Cựu danh thủ Bùi Thái Huệ: Chạy bàn cùng... ‘Bún riêu Cây Mận’

Cựu danh thủ Bùi Thái Huệ: Chạy bàn cùng... ‘Bún riêu Cây Mận’
Suốt 37 năm qua, kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quán “bún riêu Cây Mận” (giao lộ Nguyễn Tri Phương – Hòa Hảo, Q.10) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của giới sành ẩm thực Sài Gòn.

Cựu danh thủ Bùi Thái Huệ: Chạy bàn cùng... ‘Bún riêu Cây Mận’

> VFF bế giảng khóa đào tạo giám sát trọng tài

> VTV có thể bỏ bản quyền Ngoại hạng Anh 

Suốt 37 năm qua, kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quán “bún riêu Cây Mận” (giao lộ Nguyễn Tri Phương – Hòa Hảo, Q.10) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của giới sành ẩm thực Sài Gòn.

Trung vệ Bùi Thái Huệ (hàng ngồi thứ năm từ phải qua) trong trận hội tuyển miền Nam thắng Malaysia 2-1 trên sân Cộng Hòa năm 1971
Trung vệ Bùi Thái Huệ (hàng ngồi thứ năm từ phải qua) trong trận hội tuyển miền Nam thắng Malaysia 2-1 trên sân Cộng Hòa năm 1971.
 

Đến đây thực khách không chỉ được thưởng thức món bún riêu cua đồng ngọt lịm, béo ngậy và thơm lừng mà còn có dịp đàm đạo chuyện bóng đá cùng “người chạy bàn” nổi tiếng một thời trên sân cỏ miền Nam: cựu trung vệ Bùi Thái Huệ.

Trưởng thành từ …. ‘đội bóng thuốc Tây’

Đầu thập niên 1960 thế kỷ trước, bóng đá miền Nam phát triển khá rầm rộ tại học đường, trong đó trường Phan Sào Nam (Tân Định) và Pétrus Ký (Sài Gòn) là 2 chiếc nôi sản sinh những tài năng: Hồ Văn Tốt, Võ Bá Hùng, Trương Văn Tư, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lại Văn Ngôn, Mai Thu Hảo, Bùi Thái Huệ...

Cựu trung vệ Bùi Thái Huệ sinh năm 1946 tại Chợ Lớn cũ, là con thứ 6 trong gia đình gồm 17 anh chị em. Vốn có năng khiếu bóng đá bẩm sinh vì thế 17 tuổi, ông đã giữ vai trung vệ nòng cốt trong đội bóng hiệu thuốc Aquinol. Tài năng ông tiếp tục rực sáng qua phong trào thể thao học đường khi đang học lớp đệ tam trường Pétrus Ký (môn điền kinh chạy 100m/10 giây), nhiều năm liền đưa Pétrus Ký vô địch giải liên trường.

Năm 1966, Bùi Thái Huệ được HLV đội Aquinol Trương Văn Trích (Dũng Minh) giới thiệu về đầu quân đội bóng Tổng Tham Mưu của HLV Trần Văn Thông thi đấu cùng “thế hệ vàng” của bóng đá miền Nam gồm thủ môn Đực II, Lâm Văn Tư (Tư “mỏ két”), hậu vệ Phạm Văn Lắm (Lắm “rỗ”), Nguyễn Văn Mộng, Nguyễn Tấn Trung (Trung “thầy rùa”), tiền vệ Đỗ Thới Vinh (Vinh “đầu sói”), Nguyễn Thái Hưng (Hòa), tiền đạo Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Xê, Nguyễn Văn Ngôn (Ngôn “tủn” hay Ngôn I)...

Cựu danh thủ Bùi Thái Huệ: Chạy bàn cùng... ‘Bún riêu Cây Mận’ ảnh 2
 

Dáng dấp lý tưởng (1m72, 63kg), tranh chấp bóng quyết liệt, “khôn banh”, chơi đầu tốt, ra vào hợp lý và không ngại va chạm, trung vệ mang áo số 3 Bùi Thái Huệ hợp cùng Nguyễn Văn Mộng thành “bộ đội hoàn hảo” – 2 “cột thu lôi” sừng sững nơi hàng tứ vệ đội Tổng Tham Mưu hút hết mọi đường bóng của đối phương, làm nản lòng nhiều chân sút đàn anh.

Năm 1968, Bùi Thái Huệ từ đội Thanh niên chính thức “leo” lên hội tuyển, thi đấu tưng bừng cạnh những tên tuổi Lâm Hồng Châu, Dương Sắc Thái, Lại Văn Ngôn, Dư Tân, Phạm Văn Lắm, Đỗ Thới Vinh, Võ Bá Hùng, Dương Văn Thà, Trần Tiết Anh, Trần Văn Xinh, Nguyễn Văn Ngôn...

Trong thành phần hội tuyển, libéro mang áo số 5 Bùi Thái Huệ hợp cùng Dư Tân trở thành “song kiếm hợp bích” tung hoành khắp sân cỏ khu vực và châu Á qua các giải SEA Games, Kings Cup, Merdeka, Marah Halim, Pesta Sukan, vòng loại World Cup, Olympic, Trung khu Á Châu...

Kỷ niệm để đời với cựu trung vệ Bùi Thái Huệ là trận hội tuyển miền Nam thắng Hàn Quốc 1-0 tại giải Độc Lập (Pesta Sukan Cup) năm 1971 tại Singapore. Sau khi trung phong Trần Tiết Anh bất ngờ ghi bàn mở tỷ số ở phút 73 đưa hội tuyển miền Nam vượt lên dẫn trước, hàng tứ vệ gồm Mộng, Huệ, Dư Tân, Lắm “rỗ” cùng thủ môn Lâm Hồng Châu đã phải “cắn răng” thi đấu lăn xả trước những pha hãm thành như sóng vỗ bờ của đội bạn, bảo vệ tỷ số mong manh cho đến dứt trận. (Giải này Việt Nam đồng vô địch với Ấn Độ).

‘Duyên’ với bún riêu

Sau khi rút lui khỏi bóng đá vì mâu thuẫn với Tổng cuộc Túc cầu Sài Gòn, năm 1978, HLV Trần Văn Thông đã thuyết phục Bùi Thái Huệ ra sân trở lại trong màu áo đội Công Nhân Hóa Chất thi đấu cạnh những “người xưa” gồm Dương Sắc Thái, Võ Bá Hùng, Huỳnh Văn Chiến, Trần Tiết Anh, Trương Văn Tư (Tư Béo).
Đến năm 1982, trung vệ họ Bùi quyết định treo giày giã từ sân cỏ, cùng đồng đội cũ là thủ môn Hồ Thanh Chinh về huấn luyện đội bóng Nghiệp đoàn Công nhân Bốc xếp Cầu Ông Lãnh (Q.1).

Sau đó, do đời sống kinh tế khó khăn, ông Huệ xin vào làm công nhân tại Tổng cục Vật tư TP.HCM suốt 3 năm. Những hôm rảnh rỗi, ông Huệ lại xỏ giày ra sân dượt bóng trong màu áo đội Lão tướng Vật tư TP bên cạnh Tư Lê, Dương Văn Thà, Lưu Kim Hoàng...

“Do không có nhà, vợ chồng tôi cùng 3 con nhỏ mấy chục năm qua đã có trên 20 lần phải chịu cảnh “ở ké” nhà của anh chị em và bà con họ hàng, hết ở nhà người này lại dời sang nhà người khác. Thời trai trẻ chỉ mải mê đá bóng, giờ buông nó ra chẳng biết phải làm gì để mưu sinh, thậm chí cái nhà tránh nắng che mưa cũng không mua nổi.

Tháng 10/1975, bà cụ thân sinh mở hàng bún riêu tại nơi bán hiện nay. Lúc này hoàn cảnh của tôi vô cùng khó khăn vì thế là người duy nhất trong 17 anh chị em ngoài công việc bưng bê, lau bàn được “đặc cách” mở quầy nước giải khát kiếm chút tiền lời nuôi vợ con!” – cựu trung vệ nổi tiếng ngày nào thở dài não nuột.

Sau nhiều năm tích cóp dành dụm từ tiền lãi bán trà đá, nước ngọt, cà phê bên hàng bún riêu, cuối cùng thì ông Huệ cũng đã tậu được cho gia đình mình một căn hộ cấp 4 nhỏ xíu trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10).

May sao, mới đây, người con trai thứ của ông cất được nhà riêng ở Q.Bình Tân, đã rước bố mẹ về an hưởng tuổi già, sớm tối vui vầy bên hai đứa cháu nội, chấm dứt những tháng ngày vất vả mưu sinh. Hàng “bún riêu cua Cây Mận” hiện do người em thứ 15 của ông Huệ là Bùi Thị Ngọc Xuân quản lý trông nom.

Tháo chạy khỏi đội tuyển vì …đói!

Sau khi cùng đội tuyển ca khúc khải hoàn trở về, cuối năm 1971, đồng loạt 10 tuyển thủ gồm Lại Văn Ngôn, Lâm Hồng Châu, Nguyễn Xuân Thu, Hồ Thanh Chinh, Võ Thành Sơn, Nguyễn Văn Mộng, Phạm Văn Lắm, Lê Văn Tư (Tư Lê), Quang Kim Phụng và Bùi Thái Huệ bất ngờ nộp đơn “Xin rút lui khỏi hội tuyển miền Nam do sức khỏe kém”!

Thực chất cuộc tẩy chay đội tuyển bắt nguồn từ sự vô trách nhiệm, thiếu quan tâm chăm sóc (chế độ đãi ngộ, y tế, bồi dưỡng) của Tổng cuộc Túc cầu Sài Gòn đối với các cầu thủ có nhiều công trạng. Hầu hết thành viên trong đội không đủ ăn, thiếu thuốc bổ, bị “ngó lơ” khi dính chấn thương, lương thấp cho nên ngoài đá bóng phải “cày” thêm nghề khác dẫn đến mất sức, xuống phong độ...

Trung vệ Bùi Thái Huệ có 2 người em là hậu vệ Bùi Thái Ngà (thứ 11), cựu cầu thủ đội bóng đá Bưu Điện và tiền vệ Bùi Thái Châu (thứ 12), cựu cầu thủ đội bóng đá Sở Công Nghiệp thập niên 80. 2 em rể là Lâm Văn Thơm (cựu cầu thủ đội Tổng Tham Mưu) và Đặng Công Thượng (cựu cầu thủ đội Hải Quân Công Xưởng), chú ruột Đặng Công Bình (đội Biệt Đoàn Thể Thao).

Theo Ngọc Thiện
Thể Thao Văn Hóa

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG