Đâu rồi văn hóa khán đài?

Đâu rồi văn hóa khán đài?
TP - Vụ việc diễn ra ở sân Thanh Hóa đã dần khép lại với án kỷ luật phạt 50 triệu đồng và buộc đội bóng H.Thanh Hóa phải đá sân trung lập. Vấn đề đặt ra là sau những án phạt ấy liệu tình hình có được cải thiện?
Đâu rồi văn hóa khán đài? ảnh 1

Cần nhất lúc này không phải là những án kỷ luật mà chính là làm sao khôi phục và tìm lại những nét văn hóa trên sân cỏ, khán đài. Điều ấy mới thực sự khó khăn.

Bao giờ cho đến... ngày xưa

Cựu danh thủ Phúc “vổ” một thời lẫy lừng trong màu áo đội tuyển Việt Nam và Bưu điện thỉnh thoảng vẫn đẩy xe lăn ra sân vận động Hà Nội xem bóng đá. Ông Phúc “vổ” đã không thể tự đi lại sau một tai nạn giao thông cách đây vài năm.

Cũng một lần tới sân Hà Nội như thế ông đã tâm sự: “Bóng đá bây giờ khác xưa nhưng điều khác biệt nhất khiến lứa cầu thủ già như chúng tôi cảm thấy buồn lòng chính là những nét đẹp trên các khán đài ngày càng biến mất.

Thời chúng tôi đá bóng, cũng cái sân Hàng Đẫy này, khán giả  đông tới mức đứng gần tràn ra đường piste nhưng cả mấy ngàn con người ấy vô tư cổ vũ, không hề có một tiếng chửi tục nào. Trận nào cũng thế, ngay cả những trận rất máu lửa cũng không bao giờ có chuyện cổ động viên hai đội hầm hè, đấm đá nhau.

Ấy vậy mà bây giờ, tôi có cảm tưởng như người ta đến sân để... chửi bới. Không chửi cổ động viên đội bạn thì chửi trọng tài, cầu thủ. Những điều ấy, không thể gọi là có văn hóa được. Người Hà Nội còn thế, huống hồ...”.

Cựu danh thủ Nguyễn Trọng Giáp cũng nói rằng: “Chúng tôi ngày trước đá bóng không có tiền, khán giả cũng nghèo nhưng nếp sống văn minh khán đài thì không chê vào đâu được. Tôi cũng không hiểu tại sao cổ động viên bây giờ được tiếp xúc với các nền bóng đá thế giới, được tiếp xúc với những cái gọi là văn minh, văn hóa mà lại có ứng xử tệ đến thế”.

Đâu rồi văn hóa khán đài? ảnh 2
Không ít lần cổ động viên Thanh Hóa gây lộn trên khán đài

Các loại văn hóa... phi văn hóa

Một người bạn đang du học ở nước Anh viết thư sau khi đọc những thông tin về “văn hóa” cổ động viên Việt Nam hiện nay nói rằng: “Tất cả đều cho rằng cổ động viên nước Anh là đáng sợ nhất, là hooligan nhất nhưng thực tế không phải như vậy, đó chỉ là bộ phận nhỏ, rất nhỏ.

Còn phần lớn những người yêu bóng đá ở nước Anh luôn có ý thức biến mỗi trận đấu trở thành một nơi để thưởng thức nghệ thuật bóng đá, là một nơi thể hiện nếp sống văn minh và rất văn hóa, tất cả đều tự giác, xuất phát từ tình yêu bóng đá chân chính”.

Bóng đá Việt Nam qua mấy mùa chuyên nghiệp, chất lượng mỗi trận đấu có thể đã dần được nâng lên bởi sự có mặt của các cầu thủ ngoại nhưng nếp sống văn minh nơi các khán đài thì quả thật đáng báo động.

Khán đài là nơi tùy tiện xả rác, là nơi tùy tiện chửi tục, là nơi họ có thể chỉ mặc đúng một chiếc quần xà-lỏn ngồi vắt vẻo trên các khán đài, là nơi các cổ động viên quá khích có thể ném bất kỳ những vật gì có thể ném xuống sân...

Đã từng xuất hiện kiểu “văn hóa”... mắm tôm để ném vào đầu nhau, “văn hóa” chai nước, “văn hóa” đốt lửa rồi “văn hóa” “củ đậu bay” là những viên gạch ném vào đầu trọng tài, vào cầu thủ, vào cửa kính xe.

Đó là những thứ bóng đá phi văn hóa. Ngay ở Hà Nội, những cổ động viên được cho là có văn hóa nhất - tổ chức chặt chẽ nhất là cổ động viên Thể Công cũng đã có một số biến chất.

Một số cổ động viên cũng đã chửi, đã ném... tới mức những người hâm mộ thâm niên như nghệ sỹ Đức Trung, bác sỹ Vũ Công Lập là những fan ruột nhưng khi xem đội bóng chỉ thích ngồi ở khán đài A, chỗ VIP. Lý do rất đơn giản, họ không muốn bị đánh đồng với đám đông thường xuyên chửi bậy và phỉ nhổ kia.

Nghệ sĩ Đức Trung có lần nói: “Tôi rất muốn ngồi ở những góc khán đài mà xung quanh đều là những người yêu đội bóng, nắng nôi, mưa gió cũng không có vấn đề gì, điều tôi không chịu được là những hành động vô văn hóa và những tiếng chửi bậy”.

Đâu rồi văn hóa khán đài? ảnh 3
Đang mất dần những nét văn hóa trên khán đài

Phạt không phải cách giải quyết tận gốc

Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi nói: “Chúng tôi đã mời tất cả đội bóng họp để thông báo rằng Ban Tổ chức sẽ xử lý cứng rắn hơn đối với những trường hợp manh động từ khán đài.

Chỉ có cách đó mới khiến các CLB phải kỹ lưỡng hơn trong việc tổ chức trận đấu và cổ động viên cũng e ngại hơn khi chính đội bóng của họ sẽ phải trả giá cho sự manh động của mình”.

Nhưng ông Khôi cũng thừa nhận rằng: “Ngay cả khi đội bóng bị xử nặng thì cũng chưa chắc đã mang lại nếp sống văn minh cho các khán đài bởi những kẻ quá khích không chắc đã quan tâm tới số phận đội bóng, họ chỉ mượn danh bóng đá để quậy phá, để chửi bới. Với những người như thế thì đội bóng có bị kỷ luật thế nào, chưa chắc họ đã quan tâm”.

Những biện pháp cứng rắn như tăng cường số lượng camera kiểm soát các khán đài như các nền bóng đá phát triển đang làm, tăng cường an ninh chỉ cũng là một trong những giải pháp. Điều quan trọng chính là ý thức của mỗi cổ động viên khi tới sân xem đá bóng.

Thế nhưng ở đây lại liên quan đến những vấn đề khác, cổ động viên chỉ có thể thể hiện được nét văn hóa trong một môi trường có văn hóa: Đó là họ không nhận được những lời lẽ, cử chỉ thiếu văn hóa từ cổ động viên đội khác và cảm nhận được những ứng xử có văn hóa của các cầu thủ, của BHL dưới sân bóng.

Sẽ rất khó hy vọng tìm được sự văn hóa nơi các khán đài nếu cầu thủ vẫn chửi tục trong sân, HLV vẫn hầm hè đòi đánh trọng tài và những trận đấu luôn “bốc mùi” tiêu cực.

Rõ ràng, nâng cao ý thức người dân mới chính là phương thuốc hữu hiệu nhất để ngăn chặn những hành vi phi thể thao, phi văn hóa trên các khán đài. Sẽ chỉ là cảnh “bắt cóc bỏ đĩa” nếu chỉ tập trung vào chuyện phạt thật nặng mà quên đi những biện pháp cần thiết để làm sạch các khán đài.

Bài học từ Trung Quốc

Những việc Trung Quốc đang làm trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh rất đáng được xem xét. Chào đón sự kiện như Olympic 2008, thành phố Bắc Kinh thực sự đã hiện đại hơn, văn minh hơn.

Để có điều này, từ nhiều năm trước các cấp chính quyền ở Trung Quốc đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện nếp sống văn hoá; kịch liệt phê phán hai thói quen cố hữu là nhổ bậy và cởi trần. Không chỉ hô hào suông, từ năm 2003, chính quyền thành phố đã đưa ra lệnh xử phạt 50 NDT đối với những người nhổ bậy ở nơi công cộng.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn tích cực tuyên truyền, phê phán các thói quen xấu như vẽ bậy, vứt rác bừa bãi, chửi tục, chen lấn xô đẩy nơi công cộng. Nhiều người dân đã ý thức được trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh của mình.

Bên cạnh đó cảnh sát Bắc Kinh vừa phát động chiến dịch ứng xử văn hoá trên khán đài xem bóng đá. Theo đó, lực lượng cảnh sát dùng camera quay phim các khán đài nhằm ngăn ngừa mọi hành vi quăng chai lọ, ném pháo hoặc đe dọa ẩu đả.

Những khán giả vi phạm những quy tắc này có nguy cơ bị cấm đến sân trong vòng một năm. Điều quan trọng là Trung Quốc cũng đã ban hành những chỉ dẫn về cách cư xử đúng mực tại các nơi tổ chức bóng đá.

MỚI - NÓNG