Có một cách giải thích khác

Có một cách giải thích khác
TP - Cao Su Đồng Tháp (CS. ĐT) có thể đã cứu vãn PetroVietnam Gas V.League khỏi một mùa giải sớm tàn ở cuộc cạnh tranh đến chức vô địch bằng chiến thắng 2-0 trước SHB.ĐN trong trận đấu bù vòng 2 chiều qua.
Đà Nẵng và Hà Nội T&T sẽ dắt nhau về đích? Ảnh: VSI

Đà Nẵng và Hà Nội T&T sẽ dắt nhau về đích? Ảnh: VSI.

Thực tế, đội bóng của Lê Huỳnh Đức sẽ vô địch lượt đi sớm một vòng đấu nếu đả bại CS.ĐT tại Cao Lãnh. Khoảng cách giữa SHB.ĐN với 2 đội đứng sau, Hà Nội T&T và B.Bình Dương sẽ được nới rộng lên con số 5, và nhiều khả năng còn tăng lên khi đối thủ ở vòng đấu cuối cùng của họ chỉ là một Megastar Nam Định đang chôn chân ở đáy bảng xếp hạng.

Ở một mùa giải chưa cho thấy dấu hiệu của sự xuống sức, SHB.ĐN vẫn được đánh giá có thừa khả năng để bảo vệ thành công danh hiệu vô địch. Nếu họ muốn. Dĩ nhiên, ở góc độ của những người làm công tác tổ chức giải, đây là một kịch bản không mong muốn. V.League cần giữ được sức hút, từ đầu đến cuối giải.

Điều gì đã khiến SHB.ĐN gục ngã tại Cao Lãnh, trước một đối thủ đứng sau đến 7 bậc trên bảng xếp hạng? Có nhiều lý do giải thích cho thất bại của thầy trò Lê Huỳnh Đức.

Sân Cao Lãnh mùa này, và cũng như mùa giải trước đó, chưa bao giờ là điểm đến dễ chịu đối với các đội bóng. Chỉ riêng cái nắng của Đồng Tháp cũng đủ khiến Cao Lãnh như trở thành một lò thiêu, có thể “đốt cháy” bất cứ đối thủ nào. Sau 12 vòng đấu, người ta đã đếm được thất bại của không ít các “đại gia” tại đây, từ HA.GL, Hà Nội T&T hay The Vissai Ninh Bình… Gần nhất là B.Bình Dương, á quân mùa giải trước, khi để thua thầy trò HLV Phạm Công Lộc 3-4.

HLV Huỳnh Đức cũng có thể biện minh cho thất bại của mình, với việc không có được lực lượng mạnh nhất khi hành quân đến Cao Lãnh. Ngoài việc mất trung vệ Hải Lâm do án phạt cấm thi đấu 4 trận của VFF, đội bóng sông Hàn còn thiếu cả tiền vệ Nguyễn Rogerio vì chấn thương. Như Lê Huỳnh Đức thì, SHB.ĐN đã mất tới 30% sức mạnh.

Đấy là chưa kể, mật độ thi đấu dày đặc do phải dàn sức ở cả đấu trường AFC Cup cũng khiến SHB.ĐN ít nhiều bị hao tổn. Không thua mới lạ.

Nhưng, cũng có một cách lý giải khác, thuyết phục được không ít người.

Chỉ sau nửa vòng quay của lượt đi, người ta đã bắt đầu phải nhắc đến một kịch bản, ở đó SHB.ĐN là “kẻ dọn đường” để “người anh em” Hà Nội T&T thẳng tiến. Trong một năm đánh dấu kỷ niệm Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, cái đích của đội bóng thủ đô không ngoài chức vô địch vào cuối mùa giải. Lý lẽ trên có vẻ như hoàn toàn “tương thích” với thực tế V.League lượt đi, khi hai đội bóng cùng uống chung một bầu sữa thay nhau dẫn đầu bảng xếp hạng.

Ở đây, lại phải nói thêm, Hà Nội T&T đã có những chiến thắng được đánh giá là đầy may mắn trước các đối thủ mạnh, dù theo kiểu này hay kiểu khác. Bất chấp một thực tế, lực lượng của Hà Nội T&T không mấy thay đổi so với mùa trước, nếu không muốn nói, chưa được xếp vào tốp 3, nếu đặt cạnh SHB.ĐN, B.Bình Dương hay XM.HP. Và đấy là cơ sở để những dự đoán, kiểu SHB.ĐN sẽ “buông” ở thời điểm thích hợp, để Hà Nội T&T vươn lên, lan tràn.

Thực ra, cũng đã có những chờ đợi, rằng V.League sẽ tìm được “đối trọng” để kìm chân hai đội bóng của “bầu” Hiển. Chính là B.Bình Dương. Nhưng, B.Bình Dương ở mùa này đã không còn hội tụ đủ sức mạnh đã từng giúp họ “làm mưa làm gió” như cách đây hai mùa giải.

B.Bình Dương đã từng vươn lên đầu bảng, nhưng để rồi lại rơi xuống vị trí thứ 3. Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng, phần còn lại của V.League sẽ “liên hợp” lại với nhau, để hỗ trợ B.Bình Dương. Như một phản ứng tự nhiên. Lịch sử cũng hiếm khi ghi nhận thành công nào từ kiểu liên minh này, số đông chống lại cá nhân mang tham vọng.

Thất bại trước CS.ĐT của SHB.ĐN, nếu giải thích ở góc độ này, có thể hiểu như một cách đi bộ để chờ, đề phòng khi “quá trớn”.

MỚI - NÓNG