Kết thúc vòng đấu bảng CAN 2006:

Cuộc phục thù ngọt ngào ở xứ kim tự tháp

Cuộc phục thù ngọt ngào ở xứ kim tự tháp
TPO - Vòng đấu bảng gồm 16 đội chia làm 4 bảng giải vô địch châu Phi CAN 2006 đã khép lại bằng những chiến thắng đầy quyết tâm của các đội bóng lớn vốn thống trị châu lục.
Cuộc phục thù ngọt ngào ở xứ kim tự tháp ảnh 1
Người hùng Guinea - Pascal Feindouno (phải) làm nên bất ngờ lớn vòng đá bảng, lập hattrick trong trận Guinea đè bẹp đương kim vô địch Tunisia 3-0.

Sư tử Cameroon cất tiếng gầm dữ dội và đại bàng xanh Nigeria kiêu hãnh tung cánh trên đất Ai Cập để tái lập trật tự trong làng bóng đá lục địa Đen.

Cameroon và Nigeria đường bệ tiến vào tứ kết trong khi phong độ nghèo nàn của Togo và Angola, hai đội bóng sắp lần đầu tiên dự VCK World Cup mùa hè tới, khiến người ta phải hoài nghi về đẳng cấp thực sự của họ.

Togo và Angola sớm rớt đài ngay sau vòng bảng, có vẻ như người ta đã hơi vội vàng khi nhận định về một cuộc lật đổ mạnh mẽ ở châu Phi (sau khi các đội bóng hùng mạnh Cameroon, Nigeria và Senegal thất bại nặng nề ở vòng loại World Cup 2006).

“Kẻ hủy diệt” Eto’o

Chiến thắng thuyết phục của Cameroon và Nigeria trong lượt đấu chót vòng bảng CAN 2006 khiến cho nhiều người thêm nuối tiếc bởi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mùa hè này sẽ thiếu vắng các danh thủ như Samuel Eto’o, Geremi (Cameroon) hay tài năng trẻ đầy triển vọng mới 18 tuổi John Obi Mikel của Nigeria.

Đây chính là hai đội tuyển đã phô diễn lối chơi hấp dẫn nhất ở CAN 2006 sau vòng đấu bảng. Thất bại 0-3 của đương kim vô địch Tunisia trước Guinea được xem là bất ngờ lớn nhất lượt đấu chót, nhưng kết quả này không có gì lạ bởi HLV Roger Lemerre chỉ tung một đội hình dự bị vào sân khi Tunisia đã chắc chắn có vé vào tứ kết ở bảng C.

Tuy nhiên, kết quả này đã dẫn tới một trận được coi là chung kết sớm giữa đương kim vô địch Tunisia với đại bàng xanh Nigeria. Đây sẽ là cuộc đọ sức nảy lửa nhất vòng tứ kết.

Sự hiện diện của Guinea ở vòng tứ kết là một bất ngờ thú vị, nhất là khi họ chiếm ngôi đầu bảng và khán giả Ai Cập đã phải ngất ngây trước những màn trình diễn của tiền vệ nhạc trưởng Pascal Feindouno, người ghi cả 3 bàn trong trận hạ Tunisia.

Đội tuyển Guinea có thể tự hào với Feindouno nhưng tiền đạo đang khoác áo Barcelona Samuel Eto’o mới là ngôi sao đích thực của CAN 2006. Dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với 5 bàn thắng, bản năng ghi bàn “hủy diệt” của Eto’o góp công lớn đưa Cameroon chiếm ngôi đầu bảng B với 3 trận toàn thắng.

Tiền đạo này đang cùng đồng đội đền đáp xứng đáng cho người hâm mộ Cameroon sau khi họ mất vé dự VCK World Cup 2006. Anh đã ghi một bàn thắng chắc chắn sẽ là một trong những bàn thắng đẹp nhất giải - một cú sút xuất thần từ ngoài vòng cấm địa trong cú hat-trick vào lưới Angola.

Pha kiến tạo ngoạn mục nhất cũng thuộc về Eto’o khi anh có đường tỉa bóng khéo léo để đồng đội Albert Meyong Ze thực hiện cú đánh gót điệu nghệ đưa bóng vào lưới đội tuyển Togo.

Mikel cất cánh

Tài năng trẻ Mikel, tâm điểm của cuộc tranh chấp quyết liệt giữa Manchester United và Chelsea hồi năm ngoái, cũng có sự khởi đầu đầy ấn tượng trên một sân chơi lớn.

Phải tới phút 35 của trận đấu thứ hai của đội tuyển Nigeria, Mikel mới được tung vào sân. Và chỉ cần đúng 6 phút Mikel đã có cú sút thẳng băng ngay sát vòng cấm địa hạ gục thủ thành đội tuyển Zimbabwe.

Đứng thứ hai trong danh sách cầu thủ dội bom sau Eto’o là món hàng “nhập khẩu” từ Brazil, Francileudo Dos Santos của Tunisia. Dos Santos lập một hat-trick trận gặp Zambia cộng thêm một bàn ở trận gặp Nam Phi.

Phong độ tuyệt hảo của Dos Santos đã đưa Tunisia vào tứ kết sớm trước một trận đấu. Chơi cũng không kém phần thuyết phục là hai chân sút sáng giá khác- “hoàng tử” Mido của chủ nhà Ai Cập và ngôi sao Chelsea đang làm mưa làm gió ở giải ngoại hạng Anh - Didier Drogba trong màu áo Bờ Biển Ngà.

Nỗi thất vọng lớn nhất của CAN 2006 thuộc về Togo và Angola, hai tân binh sắp phó hội ở nước Đức mùa hè này. 5 tháng tới là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng để 2 đội bóng này cải thiện lại lối chơi nếu không muốn gánh lấy những thất bại sớm ở ngày hội lớn.

Sự sa sút thấy rõ của một đại gia khác là Nam Phi - “Bafana Bafana”  trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên kể từ năm 1996 (khi giải đấu mở rộng thành 16 đội tham dự) bị loại mà trắng tay không có một điểm nào cũng như không ghi nổi một bàn thắng nào sau 3 trận.

Một nỗi thất vọng tràn trề với Nam Phi bởi họ chính là nước chủ nhà đăng cai VCK World Cup tiếp theo năm 2010.

MỚI - NÓNG