Cuộc sống của những “ông vua sân cỏ”

Trợ lý Phan Việt Thái (trái) và trọng tài Hoàng Anh Tuấn (giữa) bị cầu thủ Quảng Nam bao vây phản đối ở trận HAGL – Quảng Nam. Ảnh: Trần Khánh.
Trợ lý Phan Việt Thái (trái) và trọng tài Hoàng Anh Tuấn (giữa) bị cầu thủ Quảng Nam bao vây phản đối ở trận HAGL – Quảng Nam. Ảnh: Trần Khánh.
TP - Trọng tài vốn được coi là “ông vua sân cỏ”, tuy nhiên, có đi sâu vào tìm hiểu mới thấy cuộc sống của những “vị vua sân cỏ” không phải lúc nào cũng lung linh như sự tưởng tượng của nhiều người.

Chia sẻ về sự khác biệt trong con mắt đánh giá về nghề trọng tài ở Việt Nam và nước ngoài, trọng tài FIFA Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Khi ra làm quốc tế, từ BTC, các nước bạn rồi khán giả họ xác định trọng tài là một quan chức. Lúc đó bản thân trọng tài làm sao cố gắng thành một ông trọng tài để mọi người tôn trọng. Còn ở Việt Nam, nói hơi buồn chứ khán giả coi trọng tài là thằng trọng tài chứ không phải ông trọng tài. Góc nhìn của họ thì trọng tài luôn tiêu cực chứ không có góc nhìn tích cực, còn anh em chúng tôi chỉ làm bằng đam mê, nhiệt huyết là chính”.

Ông Tuấn nói không sai nhưng cũng chưa hoàn toàn chuẩn xác, bởi với mức thu nhập vào khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng (6 triệu đồng/trận bắt chính và 4 triệu đồng/trận ngồi trọng tài bàn hoặc trợ lý), tức là ở mức tương đối cao so với mặt bằng xã hội hiện nay, khó có thể nói rằng các trọng tài chỉ làm việc bằng đam mê và nhiệt huyết là chính. Cũng cần phải biết rằng hầu hết trọng tài Việt Nam đều có nghề chính thức bên cạnh công việc cầm còi, và việc ra sân vào mỗi cuối tuần với họ gần như chỉ là việc làm thêm, dù rằng người ta biết tới họ bằng việc làm thêm nhiều hơn là việc làm chính.

Chẳng hạn ông Hoàng Anh Tuấn được biết tới như là trọng tài V-League từ hơn 10 năm nay chứ ít ai biết ông Tuấn là một cán bộ quản lý ngành giáo dục của huyện Thanh Trì (Hà Nội). Hay trợ lý trọng tài Phan Việt Thái, người mắc sai lầm ở trận HAGL – Quảng Nam khiến bóng đá Việt Nam nổi sóng suốt tuần qua, lại là giảng viên của ĐH Cần Thơ. Một đồng nghiệp khác của ông Hoàng Anh Tuấn nhưng mùa này đã không được bố trí làm nhiệm vụ ở V-League là trọng tài Phùng Đình Dũng vốn giữ chức trách giảng viên của ĐHXHKH & NV Hà Nội.

Chỉ vài dẫn chứng như thế là đủ thấy phần lớn các trọng tài Việt Nam khi đến với nghề cầm còi cầm cờ đều không phải vì gánh nặng mưu sinh, cơm áo gạo tiền mà họ đều coi đây như là đam mê. Thậm chí, với những người như ông Tuấn hay ông Thái, thu nhập từ nghề trọng tài với họ còn không được xem là cao. Ông Tuấn giải thích: “Thu nhập của trọng tài đã được nâng lên nhưng anh em chúng tôi phải tự thuốc thang, bù lại quá trình hồi phục, mua thuốc để bổ sung các vi chất để đảm bảo đủ thể lực. Cũng giống như cầu thủ, anh em trọng tài một ngày cũng phải tập luyện từ 2 đến 3 tiếng.

Đặc biệt, anh em ngoài 40 tuổi cần bổ sung nhiều dưỡng chất và thuốc thang như vi sủi cá mập, các thuốc có hàm lượng canxi,… hay kể cả băng trợ lực để không bị nhũn các loại cơ thì chúng tôi phải tự trang bị, hỗ trợ cho hoạt động cơ bắp. Thu nhập tưởng là nhiều nhưng thuốc thang mua sắm, hỗ trợ thì cũng không còn nhiều”.

Còn ông Thái nói thêm: “Tôi đến với nghề trọng tài chỉ bằng đam mê chứ không vì thu nhập bởi tôi đang là giảng viên của trường ĐH Cần Thơ, gia đình cũng có chút điều kiện nên thu nhập tôi từ nghề giảng viên đủ để trang trải cuộc sống. Chứ tiền trọng tài mỗi năm có 12 hay 13 trận, mà mỗi trận trung bình 4-5 triệu đồng, chưa trừ thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập chẳng được bao nhiêu, không góp gì nhiều cho gia đình cả”.

Làm việc bằng đam mê, thu nhập so với chi phí bỏ ra gần như ngang nhau, nhưng hậu quả mà các trọng tài gặp phải mỗi khi mắc sai lầm lại rất khủng khiếp, ví dụ trợ lý Phan Việt Thái thậm chí đã nghĩ tới chuyện giải nghệ vì bị mắng mỏ quá mức dữ dội sau khi mắc lỗi ở trận HAGL - Quảng Nam.

Sẽ không quá lời nếu nói rằng trọng tài là một nghề nguy hiểm ở Việt Nam, đặc biệt là xét trong bối cảnh nền bóng đá tuy mang danh chuyên nghiệp nhưng vẫn có không ít người hành xử như thời nghiệp dư.

MỚI - NÓNG