Đêm thảm hại của Wenger

Đêm thảm hại của Wenger
Một lần nữa Arsenal lại thất bại, giống như những lần khác. Các thất bại không còn là hiện tượng, mà được báo trước và lên kế hoạch bởi… Wenger.

"Quá ngây thơ, quá chậm, quá cởi mở, quá dễ tổn thương”, đó là cách Arsenal mở màn Champions League mùa 2014/2015. Họ thất bại 0-2 trước Borussia Dortmund.

365 ngày kể từ hôm đó, Arsenal bắt đầu chiến dịch 2015/2016 ở châu Âu bằng trận thua 1-2 trước Dinamo Zagreb. Sau 1 năm, cùng là những thất bại. Và theo cùng một cách.

Lối chơi quá mở và ngây thơ quá dễ để nhận thấy ở bàn thua đầu tiên, trong khi “dễ tổn thương” là một tính từ để mô tả bàn thua thứ hai, từ một tình huống phạt góc. Quá chậm? Hãy nhìn cách Mikel Arteta chơi bóng.

Tại Stadion Maksimir, Arsenal cũng kiểm soát bóng tới 60,9%. Việc giữ bóng quá lâu và đẩy đội hình lên rất cao chỉ mua lấy những rủi ro khi bị phản công. Dinamo Zagreb biết rõ. Zoran Mamic biết rõ. Chỉ Wenger là không.

Những đánh giá khắc nghiệt có thể giảm nhẹ với một vài chi tiết, như việc Wenger chơi trò may rủi với 6 thay đổi trong đội hình nhằm đối phó với trận derby London vào cuối tuần. Tuy nhiên, điều này cũng không thể che giấu sự thật, phải chăng Arsenal đã không tiến triển trong suốt năm qua? Hai thất bại chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một chu kỳ lặp lại sau 365 ngày?

Vào mùa xuân, sau những chiến thắng liên tiếp, Theo Walcott tuyên bố Arsenal là đội bóng tốt nhất thế giới. Bỏ quên khởi đầu tồi tệ, “Pháo thủ” cán đích ở vị trí thứ 3 Premier League.

Nó khiến Wenger tự tin đứng ngoài thị trường chuyển nhượng, sau khi hoàn thành bản hợp đồng duy nhất (Petr Cech). Ông cũng cười nhạo vào nhận định của Rio Ferdinand trên BT Sport, rằng khả năng cạnh tranh ngôi vô địch của Pháo thủ là không thể với cung cách mua sắm tằn tiện.

Đêm thảm hại của Wenger ảnh 1

Bây giờ thì ai đúng? Đội hình Arsenal cho phép Wenger tạo ra rất nhiều thay đổi, nhưng không chất lượng như nhiều người nghĩ. Mikel Arteta không đủ tốc độ và không bao giờ tạo thành tấm lá chắn phía trước hàng thủ, Ospina không mang lại sự an toàn như Cech, Chamberlain trận hay trận dở, Debuchy nên nhường lại vị trí cho Bellerin và Gabriel Paulista có lẽ cần được tin tưởng, thay vì Koscielny.

Cuối cùng, cần bao lâu nữa để Wenger hiểu ra chân lý đơn giản, không thể dựa vào Giroud? Tiền đạo người Pháp không chỉ gây thất vọng về mặt chuyên môn mà tính khí cũng ngày càng có vấn đề. Anh bỏ lỡ cơ hội bằng vàng phút 18 và bị đuổi khỏi sân sau pha phạm lỗi với Pinto.

Cuối mùa giải trước, Thiery Henry đã khuyến cáo Arsenal không bao giờ thành công với Giroud. Mới đây, huyền thoại Ian Wright bổ sung thêm, việc không theo đuổi Karim Benzema là một nỗi xấu hổ.

Giáo sư dường như không bận tâm tới điều đó. Ông theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình. Đồng thời, bảo vệ Giroud và chĩa mũi dùi vào trọng tài. Nó lại gây ra hệ lụy khác.

Nhiều năm qua, Arsenal thường xuyên tự bắn vào chân mình vì thiếu kỷ luật (với các thẻ đỏ của Szczesny, Arteta mùa 2012/2013, Van Persie mùa 2010/2011 hay Lehmann mùa 2005/2006). Các cầu thủ được nuông chiều và thiếu nhận thức đầy đủ, các trọng tài châu Âu không dễ tính như ở Premier League để tránh làm điều gì đó ngu ngốc.

Đêm thảm hại của Wenger ảnh 2

Đêm tai họa ở Zagreb đã là lần thứ 50, HLV người Pháp thất bại ở Champions League. Ông là người đầu tiên đạt tới cột mốc không mong muốn này và có lẽ phải rất lâu nữa mới có người phá nổi. 


Không phải ai cũng thường xuyên được chơi ở đấu trường danh giá nhất châu Âu để tích lũy ngần ấy trận thua. Hoặc không ai như Wenger, lặp đi lặp lại các sai lầm mà không hề sửa chữa. Các thất bại không còn là hiện tượng, mà là cái gì đó được báo trước và lên kế hoạch.

Napoleon Hill - tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại “Suy nghĩ và làm giàu" (Think and Grow Rich) - nói rằng, trong mỗi thất bại đều đều mang trong nó hạt giống của những lợi ích. Đến khi nào thì Wenger mới tìm thấy những hạt giống của mình?


Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG