Chuyện “ăn gian tuổi” của cầu thủ Việt

TP - Không phải ngẫu nhiên khi nghi án Công Phượng quá tuổi nổ ra, không ít người đặt dấu hỏi về tuổi thực của tiền đạo Học viện HA.GL, thay vì tin tưởng tuyệt đối vào số liệu trong hồ sơ cá nhân.
Chuyện “ăn gian tuổi” của cầu thủ Việt ảnh 1

Thần đồng bóng đá Việt Nam một thời, Văn Quyến, được cho là có tuổi thật lớn hơn tuổi trên giấy tờ. Ảnh: VSI 

Có nhiều lý do dẫn đến chuyện này, trong đó gồm việc Nghệ An là một trong những địa phương từng bị xác định “nhầm lẫn” tuổi tác của VĐV khi tham dự các giải bóng đá cấp thiếu niên-nhi đồng.

Nguyên Trưởng BTC giải bóng đá Thiếu niên - nhi đồng toàn quốc Vũ Quang Vinh (nay là TBT báo TNTP) khi trao đổi với Tiền Phong từng nói, Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác, chuyện làm lại hồ sơ cho cầu thủ trẻ là không hiếm. Nhiều địa phương thậm chí lấy hồ sơ của người khác để đăng ký cho cầu thủ thi đấu. 

Ví dụ điển hình cho cách làm này là trường hợp của “thần đồng” bóng đá Trần Thế Vọng của Gia Lai. Thi đấu nổi bật ở giải Nhi đồng toàn quốc năm 1998 nhưng Thế Vọng sau đó “mất tích” đầy bí ẩn nhiều năm liền.

Cho đến sau này khi báo chí truy đến cùng thì mới té ngửa, người mang tên Trần Thế Vọng thi đấu ở giải trên là thực tế cậu bé Nguyễn Minh Thành, sau này bị cho nghỉ đá bóng, phải đi làm phụ xe vì thi đấu quá hay và quá nổi tiếng.

Đá bóng hay nhưng do đã quá tuổi, Minh Thành đã được “người lớn” gắn cho bộ hồ sơ mới để thi đấu. Cậu bé Vọng “thật” trong khi đó không hề biết đá bóng.

Một thực tế khác khiến nhiều người nghiêng về khả năng Công Phượng sinh năm 1993 chứ không phải năm 1995 theo hồ sơ là việc chuyện khai sai tuổi khá phổ biến trong thể thao Việt Nam nói chung cũng như bóng đá nói riêng. Nhiều trường hợp là các cầu thủ gốc xứ Nghệ.

Nổi tiếng nhất phải kể đến trường hợp của Văn Quyến, “thần đồng bóng đá” một thời của Việt Nam. Văn Quyến theo khai sinh thì sinh năm 1985, năm nay 29 tuổi. Nhưng nhiều người lại khẳng định “thằng béo” năm nay đã 30 tuổi, sinh năm 1984. 

Một cầu thủ khác cũng từng bị đặt dấu hỏi về tuổi tác là tiền đạo Phan Thanh Bình. Thanh Bình từng được xem là tiền đạo trẻ nhiều triển vọng của bóng đá Việt Nam, rất mực được ưu ái dưới thời HLV A.Riedl.

Cựu cầu thủ Đồng Tháp nổi tiếng với 5 lần được tham dự SEA Games. Tuy nhiên, cùng với kỷ lục trên, Thanh Bình cũng bị đồn là có tuổi thực chênh lệch đến 4-5 tuổi so với hồ sơ.

Điểm chung của các cầu thủ này là đều giải nghệ khi đang còn ở độ tuổi chưa đến nỗi già. 

Không ít trường hợp các cầu thủ hiện nay vẫn còn thi đấu cũng bị nghi ngờ có tuổi thực cao hơn so với hồ sơ. Trong số này 2 cái tên được giới bóng đá nhắc tới nhiều nhất là Quý Sửu (HA.GL) và Văn Quyết (Hà Nội T&T). Mùa giải 2010, khi Hà Nội T&T vô địch V.League còn Văn Quyết đoạt danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, một số ý kiến đã phản đối.

Lý do công khai thì xuất phát từ vấn đề chuyên môn nhưng phía sau đó là chuyện anh bị nghi ngờ hơn 2 tuổi so với tuổi khai sinh (1991). Văn Quyết sau đó còn tiếp tục đoạt danh hiệu trên vào năm 2011. Tương tự, Quý Sửu cũng bị cho là già hơn nhiều so với độ tuổi 29 (sinh năm 1985) như trong hồ sơ của tiền vệ này.

Ngay cả các cầu thủ nước ngoài đang thi đấu ở Việt Nam, tuổi tác cũng là vấn đề bị dị nghị. Tiền đạo nhập tịch Samson theo hồ sơ thì năm nay mới 26 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người nói Samson trông già dặn như một người đã trên 30.

Đấy là bóng đá, thể thao Việt Nam nói chung chuyện khai sai tuổi cũng không hiếm. Cách đây chục năm, bộ môn điền kinh từng ồn ào thông tin gian lận tuổi của VĐV một số địa phương và cả ở ĐTQG.

Một trường hợp điển hình là VĐV Phạm Đình Khánh Đoan, sinh năm 1980 nhưng được khai năm 1982.

Cá biệt hơn, VĐV Đoàn Nữ Trúc Vân bị xác định là khai sai tới 4 tuổi. Một quan chức Bộ môn điền kinh thời điểm trên từng thừa nhận, có tới 10% số VĐV đội tuyển quốc gia “có vấn đề” về tuổi tác khai báo.

MỚI - NÓNG