Có một võ sư Aikido như thế...

Võ sư Mai (thứ 3 từ phải sang) đưa 12 võ sinh đi thi môn đẩy gậy toàn quốc, các em mang về 12 huy chương vàng.
Võ sư Mai (thứ 3 từ phải sang) đưa 12 võ sinh đi thi môn đẩy gậy toàn quốc, các em mang về 12 huy chương vàng.
TP - Qua những tháng ngày mưu sinh khắc nghiệt, Lê Hoàng Mai (SN 1975) đã có lúc lầm đường lạc lối dấn thân vào chốn giang hồ. Thương mẹ khóc cạn nước mắt, anh quyết tâm trở về cõi thiện. Giờ anh đang sở hữu hàng loạt lò võ Aikido ở TPHCM, giảng dạy miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn. Hai năm liền, anh được UBND TPHCM tuyên dương danh hiệu “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào Thi đua yêu nước TPHCM. Các học viên của võ sư Mai mang về hàng chục huy chương vàng Quốc gia.

Qua tiếp xúc, nhiều lần võ sư Mai nói: “Quá khứ qua rồi, tôi chỉ muốn hướng về tương lai”.

Luyện võ, rèn người

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Trưởng bộ môn Aikido nhà văn hóa quận Tân Bình, là rất... ngầu. Nhưng qua vài lời xã giao người đối diện lập tức bị anh cuốn hút bởi câu chuyện của anh đều được kể từ một tấm lòng chân thành hướng thiện. Võ sư Mai cho biết, mình thành lập CLB từ thiện mang tên Aikido Meidokan năm 2007 để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vạn sự khởi đầu nan, rồi sau đó mọi việc thuận lợi khi cả phụ huynh lẫn học trò tìm đến học võ với tâm lý trang bị cho mình  tâm thế để tự vệ trong bối cảnh trấn, cướp bùng phát.

Rồi, qua tiếp xúc, nhiều người bỗng “à” lên vì cái triết lý học võ để… né  bạo lực của võ sư Mai. Những học trò của anh theo anh học võ nhiều năm lên đến đẳng cấp cao thủ đều nằm lòng một triết lý ấy. Nếu bị đẩy đến đường cùng hoặc gặp trường hợp bất khả kháng thì tự vệ bảo toàn tính mạng. Nếu có thể được, nên tránh đối kháng là tốt nhất cho mình, cho người.

Các lò võ của võ sư Mai, cứ thế lan tỏa từ Nhà văn hóa quận Phú Nhuận đến Tân Bình, Cung văn hóa Lao Động, quận 3, Tân Phú… rồi “bành trướng” đến các trường trung học và đại học cùng các khu công nghiệp, khu chế xuất... Có được nhiều môn sinh, võ sư Mai nghĩ ngay đến việc mở các lớp võ dành cho trẻ em nghèo, trẻ khuyết tật. Ngoài những món quà miễn phí và đồ dùng học tập thường xuyên dành tặng cho học trò nghèo, trẻ mồ côi, gia đình chính sách… CLB Aikido của anh còn quyên góp áo ấm, mùng mền để tặng những người vô gia cư.

Một lần anh đang ăn trưa, có một bé trai liệt hai chân lết tới bán vé số. Cơ thể em yếu ớt như sắp xỉu. Anh nghĩ, nếu được luyện tập Aikido thì sức khỏe em sẽ được cải thiện. Anh thuyết phục và em ấy đồng ý theo anh về võ đường. Với trẻ em phải lang thang kiếm sống, anh thừa hiểu điều gì đang chờ đợi. Cạm bẫy, tệ nạn rình rập. Làm sao để các em không bị sa ngã, khốn khổ như mình ngày xưa? Câu hỏi đó thôi thúc anh tận tâm với các em có hoàn cảnh kém may mắn.

Có những năm quản lý sân tập không đồng ý cho người khuyết tật tiếp tục học miễn phí. Thấy học trò của mình lầm lũi đi về, anh trích tiền lương ra thuê sân và đưa các em trở lại luyện tập thể lực với giáo trình mà anh nghiên cứu để áp dụng cho từng dạng khuyết tật. Hiện võ sư Mai còn dạy võ tự vệ miễn phí cho hàng ngàn công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, học sinh, sinh viên nghèo, công nhân vệ sinh môi trường, dân quân tự vệ, “hiệp sĩ đường phố” ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Hơn 20 năm, rất nhiều người khuyết tật được võ sư Mai trực tiếp dìu từng bước đi từng đòn thế. Kinh nghiệm của anh là: “Phải đặt mình vào họ, họ mất cảm giác ở chân thì mình trói chân vào, họ bị khuyết tật mắt thì bịt mắt lại… để thử và tìm ra động tác luyện tập phù hợp”.

Có một võ sư Aikido như thế... ảnh 1 Võ sư Lê Hoàng Mai (phải) hướng dẫn tư thế bị đối phương nắm tóc.

Vang danh với môn đẩy gậy, kéo co

Không chỉ thành danh với võ Aikido, khi môn đẩy gậy, kéo co dân gian trở thành một môn thi đấu thể thao thì võ sư Mai cũng là một trong những người đầu tiên ở TPHCM nghiền ngẫm, tìm tòi để khám phá, sáng tạo ra những “bí kíp” để rồi anh trở thành một huấn luyện viên hàng đầu ở hai môn này. Võ sư Mai tiết lộ: “Đây là hai môn thi đấu, thoạt nhìn ai cũng tưởng phải dùng hết sức để thắng đối phương. Nhưng tôi dạy các em một triết lý thi đấu khác hẳn. Đó là để địch thủ tự thua, hạn chế sức tối đa cho mình. Cái cơ bản nhất tôi dạy các em đó là thiền định và khí công”. Võ sư Mai lý giải thêm, khi bắt đầu học môn này, tôi dạy các em về điều hòa hơi thở để làm chủ, tự tin.

Khi bước vào thi đấu thì thiền định để tâm trí mình thật thảnh thơi, thả lỏng trí óc đến mức tối đa, nhu hòa cao nhất có thể. Lúc đó, cơ thể con người sẽ vô cùng vững vàng và trong trẻo, không còn ăn thua, thắng bại. Lúc đó cả cơ thể mình sẽ vững như bàn thạch. Có lẽ vì vậy mà vận động viên các hạng cân, các lứa tuổi xuất thân từ lò của võ sư Mai được nhiều người biết đến. Thành danh ở hai môn thể thao này khiến cho cuộc sống của võ sư Mai thêm bận rộn. Hằng tháng, Võ sư Mai phải xuôi ngược Bắc-Nam, “chạy sô” liên tục ở các tỉnh thành để tập huấn cho các đội tuyển đẩy gậy, kéo co. Nhiều trường phổ thông cấp 2, cấp 3 yêu thích môn này cũng mời anh về huấn luyện.

Thành tích gần đây nhất là anh dẫn dắt đội tuyển học sinh phổ thông  TPHCM gồm 12 thành viên, tham gia Hội khỏe Phù Đổng mùa hè vừa qua. Cả 12 thành viên đều tham gia 12 hạng mục, hạng cân thi đấu và mang về trọn bộ 12 huy chương vàng. “Chiến công” này khiến Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM quyết định đầu tư mạnh cho hai môn này và võ sư Mai trở thành huấn luyện viên.

Có một võ sư Aikido như thế... ảnh 2 Giúp các “hiệp sỹ” Bình Dương các thế võ khống chế tội phạm nhanh gọn.

Võ học của sự bao dung, hướng thiện

Anh Nguyễn Thanh Hải, thủ lĩnh “hiệp sĩ” Bình Dương tâm sự: “Trước đây chúng tôi thường khống chế những tên cướp bằng phản xạ tự nhiên là chính nên hay bị thương vì bị đánh trả. Nhờ thầy Mai dạy kỹ năng tự vệ nên chúng tôi tự tin hơn khi ra tay ngăn chặn kẻ gian. Thầy luôn lắng nghe chúng tôi thuật lại những tình huống mình thường gặp phải khi bị cướp đánh trả hoặc tấn công để soạn riêng giáo án đối phó, nên rất thiết thực và hiệu quả”. Dạy võ với triết lý “Học võ để yêu thương, tự vệ để tránh xung đột”, võ sư Mai muốn truyền, trao gửi cho các môn sinh của mình cái tâm thế làm người với tất cả sự bao dung và hướng thiện.

“Có được hai điều này, con người sẽ dần toàn mỹ hơn với bản thân, luôn có hướng giúp mình, giúp người và sống có ích cho gia đình, xã hội. Đó là cái chân thiện mỹ của võ học”, võ sư Mai đúc kết. Em Hồng Huy Tỷ, Bùi Bảo Thy, Mai Quang Thuận, Anh Danh là một trong những võ sinh có hoàn cảnh đặc biệt của CLB. Nheo mắt, nhìn không định hướng, em Tỷ nói: “Em bị chèn dây thần kinh. Từ khi vừa mới lọt lòng mẹ em bị mù 1 mắt, mắt còn lại chỉ nhìn được trong khoảng cách 1 mét nhưng ngày càng mờ dần. Bác sỹ nói mắt em có thể mù trong tương lai. Em chỉ có các võ sinh của lớp Aikido làm bạn. Nhờ thầy động viên giúp đỡ tạo điều kiện nên em hòa nhập với mọi người, em vui lắm”. Bao hoàn cảnh như câu chuyện cuộc đời trong lò võ của thầy Mai thấm đẫm nhân văn, nhân bản.

Võ Thùy Khanh, bác sỹ bệnh viện Ung Bướu TPHCM, hiện mang đai tam đẳng, vui vẻ khoe: “Em được thầy tạo điều kiện đứng lớp giảng dạy, mỗi tháng có thêm thu nhập trang trải cho một bạn vừa mới ra trường. Điều đặc biệt Aikido là môn võ không có sự cạnh tranh thắng thua với người khác, môn võ này rất coi trọng chữ “ái”, tức là lòng yêu thương của con người đối với vạn vật. Con người, mà cụ thể là võ sinh lấy tình thương làm nguồn cội, loại bỏ mọi thù hận nên em rất thích”.

Điều đặc biệt Aikido là môn võ không có sự cạnh tranh thắng thua với người khác, môn võ này rất coi trọng chữ “ái”, tức là lòng yêu thương của con người đối với vạn vật. Con người, mà cụ thể là võ sinh lấy tình thương làm nguồn cội, loại bỏ mọi thù hận nên em rất thích”.    

 Võ Thùy Khanh

 

Những hoạt động vì mọi người, vì cộng đồng không biết mệt mỏi của mình hơn 20 năm qua, cuối năm 2016, võ sư Lê Hoàng Mai vinh dự được UBND TPHCM tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, trong phong trào Thi đua yêu nước TPHCM lần hai.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.