Đằng sau chuyện tranh chấp HLV Calisto

Đằng sau chuyện tranh chấp HLV Calisto
TP - Chuyện tương lai của HLV Calisto bỗng nhiên lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, sau khi T&T HN công khai nói rằng Calisto sẽ làm việc cho họ sau ngày 17/1/2010, còn ĐT.LA lên tiếng khẳng định “chủ quyền” của mình với HLV Calisto có thời hạn tới năm 2011.
Đằng sau chuyện tranh chấp HLV Calisto ảnh 1
HLV Calisto (trái) chúc mừng Hữu Thắng sau trận T&T Hà Nội thắng ĐT.LA. Ảnh: V.S.I

Câu hỏi cần được đặt ra ở đây là tại sao ĐT.LA lại chọn thời điểm này để nêu ra “chủ quyền”, trong khi từ hơn nửa năm nay, hầu như cả làng bóng đá Việt Nam đều biết HLV Calisto có tới 99% sẽ là người của T&T HN từ mùa giải 2010.

Phải chăng ĐT.LA đã biết nhưng vì muốn chờ xem T&T HN có đánh tiếng với mình trước khi lấy người hay không, và khi nhận thấy rằng T&T HN hoàn toàn không có động thái nào thì ĐT.LA mới lên tiếng?

Có một sự thực phải thừa nhận rằng nếu không có ĐT.LA thì sẽ không có HLV Calisto hiện tại, bởi nếu không có cái duyên tri ngộ với bầu Thắng thì HLV Calisto sẽ khó có cơ hội thể hiện tài nghệ ở Việt Nam, và dĩ nhiên, ông thầy này cũng sẽ không thể trở thành một “thương hiệu quốc tế” như hiện nay.

Nhưng cũng có một sự thực khác, rằng HLV Calisto đã trả hết món nợ ân tình cho bầu Thắng với hai chức VĐQG liên tiếp ở mùa giải 2005 và 2006, cùng ba vị trí trong tốp ba chung cuộc ở mùa giải 2003, 2004 và 2007, cho dù mức độ đầu tư cho đội bóng của bầu Thắng kém xa so với các “đại gia” như HA.GL, Bình Dương hay gần đây là XM.HP, T&T HN.

Trước khi chia tay ĐT.LA để lên làm HLV trưởng ĐTVN vào tháng 3 năm 2008, giữa HLV Calisto và ĐT.LA đã không ít lần không tìm được tiếng nói chung trong cách quản lí và xây dựng đội bóng, bởi HLV Calisto đã quá chán ngán với việc cứ phải “liệu cơm gắp mắm”, phải xoay sở trong sự lựa chọn rất hạn hẹp để đạt được thành tích tốt nhất.

Thậm chí, ý tưởng rời bỏ ĐT.LA để kiếm tìm một thách thức mới còn được HLV Calisto hé lộ ngay từ cuối năm 2006, nên có thể nói rằng, nếu không có lời mời từ VFF thì cũng chưa có gì bảo đảm HLV Calisto sẽ ở lại ĐT.LA cho tới khi mãn hạn hợp đồng vào năm 2011.

Cứ nhìn vào ĐT.LA thì rõ, trong hai mùa bóng gần đây ở V-League, đội bóng này chỉ đạt thứ hạng rất khiêm tốn do không được “bơm máu” và “tiếp đạn” đầy đủ như các “đại gia” khác.

Cho tới giờ, ĐT.LA vẫn là “ông lớn” hiếm hoi nói không với các bản hợp đồng tiền tỷ trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội địa, và vụ chuyển nhượng Minh Phương từ CSG về ĐT.LA năm 2003 tính tới nay vẫn là thương vụ lớn nhất mà ĐT.LA từng thực hiện.

Trong khi đó, V-League mỗi ngày một khắc nghiệt và số những ông chủ “mạnh vì gạo bạo vì tiền” xuất hiện mỗi ngày một nhiều. Vì thế, sự kém thức thời của ĐT.LA đã khiến họ bị tụt hậu thấy rõ so với những “đại gia” mới nổi, và cứ nhìn vào tấm gương của HA.GL là ĐT.LA đủ hiểu, có thể chi ra nhiều tiền song chưa chắc đã mang lại thành công, nhưng nếu không chi tiền thì chắc chắn sẽ trắng tay.

Trái ngược hoàn toàn với ĐT.LA, T&T HN là đội bóng rất giàu tham vọng, ông chủ hào phóng và sẵn sàng chi đậm nếu cần, còn dàn cầu thủ thì thiện chiến và tinh nhuệ.

Đấy còn chưa kể tới việc khi về với T&T HN HLV Calisto còn được sử dụng chất xám của mình ở hàng loạt lĩnh vực khác, mà cái nào cũng hứa hẹn sẽ hái ra tiền.

Trong hoàn cảnh như thế, một người bình thường cũng khó chọn lựa ĐT.LA chứ chưa nói tới một HLV chuyên nghiệp, luôn đặt mục tiêu cao nhất làm ưu tiên hàng đầu.

Chỉ có điều, cách lấy người của T&T HN khiến ĐT.LA cảm thấy chạm nọc và họ quyết định ra tay bằng chiêu bài hợp đồng, cho dù điều này gần như chỉ mang tính chất răn đe kiểu con gà tức nhau tiếng gáy chứ có lẽ không ngăn cản được điều gì.

MỚI - NÓNG