn Muôn từng bị đặt thuốc nổ. Những đồng nghiệp ở Văn phòng đại diện Báo TT TPHCM (khi đó ở Nguyễn Thái Học, Hà Nội, trước cửa nhà ông Mai Văn Muôn) cho đến nay vẫn không quên được cảm giác mạnh khi nghe và chứng kiến vụ nổ lúc sáng tinh mơ này.

Nhưng ở VFF, không phải chiếc ghế nào cũng… khó tìm người như ghế Chủ tịch. Chiếc ghế Tổng thư ký, ngoài ứng viên Phan Anh Tú, nhiều thông tin còn cho hay có ít nhất 2 ứng viên nặng ký khác cho chức vụ này, trong đó có một người đã quá quen ở VFF.

Còn nhớ một câu nói rất ấn tượng của một lãnh đạo ngành công an khi nói về CSGT: “Có cái gì ở ngoài đường mà con ai cũng xin gửi ra đó đứng?”. Vậy ở đây, “Có cái gì mà ai cũng ứng cử vào ghế TTK?”. Trả lời được câu hỏi này, chắc cũng phần nào tìm được lời giải cho câu hỏi: “Chủ tịch VFF, ông là ai?”

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.