Cuộc chơi của “nhà bầu Hiển”

Cuộc chơi của “nhà bầu Hiển”
Tất nhiên, bầu Hiển vẫn không thừa nhận đội SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T đều do mình làm ông bầu, còn VPF lẫn người hâm mộ thì vẫn khăng khăng hai đội bóng ấy đều của “nhà bầu Hiển”.

Hồi đầu mùa giải, khi bầu Kiên đại diện cho VPF khẳng khái nói VFF không xử lý được chuyện hai đội bóng một ông bầu chứ phải vào tay ông thì 30 giây. Rốt cục, V-League 2012 vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh bầu Hiển vui mừng, hạnh phúc cùng cả đội bóng sông Hàn lẫn Hà Nội khi chứng kiến lượt đi Đà Nẵng thua trước Hà Nội T&T và lượt về thắng lại “như dự đoán”. Giới bóng đá tiếp tục được quyền ca cẩm về chuyện hai đánh một, về chuyện tranh chấp chức vô địch V-League gần như chỉ còn là cuộc chơi riêng của nhà bầu Hiển.

Nhưng, ngoài chuyện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể rằng hai đội bóng của bầu Hiển nương nhau về đích, có một sự thật rằng, hai đội bóng Đà Nẵng và Hà Nội T&T mùa này xứng đáng ở ngôi đầu, còn bởi vì thực lực và sự ổn định của họ. Chính bầu Kiên khi quyết định xây dựng nên hình hài của VPF cũng đã muốn lật đổ thế lực của bầu Hiển ở V-League. Sau nhiều năm chi tiền nhỏ giọt, mùa 2012 bầu Kiên đã chi đậm giữ chân các cầu thủ có chất lượng từ Hoà Phát chuyển về, thu nạp luôn cả Công Vinh bằng cách ra giá cao hơn. Nhưng, cho dù như thế thì Hà Nội “mới” của bầu Kiên vẫn chẳng thể đọ được với Hà Nội “cũ” lẫn Đà Nẵng của bầu Hiển, trên bảng xếp hạng lẫn những lần đối đầu với nhau.

Ngoài Hà Nội, Bình Dương, Sài Gòn Xuân Thành rồi thậm chí là Hoàng Anh Gia Lai cũng mang trong mình sự khát khao bước lên ngôi đầu mùa này. Nhưng rồi vì “thời thế, thế thời phải thế”, lần lượt phải chấp nhận nhường bước. Bình Dương, HA.GL vì bất ổn nội bộ đến độ phải thay huấn luyện viên đã khiến họ chậm nhịp. Sài Gòn Xuân Thành, đội bóng mà nửa đầu mùa giải có tên là Sài Gòn FC cũng hụt hơi. Khác với sự hụt hơi của Bình Dương hay Hoàng Anh Gia Lai, sự chậm lại của Sài Gòn Xuân Thành trên bảng xếp hạng được lý giải theo một cách khác. Đó là vì họ muốn thế chứ với thực lực của Sài Gòn FC, e rằng cả Hà Nội T&T lẫn Đà Nẵng đều khó mà bì. Cái cách họ thua dễ Khánh Hoà ở lượt đi, hoà nhàn nhã trong lượt về, hay đá như giao hữu với Thanh Hoá trên sân khách, đã để lại những câu hỏi không lời đáp. Có chăng chỉ là việc dằn mặt bằng những thông tin về chuyện Tấn Trường, Đình Luật bị cảnh cáo vì chơi dưới phong độ. Điều mà người ta vẫn gọi là nghi vấn có tiêu cực.

Cộng với việc sa sút của các đội bóng được coi là “đại gia”, những đội bóng có chất lượng như Nghệ An hay Ninh Bình cũng chập chờn khi mờ khi tỏ, đã giúp cho cả Hà Nội T&T lẫn Đà Nẵng không có gì phải ngại, nhất là khi mục tiêu ngay từ đầu giải của hai đội bóng này đều được bầu Hiển giao là “phải vô địch”.

Sự ổn định về mặt nhân lực khi Đà Nẵng xây trên cái nền đào tạo trẻ có sẵn còn Hà Nội T&T luôn tìm cách giữ chân các cầu thủ chơi cho họ từ bốn đến sáu mùa bóng, cùng với việc huấn luyện viên Phan Thanh Hùng và Lê Huỳnh Đức được bảo đảm về quyền lực đã tạo nên sự khác biệt so với nhiều đội bóng còn lại ở V-League.

Đà Nẵng hay Hà Nội T&T mùa này vô địch đều đáng, chỉ có điều người ta đang tự hỏi liệu bầu Hiển thích đội nào vô địch hơn. Hỏi vậy bởi nhiều đã có nhiều lời tâm sự từ giới cầu thủ rằng, “hình như chú Hiển thích Hà Nội vô địch hơn”. Nếu sở thích ấy ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cuối cùng, thì cái sự sạch của V-League hoá ra cũng chỉ mang tính tương đối mà thôi, kiểu như “thôi thì gạn đục khơi trong” ấy mà.

Theo Tất Đạt
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG