'Đặc sản' của bóng đá Việt Nam là...kungfu

'Đặc sản' của bóng đá Việt Nam là...kungfu
Super League ra đời, tất cả đều hy vọng về một sự thay đổi từ cung cách quản lý đến nhận thức làm nghề của cầu thủ. Tiếc rằng 4 vòng đấu đầu tiên đi qua, cộng thêm 3 vòng đấu cúp QG, yếu tố bạo lực trên sân cỏ liên quan đến những pha tắc bóng như kungfu vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm trên sân cỏ Việt Nam.
Những pha ra chân rợn người không thiếu sân cỏ Việt Nam suốt nhiều năm qua
Những pha ra chân rợn người không thiếu sân cỏ Việt Nam suốt nhiều năm qua.

Bóng đá "fighting" kiểu xấu xí

Còn nhớ 4 năm trước, bóng đá Việt Nam lần đầu tiên đăng quang chức vô địch ĐNA. Trên sân tập hay khi thi đấu, HLV Calisto luôn thúc giục học trò bằng cụm từ: "Fighting, Fighting" (Chiến đấu, chiến đấu). Cách truyền lửa của ông thầy người Bồ Đào Nha là chất xúc tác không thể thiếu, để đưa bóng đá VN bước lên ngôi vị cao nhất của AFF Cup 2008.

Quan điểm bóng đá là môn thể thao đối kháng, thành công chỉ dành cho những người có thể lực, quyết tâm, nỗ lực nhiều nhất trong lối chơi tập thể. Tuy nhiên ở ta, thứ tinh thần cao đẹp, thượng mã ấy đã bị biến tướng một cách không thương tiếc. Sân cỏ Việt Nam bây giờ đầy rẫy những trận đấu bạo lực, nhuốm màu thô bạo. Dù BTC giải đã cố gắng kiềm chế tình hình, nhưng các vòng đấu cúp QG vừa qua, nạn cầu thủ đá láo, đá xấu dẫn đến ẩu đả, rồi khán giả vây xe, ném đá, dọa dẫm nhiều như cơm bữa.

Cái đáng lo nhất lúc này chính là sự dung dưỡng, nuông chiều từ chính các đội bóng. Super League bây giờ rất dễ dàng để có thể kiếm tiền. Một cầu thủ chỉ cần biết đá bóng chút đỉnh, cũng nhận mức lót tay lên đến cả tỷ đồng. Một con số đáng mơ ước mà ngay cả doanh nhân, giáo viên, công nhân lao động bình thường làm cả đời chưa chắc có được số tiền trong tay.

Ngoài ra, bóng đá Việt Nam sống theo kiểu ăn đong, sẵn sàng chi tiền mua cầu thủ, chứ không chăm lo đào tạo, giáo dục đến nơi đến chốn. Trong một nghề dễ kiếm tiền, lại không có sự giáo dục, điều chỉnh từ "người lớn" dễ sinh hư hỏng, coi thường chính nghề mang tiền lại cho mình. Thành thử ra trên sân, cầu thủ sống bằng những cảm xúc bột phát, sẵn sàng ăn miếng, trả miếng chỉ vì sự tức giận tức thì.

Việc không coi trọng công việc của đồng nghiệp tức là phủ nhận chính công việc của chính mình. Trận đấu vòng 3 giải Ngoại hạng, Huy Hoàng - vốn trung vệ chơi rắn nhất bóng đá nội - đã va chạm cực mạnh với Samson, khiến cầu thủ SLNA dập mắt, tụ máu ở não. Có thể nói rằng Huy Hoàng may mắn thoát nạn, nhưng chưa biết Hoàng "lác" có tỉnh mộng sau những cú ra chân theo kiểu cắt kéo từng khiến các đồng nghiệp ngoại còn nể sợ, mỗi khi nhắc đến cầu thủ xứ Nghệ...

Bạo lực đang trở thành thứ bệnh?

Có một lo lắng xuất hiện trong dư luận khi khẳng định rằng không khí bóng đá VN đang bị ô nhiễm bởi hiện tượng bạo lực sân cỏ. Dù thời gian qua, BTC giải đã gửi công văn cho các CLB khuyến cáo, nhắc nhở về việc bạo lực đang xảy ra tràn lan, nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Cái quan trọng nhất VPF và sau đó là CLB phải có sự thay đổi nhận thức để cầu thủ biết yêu cái nghề của chính mình.

Cầu thủ Thái Học (trắng) chút nữa mất luôn sự nghiệp sau trận gặp K.KH
Cầu thủ Thái Học (trắng) chút nữa mất luôn sự nghiệp sau trận gặp K.KH.

Nền bóng đá nặng về đòn, miếng từng xảy ra trong nhiều năm qua, đôi khi bị bỏ lơ, khi nó gắn với một phần bóng đá máu lửa, cống hiến với khán giả. Tuy nhiên, các pha bay người móc bóng vào thẳng mặt đối phương, hay cố tình đá cho đối thủ chấn thương, đôi khi mất luôn sự nghiệp là không ít và khiến nhiều tài năng trẻ thui chột, nền bóng đá Việt Nam cũng bị vướng bẩn khi lo chống lại tình cảnh cầu thủ quậy trên sân, khán giả phá trên khán đài.

Bài học đau lòng, rợn người nhất cách đây 1 năm, khi cầu thủ trẻ Tạ Thái Học của CLB HAGL phải kết thúc giải đấu sớm, với một cái chân phải gãy đôi. Tiếc rằng cầu thủ gây ra chấn thương lại là một cầu thủ trẻ của K.Khánh Hòa. Sau trận đấu, cầu thủ Thanh Tùng gửi lời xin lỗi, khi không cố ý làm đối phương tai nạn. Nhưng Thanh Tùng cũng thổ lộ mình vào bóng theo thói quen, đến khi chân Thái Học bị gãy mới biết mình có thể phá vỡ sự nghiệp của đối thủ, chỉ vì một pha vào bóng nông nổi.

Bây giờ bóng đá Việt Nam rất giàu có, đời sống cầu thủ cao hơn mặt bằng xã hội, nhưng nhận thức và suy nghĩ của một bộ phận giới cầu thủ vẫn còn rất thấp. Chẳng trách thứ bóng đá kungfu đang thực sự là "đặc sản" của nền bóng đá nặng kim tiền của Việt Nam. Và lỗi lớn nhất trong bối cảnh loạn đả trên sân cỏ chính là đội bóng, khi họ quên mất việc dạy cầu thủ thành người, trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thật sự.

Theo VNMedia
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.