Cơn sốt mang tên vũ điệu Samba

Cơn sốt mang tên vũ điệu Samba
TP - Olympic Brazil đến Việt Nam du đấu! Chưa bao giờ các fan túc cầu Việt Nam tiến gần sát với cơ hội chiêm ngưỡng những vũ công Samba thượng thặng bay lượn, biểu diễn trên sân Mỹ Đình như vậy.
Cơn sốt mang tên vũ điệu Samba ảnh 1

“Hàng khủng”, anh ở đâu?

Ở khu vực Đông Nam Á, trước khi Singapore nổi lên với 2 lần xưng vương tại AFF Cup, bóng đá Việt Nam luôn coi người Thái là đối thủ số 1.

Nỗi hiềm tỵ ấy không chỉ đơn giản ở việc, Thái Lan là vật ngáng đường khó chịu và thường xuyên chiến thắng mỗi khi Việt Nam gần chạm đến cửa “thiên đường” - ngôi vô địch Đông Nam Á.

Thực tế người Thái luôn có cách để bóng đá Việt Nam lác mắt. Bởi như một nghệ sĩ xiếc tung hứng tài tình, người Thái biết cách tiếp cận, xử lý để đến rất gần với đỉnh cao của bóng đá thế giới.

Chưa nói đến chuyện “Man xanh” nằm trong tay của tỷ phú Thaksin, chỉ cần cái nháy mắt, gật đầu của ông tỷ phú là phải đến Thái Lan trình diễn, khoe hàng với “mẫu quốc” thì một loạt “hàng khủng” danh tiếng đã từng chọn xứ chùa Vàng làm điểm đến.

Real Madrid, Arsenal, Bayern Munich… đều đã đưa “gánh xiếc” của họ đến Thái Lan, dù đấy là thời điểm cát-sê bay “show” của họ, chỉ cần nghĩ tới đã chóng mặt.

Dĩ nhiên, mỗi lần fan Thái trẩy hội như thế, fan Việt chỉ còn biết nuốt nước miếng mà than thở: “Hàng khủng”, anh trốn biệt nơi đâu?

Nếu tính vào khả năng đi tắt, đón đầu, lẽ ra bóng đá Việt Nam mới là điểm đến ưa thích đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á của các đội bóng lớn.

Năm 1997, “Bà đầm già” thành Turin - khi ấy vừa vô địch Champions League - đột ngột chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến du đấu châu Á. Sự xuất hiện của Juventus vào thời điểm ấy làm các đối thủ trong khu vực nóng mặt, bởi dễ gì mời một đội bóng hàng “hot” như vậy đến du đấu.

Vấn đề là bóng đá Việt Nam đã đi trước, về sau. Kể từ chuyến du đấu của Juventus, Việt Nam đã chìm vào màn sương bí ẩn, khước từ hết tất cả các món hàng khủng mỗi khi họ đem quân đến châu Á du đấu.

“Lớt phớt” trong 10 năm qua là những đội bóng thế hệ F1, F2 của Ajax, Porto hay Barcelona. Fan Việt buộc phải tự bằng lòng với hoàn cảnh “liệu cơm gắp mắm” như vậy, nhưng vẫn đau đáu một giấc mộng được chứng kiến tận mắt món “hàng khủng” biểu diễn tại Mỹ Đình.

Cơn sốt mang tên vũ điệu Samba ảnh 2
Lucas ăn mừng cùng đồng đội

Cơn sốt vũ điệu Samba

Trước khi Olympic Brazil của Ro “vẩu”, Robinho, Pato… đánh tiếng muốn “transit” tại Việt Nam rồi bay sang Trung Quốc dự Olympic Bắc Kinh 2008, các fan Việt Nam đã có phen khấp khởi hy vọng trước cơ hội nhận được cái gật đầu từ Quỷ đỏ thành Manchester.

Tuy nhiên, cuộc thương thảo với MU qua bàn tay dàn xếp của “bà đỡ” BIDV chưa có tín hiệu khả quan và nếu có, Quỷ đỏ cũng chỉ có thể bay show đến Việt Nam trước mùa bóng 2009-2010.

Cơn sốt “hàng khủng” đã được hâm nóng nhẹ nhàng, vì thế, ngay khi các hậu duệ của đội bóng 5 lần vô địch thế giới bắn tiếng, lập tức bóng đá Việt Nam lên cơn sốt hầm hập.

Cái “phao” bất ngờ được tung ra vào thời khắc khó khăn nhất bao giờ trở nên quý hiếm. Tất nhiên, cái “phao” ấy cũng chẳng phải là hàng “cho không, biếu không” mà nó có giá trị xấp xỉ 10 tỷ đồng (chi phí dự tính của VFF để mời và tổ chức trận cầu với Olympic Brazil).

Hãy thử làm một phép tính: đội tuyển Việt Nam - món hàng đắt giá nhất của VFF - trong 2 năm qua mới kiếm được chưa đầy 5 tỷ đồng tài trợ từ 3 nhà tài trợ Tôn Hoa Sen, Yamaha và Lining.

Thế nhưng, để hiện thực hóa việc mời các vũ công Samba đến trình diễn tại Mỹ Đình, VFF chấp nhận vô điều kiện bỏ ra gấp đôi số tiền tuyển Việt Nam kiếm được mỗi năm chỉ để “mua vui” trong gần 2 tiếng. Đấy thực sự quyết định táo bạo có đôi chút “liều” của VFF.

Dẫu vậy, nếu tính thời gian mòn mỏi chờ đợi sự xuất hiện đúng nghĩa “hàng khủng” sau hơn 10 năm kể từ ngày Juventus đến Việt Nam thì cái giá mời mọc Olympic Brazil không phải đắt.

Chính VFF cũng tự hiểu rằng, nếu bỏ lỡ cơ hội ấy thì sau này, dù có trong tay cả… 10 triệu USD, chưa chắc họ đã mời được đội bóng gồm toàn các cầu thủ siêu hạng như Olympic Brazil hiện tại đến du đấu với đội tuyển có trình độ không bằng đội bóng tiểu bang của đất nước Nam Mỹ này.

Hơn thế nữa, đón được Olympic Brazil còn là cơ hội vãn hồi danh tiếng cho VFF khóa V này, sau khi họ đã không ít lần buộc khán giả ngậm đắng nuốt cay chứng kiến những món hàng “dỏm” như Olympic Bahrain hay U23 Zimbabuwe.

Cơn sốt mang tên vũ điệu Samba ảnh 3
Alexandre Pato

Đoạn kết có hậu

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ví von, có trong tay cơ hội mời Olympic Brazil đến thi đấu tại Việt Nam giống như chuyện “ngàn năm có một”. Ông Hỷ có lẽ đã quá lời, nhưng thực tế, cơ hội ấy xuất hiện giống như từ… trên trời rơi xuống.

Ắt hẳn VFF cũng dại gì không mạo hiểm. Trên thực tế, khi đưa ra dự toán gần 10 tỷ đồng để mời và tổ chức trận cầu với Olympic Brazil (vào ngày 1/8) VFF đã tính phương án lấy nguồn thu từ bán vé để bù lại khoản chi.

Theo tính toán, chỉ cần bán 80% số ghế trên sân Mỹ Đình, VFF đã hòa vốn và nếu bán đủ 100% vé ở sân đấu có gần 4,5 vạn chỗ ngồi này, VFF sẽ dư lãi.

Cơn sốt mang tên vũ điệu Samba ảnh 4
Rafael Sobis

Bài toán này tất nhiên phải do các fan bóng đá Việt Nam cho đáp số. Người ta thấy, VFF đã dự tính giá vé tương đối “khủng” đối với một trận bóng đá ở Việt Nam.

Song, so sánh khập khiễng với một show ca nhạc trung bình khá ở thời điểm này, cũng như tính đến sức hút của Ro “vẩu”, Robinho, Pato, Diego… thì mức giá ấy không phải đắt. Vì vậy, khả năng lấp kín khán đài sân Mỹ Đình là trong tầm tay, thậm chí không muốn nói là chắc chắn bị lấp kín.

Vấn đề là một khi Olympic Brazil xuất hiện để trình diễn, thi đấu cọ xát tại Việt Nam, cơn khát “hàng khủng” kéo dài đằng đẵng hơn 10 năm qua sẽ khép lại.

Phần lời về tinh thần ấy là vô giá, nhất là khi sự khủng hoảng niềm tin với VFF và bóng đá Việt Nam đang rất nặng nề, với đủ lời chê trách về sự thụ động, yếu kém của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam.

Đoạn kết có hậu ấy đã vượt trên khuôn khổ một trận cầu mang nặng tính biểu diễn…

MỚI - NÓNG