Chuyên gia 'đánh đu' với số phận

Chuyên gia 'đánh đu' với số phận
TP - Điểm lại sự nghiệp cầm quân của HLV Calisto tại Việt Nam, bị sa thải luôn là nguy cơ thường trực nhưng chuyên gia này lại luôn thoát hiểm vào phút chót và đưa đội bóng cán đích ở vị trí có huy chương.

Dường như con đường mà đội tuyển Việt Nam đang đi tại AFF Suzuki Cup 2008 cũng giống hệt với lộ trình mà HLV Calisto từng trải qua trong năm mùa giải với ĐT.LA.

Chuyên gia 'đánh đu' với số phận ảnh 1
HLV Calisto nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí khi luôn mang lại bất ngờ -  Ảnh: Phạm Yên

Lận đận rồi mới thăng hoa

Ở V-League, đội bóng của HLV Calisto luôn có sự khởi đầu  rất trầy trật kể từ đầu mùa giải và họ thường xuyên kết thúc lượt đi ở nửa cuối bảng xếp hạng, ngoại trừ mùa giải 2003.

Chẳng hạn, năm 2004, ĐT.LA đã để thua liên tiếp năm trận đầu tiên của mùa bóng khiến đội bóng lao đao và tưởng như phải đối diện với nguy cơ xuống hạng nhưng nhờ cú nước rút ngoạn mục ở lượt về, ĐT.LA đã cán đích ở vị trí thứ ba. Hay mùa giải 2006, dù là ĐKVĐ nhưng ĐT.LA phải đợi đến vòng sáu mới giành được chiến thắng đầu tiên.

Thậm chí, hồi đó, họ còn bị đẩy xuống đáy bảng xếp hạng. Họ cũng từng bị đầy xuống nhóm cầm đèn đỏ trong nhiều vòng liền và không ít người khẳng định rằng “ĐT.LA sẽ sớm trở thành cựu vương”.

Khi đó, sự tự tin, sức chiến đấu của ĐT.LA cùng niềm tự hào giảm sút kinh khủng. Tuy nhiên, kể từ lượt về, ĐT.LA là một đội bóng khác hẳn, khát khao, mạnh mẽ và khó có thể bị đánh bại.

Giành tám chiến thắng ở giai đoạn hai là một cú nước rút thần tốc của thầy trò Calisto và có cảm giác như khi ĐT.LA đã vào guồng thì chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Họ hạ đối thủ bất kể trên sân nhà hay sân khách và việc giành trọn ba điểm đã trở thành một thói quen.

Chuyên gia 'đánh đu' với số phận ảnh 2

Và trong nhiệm kỳ đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Calisto cũng mang “thói quen” này lên với đội tuyển. Trong quãng thời gian đội tuyển Việt Nam tập trung để chuẩn bị cho Tiger Cup 2002, HLV Calisto làm VFF và dư luận lo lắng vì những thành tích chẳng mấy ấn tượng và ngay cả bản thân các tuyển thủ khi ấy cũng hoang mang không biết ông thầy này sẽ xây dựng bộ khung và lối chơi nào cho đội tuyển Việt Nam.

Nhưng rồi chiếc huy chương đồng tại Tiger Cup 2002 đã xua tan những nghi ngại về năng lực của HLV Calisto.

Sau sáu năm, khi trở lại cương vị thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam, HLV Calisto cũng lặp lại điều tương tự. Chưa có một ông thầy ngoại nào trong lịch sử bóng đá Việt trước khi bước vào một giải đấu lớn ở khu vực lại có thành tích kém cỏi như HLV Calisto năm 2008: 10 trận liên tiếp không biết mùi thắng lợi.

Và ngay cả khi đã dẫn dắt đội tuyển Việt Nam giành được hai chiến thắng liên tiếp tại AFF Suzuki Cup 2008 trước Malaysia và Lào thì những gì mà thầy trò HLV Calisto thể hiện cũng chẳng thuyết phục được người hâm mộ.

Thế nhưng, tới lúc niềm tin mà dư luận dành cho đội tuyển Việt Nam đã bắt đầu cạn kiệt thì các học trò của HLV Calisto bất ngờ trình diễn một lối chơi rực sáng trước ĐKVĐ Singapore trong trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008, khiến ngay cả một HLV thuộc dạng quái thủ như Raddy Avramovic cũng phải tâm phục khẩu phục.

Lý giải bí quyết Calisto

Không ngôi sao

Một đặc điểm của những đội bóng dưới thời HLV Calisto là ít khi xây dựng đội hình để phục vụ lối chơi của một ngôi sao nào đấy.

Trong năm mùa giải HLV Calisto dẫn dắt ĐT.LA, số cầu thủ có đẳng cấp thực sự tại đây chỉ đếm được trên một bàn tay nhưng năm nào ông thầy này cũng đưa đội bóng lọt vào tốp ba chung cuộc.

ĐT.LA luôn được thừa nhận như là một đội bóng không phải mạnh nhất nhưng khó đánh bại nhất vì tính tập thể cực cao.

Ở đội tuyển Việt Nam cũng vậy, dù luôn nói Công Vinh là tiền đạo số một Việt Nam và bênh vực chân sút này trong mọi hoàn cảnh nhưng HLV Calisto không hề xây dựng một lối chơi riêng cho đội tuyển chỉ để phục vụ Công Vinh.

Không những thế, tiền đạo này còn phải hy sinh nhiều hơn vì đội bóng, mà bằng chứng là ngay ở trận bán kết lượt đi với Singapore, khi Công Vinh chấp nhận làm “chim mồi” để Việt Thắng chói sáng với những tình huống áp sát cầu môn dứt điểm.

Vậy làm sao để lý giải được nguyên nhân dẫn tới việc những đội bóng của HLV Calisto dẫn dắt thường chỉ đạt tới sự thăng hoa khi giải đấu bước vào giai đoạn quyết định?

Nếu thường xuyên theo dõi giáo án huấn luyện của HLV Calisto trong một thời gian dài thì mới thấy được phần nào lời giải đáp.

Không như phần lớn các HLV Việt Nam và cả những đời HLV ngoại trước đây như Alfred Riedl, Edson Tavares, Colin Murphy… thường chia chu trình huấn luyện ra làm hai giai đoạn là nhồi thể lực và tập chiến thuật, HLV Calisto luôn nhồi cả hai nội dung này vào chương trình tập luyện bằng cách cho các học trò thi đấu cọ xát với nhau liên tục.

Trong mỗi buổi tập, yêu cầu duy nhất của HLV Calisto là các cầu thủ phải thi đấu máu lửa như lúc đá thật và thông qua quá trình vận động liên tục với cường độ cao như vậy, nền tảng thể lực của các cầu thủ đã được nâng lên đáng kể cùng với quá trình thẩm thấu những chỉ đạo về mặt chiến thuật của ông thầy.

Về khía cạnh này, HLV Calisto có nét nào đó giống với Karl Heinz Weigang, bởi ông thầy người Đức cũng cho các tuyển thủ Việt Nam tập luyện bằng cách tung họ vào những trận thi đấu đối kháng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là HLV Weigang cho học trò thi đấu với quân xanh thực thụ còn HLV Calisto thì chỉ cho các cầu thủ chia đôi đội hình đá nội bộ với nhau.

Giải thích về điều này, HLV Calisto có nói rằng ông làm vậy để có thể dừng buổi tập bất cứ khi nào ông muốn nếu phát hiện thấy các học trò thực hiện chưa đúng ý đồ chiến thuật của mình, còn nếu là đá tập thật sự với các đội bóng khác thì sẽ không làm được điều đó.

Có thể nói, khác nhau về cách thức thực hiện nhưng về cơ bản phương pháp huấn luyện của HLV Calisto và HLV Weigang là giống nhau, bởi họ đều chú trọng vào việc cùng lúc nhồi thể lực và huấn luyện chiến thuật cho các cầu thủ thông qua thực tiễn thi đấu.

Vì sao?

Sẽ không dễ để tìm hiểu điều này nếu như không biết rằng sự nghiệp cầu thủ của HLV Calisto rất ngắn và rất… khiêm tốn.

Ngay từ năm 25 tuổi, tức là độ tuổi chín nhất của đời cầu thủ, ông Calisto đã có bằng HLV và phải chăng do xuất thân không phải là một cầu thủ ngôi sao, nên dù ở đội bóng nào HLV Calisto cũng hướng tới lối chơi tập thể chứ không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào.

Ai đó nói rằng mỗi tác phẩm văn học hay điện ảnh thường phản ánh tính cách và phong thái của chính tác giả nhưng có thể mở rộng phạm vi câu nói này cả sang lĩnh vực bóng đá, bởi nếu nhìn lại ĐT.LA trong năm mùa giải vừa qua với đội tuyển Việt Nam hiện nay thì thấy dấu ấn của HLV Calisto là cực kỳ rõ nét và giống nhau y hệt về lộ trình.

Chỉ hy vọng rằng, nếu như HLV Calisto đã gặt vàng hai lần với ĐT.LA ở giải VĐQG thì ông cũng sẽ làm được điều tương tự với đội tuyển Việt Nam ở AFF Suzuki Cup năm nay.

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà cả HLV Calisto lẫn HLV Weigang đều được coi là những ông thầy ngoại có khả năng ứng biến và đọc trận đấu tốt nhất trong các đời HLV ngoại từ trước tới nay.

Khi theo dõi đội tuyển Việt Nam tập luyện tại Mỹ Đình trong những ngày chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2008, không ít người đã bật cười vì thấy ở một số trường hợp, HLV Calisto yêu cầu hàng hậu vệ đứng yên để cho các cầu thủ tấn công thực hiện các pha phối hợp với nhau cho tới khi ông hài lòng mới thôi.

Lúc đó, ai cũng nghĩ rằng có lẽ HLV Calisto “lẩm cẩm” vì khi thi đấu thật sự, có hàng thủ nào lại chịu đứng yên như tượng để các tuyển thủ thoải mái dàn xếp tấn công như vậy.

Vậy nhưng cuối cùng HLV Calisto đã cho thấy là ông hoàn toàn đúng, khi chính HLV Avramovic thú nhận rằng ông biết rõ các cầu thủ Việt Nam sẽ đá như thế nào trong trận bán kết lượt đi nhưng vẫn phải bó tay chịu đựng trước những pha khoét biên liên tục.

Có lẽ do đã quá thuần thục với việc chuyền bóng, chạy chỗ và phối hợp với nhau khi tập luyện nên lúc bước vào thi đấu, các cầu thủ Việt Nam có thể làm được điều này với tốc độ cực cao, nên các cầu thủ Singapore dù biết cũng không thể ngăn chặn, vì những tình huống đó xảy ra quá nhanh và với tần suất liên tục không ngừng nghỉ.

Có một chi tiết đáng chú ý là khi Hội đồng HLV quốc gia lựa chọn danh sách ứng viên HLV trưởng đội tuyển Việt Nam để trình lên Thường trực VFF, HLV Calisto chỉ nhận được rất ít phiếu ủng hộ ở trong Hội đồng HLV và thậm chí có nhà chuyên môn còn chê các bài tập của HLV Calisto không hay và không phong phú bằng HLV Peter Withe.

Tuy nhiên, khi đó Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nhất quyết lựa chọn HLV Calisto và sau này, dù có lúc niềm tin mà ông Hỷ dành cho ông thầy người Bồ Đào Nha ít nhiều bị lung lay nhưng trận đấu ngày 17/12 vừa qua đã cho thấy ông Hỷ không nhìn lầm người.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.