Chuyện lạ bóng đá Việt Nam: Nộp tiền lên tuyển

Chuyện lạ bóng đá Việt Nam: Nộp tiền lên tuyển
TP - Dĩ nhiên không phải cầu thủ “chạy chọt” BHL để được suất lên tuyển, mà là chuyện cầu thủ Việt Thắng nộp phạt cho CLB Thanh Hoá gần 500 triệu đồng để được CLB xoá kỷ luật, dọn đường lên tuyển.

> ĐTQG chưa tập trung đã gặp trắc trở

Việt Thắng (giữa) được triệu tập lên ĐTQG sau khi chấp nhận nộp phạt cho CLB Thah Hoá. Ảnh: Tường Vũ
Việt Thắng (giữa) được triệu tập lên ĐTQG sau khi chấp nhận nộp phạt cho CLB Thah Hoá. Ảnh: Tường Vũ.

Chuyện cũng hơi hiếm trong làng bóng Việt, vì từ trước đến nay toàn là chuyện cầu thủ tìm mọi cách để không “phải” lên đội tuyển hoặc có lên thì cũng được rời đội tuyển chứ chưa có chuyện ngược lại.

Theo kế hoạch, ĐTQG sẽ tập trung tại Hà Nội vào ngày 4-9 và tập luyện tại Trung tâm đào tạo trẻ.

Ngày 9-9, toàn đội sẽ lên đường sang Kuala Lumpur để thi đấu trận giao hữu lượt đi gặp ĐT Malaysia vào ngày 11-9.

Tiếp đó, đội tuyển sẽ di chuyển sang Indonesia để đấu giao hữu với đội tuyển xứ Vạn đảo vào ngày 15-9.

Đình đám nhất là vụ đội trưởng Huy Hoàng xin rút lui vì chấn thương bàn chân và thủ môn Thế Anh xin được ở nhà vì lý do… con ốm dưới thời HLV Calisto.

Ngay cả Công Vinh cũng “tự nhiên” dính thẻ đỏ trước hai chuyến làm khách Trung Quốc hồi đầu năm 2009 và Lebanon đầu năm 2010 tại Asian Cup khiến nhiều người đặt ra câu hỏi đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Đến lượt thủ môn Hồng Sơn, với lý do chấn thương cũng từng tránh hành quân cùng tuyển Việt Nam sang Trung Quốc dự trận lượt đi vòng loại Asian Cup 2011.

Cũng năm đó nghi án Hồng Sơn mất hộ chiếu khiến người hâm mộ tỏ ra ngán ngẩm. Rồi trung vệ Quốc Anh trước SEA Games 26 dưới thời HLV Goetz cũng bỏ U23 QG. Năm ngoái, Việt Thắng cũng từng xin về CLB vì chấn thương.

Liên hệ lại với những câu chuyện “mất hộ chiếu” hay thậm chí có tuyển thủ từ chối lên tuyển dù được VFF gọi tập trung, có thể thấy một số tuyển thủ có suy nghĩ thực dụng: chỉ nhìn vào cái lợi mà đội tuyển mang lại chứ chưa thực sự khát khao cống hiến.

Giờ thì Việt Thắng nộp tiền để được lên tuyển. Dù có nộp bao nhiêu thì Việt Thắng vẫn là một cầu thủ thiếu kỷ luật và thiếu tính chuyên nghiệp.

Ai cũng biết rằng 2 vòng đấu cuối, Thanh Hóa đã trụ hạng và Việt Thắng không đá cũng không sao, nhưng không có nghĩa là anh tự ý ở nhà! Điều này đi ngược tính chuyên nghiệp trong bóng đá là luôn thi đấu hết mình.

Bóng đá Việt Nam luôn đứng trước khó khăn khi xác định tâm lý cho cầu thủ ở những tình huống đặc biệt trong những trận cuối mùa.

Ở cấp đội tuyển hay U23, đã nhiều lần người hâm mộ Việt Nam chứng kiến đội tuyển thua ở bán kết và tiếp tục thua một cách thảm hại ở trận tranh hạng ba mà SEA Games vừa qua là một ví dụ. Tất cả coi đó là một hiện tượng tâm lý bình thường.

Việc Việt Thắng, một người nhiều năm “ăn cơm tuyển” đã biết nhún nhường đúng lúc cũng là vì quyền lợi của chính mình! Nhưng lên tuyển với những vụ lùm xùm không đáng có, liệu Việt Thắng có nhận được sự tôn trọng của các đồng đội? Chuyện Việt Thắng có thể sẽ gây sức ép nhiều hơn và sẽ còn bị nhắc lại khi ĐTQG thi đấu.

Có quyền lợi thì lên tuyển, không có quyền lợi thì né tránh! “Chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam chính là cuộc chơi của những cầu thủ nghiệp dư lãnh lương cao” – nhận xét của chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh – từ nhiều năm qua vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG