Cờ vua ở SEA Games 27: Khó khăn nhưng không nản chí

Cờ vua ở SEA Games 27: Khó khăn nhưng không nản chí
TP - Hiện kỳ thủ số 1 Việt Nam - đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm đang du học tại Đại học Webster (Mỹ), còn đương kim vô địch quốc gia - kiện tướng quốc tế Nguyễn Thị Mai Hưng cũng sang Hungary tập huấn dài hạn.

> Quang Liêm lên hạng 34 thế giới
> Mai Hưng, Kim Phụng tranh giải VĐ cờ vua U20 thế giới

Khả năng Quang Liêm lẫn Mai Hưng có về để góp mặt ở SEA Games 27 vào tháng 12 tới hay không vẫn là một dấu hỏi.

Sau World Cup cờ vua, Lê Quang Liêm di chuyển thẳng từ Na Uy sang Mỹ để du học tại Đại học Webster và anh khẳng định sẽ không tham dự SEA Games vào cuối năm nay. Quang Liêm cho biết: “Quãng thời gian tham dự SEA Games diễn ra trùng với thời gian thi học kỳ tại Mỹ nên có lẽ tôi không về được”.

Còn tân vô địch giải hạng Nhất quốc gia 2013 nội dung cờ tiêu chuẩn Nguyễn Thị Mai Hưng đã chính thức giành một suất trong đội tuyển cờ vua Việt Nam tham dự SEA Games 27 cuối năm nay nhờ thành tích thi đấu xuất sắc. Trong năm 2013, cô giành HC đồng giải U20 châu Á, trước khi trở lại đấu trường trong nước và giành ngôi vô địch ở giải hạng Nhất. Nhưng với việc tập huấn dài hạn ở Hungary, liệu Mai Hưng sẽ dự SEA Games?

Trong lịch sử tham dự SEA Games trong 10 năm trở lại đây, đội tuyển cờ vua Việt Nam luôn giành chiến thắng vang dội. Gần đây nhất, tại SEA Games 26 năm 2011, cờ vua Việt Nam đã vô địch toàn đoàn với 8HC vàng.

Nhưng khó khăn lớn nhất tại kỳ SEA Games 27 của cờ vua Việt Nam là ở nội dung và thể thức thi đấu. Tại SEA Games tổ chức trên sân nhà, Myanmar cũng muốn đứng trong tốp đầu, nên một số nội dung thi đấu cờ Vua đã được thay đổi, sắp xếp lại nhằm có lợi cho họ.

Trong số 18 bộ huy chương của môn cờ sắp diễn ra ở Myanmar, chỉ có 7 nội dung liên quan đến cờ vua. Đó là cờ nhanh, cờ chớp nhoáng (nam, nữ), cờ 960, cờ trao đổi (đôi nam, đôi nữ). “Cờ 960” có nước đi như cờ vua, nhưng việc sắp xếp các quân cờ không được rõ ràng mà tùy thuộc vào 2 kỳ thủ. Hoặc “cờ trao đổi” thì đánh theo đôi nam, đôi nữ, và trong mỗi đôi có người cầm quân đen, người cầm quân trắng. Kỳ thủ ăn quân cờ đối phương có thể trao lại cho đồng đội của mình.

Ngoài 7 nội dung vừa nêu, môn cờ ở SEA Games 27 còn có cờ truyền thống Myanmar, và cờ Đông Nam Á (từng được đưa vào chương trình thi đấu ở SEA Games 26) với 11 bộ huy chương.

Dù vậy, hiện các kỳ thủ Việt Nam đang tập huấn tại Trung tâm HLTTQG TPHCM (Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Đào Thiên Hải, Phạm Lê Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Thanh An, Hoàng Thị Bảo Trâm…) vẫn thường xuyên ôn luyện đầy đủ 18 nội dung.

Việt Nam lại nổi trội hơn các nước Đông Nam Á ở cờ vua khi sở hữu những kỳ thủ đạt tới trình độ thế giới. Nếu như Philippines, đối thủ số 1 của Việt Nam ở môn cờ Vua, thực hiện đúng theo lời tuyên bố không dự môn thể thao trí tuệ thì ắt ưu thế của Việt Nam trong tầm tay. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam tại SEA Games 27, bất chấp việc nước chủ nhà SEA Games 27 Myanmar đã đưa thêm một số nội dung cờ truyền thống quốc gia này vào đại hội.

Cờ là một trong những môn thể thao được lãnh đạo Tổng cục TDTT kỳ vọng. Hiện nay, số lượng nội dung môn cờ mà Việt Nam sẽ tham gia tại Myanmar vẫn còn đang cân nhắc.

Trao đổi với chúng tôi, HLV ĐT cờ vua QG Lâm Minh Châu cho biết: “Tại Myanmar năm nay, tuy sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thế, nhưng cờ vua Việt Nam vẫn quyết tâm đạt thành tích tốt ở 7 nội dung nêu trên”. Với thực lực của cờ vua Việt Nam, đội tuyển quốc gia dự báo tuy có khó khăn nhưng sẽ gặt hái nhiều chiến tích trên đất Myanmar.

Khó khăn lớn nhất tại kỳ SEA Games 27 của cờ vua Việt Nam là ở nội dung và thể thức thi đấu. Tại SEA Games tổ chức trên sân nhà, Myanmar cũng muốn đứng trong tốp đầu, nên một số nội dung thi đấu cờ Vua đã được thay đổi, sắp xếp lại nhằm có lợi cho họ.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG