Điểm tựa gia đình trên sàn đấu

Điểm tựa gia đình trên sàn đấu
TP - Nếu tại mỗi kỳ SEA Games, Đoàn Thể thao VN được coi là một “đại gia đình” mà mỗi thành viên đều có nhiệm vụ mang về HCV cho Tổ quốc thì trong “đại gia đình” ấy lại có những thành viên gia đình thực sự.

Người ta nói ông Nguyễn Mạnh Hùng là người làm thay đổi bộ mặt bóng chuyền Việt Nam. Từ chỗ chẳng có huy chương nào tại các kỳ SEA Games, bóng chuyền nam dưới bàn tay nhào nặn của ông Hùng đã lần lượt giành HCĐ tại SEA Games 23 rồi HCB tại SEA Games 24.

Tay chuyền hai nổi tiếng một thời của đội tuyển bóng chuyền Việt Nam, thực ra, thành công nhiều hơn với đội tuyển bóng chuyền nữ cho đến khi nhận nhiệm vụ “cài đặt” lại đội tuyển bóng chuyền nam từ năm 2005, cũng có nhiều băn khoăn bởi ở đội tuyển đã có một người trong gia đình ông: Cậu con trai Duy Quang. Liệu bố làm HLV trưởng, con là tuyển thủ có gây điều tiếng gì?

Trợ lý Trần Minh Khang của đội tuyển bóng chuyền nói: “Tôi chẳng phải khen anh Hùng nhưng chuyện bố con anh Hùng ở đội tuyển thì chưa bao giờ có điều tiếng gì”.

Cái khó với ông Hùng là chuyện kỷ luật Thái Anh Văn - Người từng bị giới chuyên môn gán cho biệt danh “Văn Quyến của bóng đá” bởi tài và tật. Khó ở chỗ, Anh Văn là đồng đội của Duy Quang ở Thể Công. Thế nhưng quyết định của ông Hùng được cho là rất sáng suốt bởi sau khi Thái Anh Văn bị kỷ luật, đội tuyển bóng chuyền lập tức có quy củ.

Điểm tựa gia đình trên sàn đấu ảnh 1

Đã có lần, ông Hùng tâm sự rằng: “Về thực lực, lẽ ra bóng chuyền Việt Nam phải đoạt huy chương SEA Games từ rất lâu rồi nhưng rồi chuyện bè phái, chuyện quân anh - quân tôi đã cản trở. Khi về đội tuyển, việc đầu tiên của tôi là phá dỡ tất cả những chuyện này.

Riêng chỗ thằng Quang tôi không ngại, tôi đã nói thẳng với nó là đã vào sân là không có chuyện tình cảm cha con, công việc phải đặt lên hàng đầu. Chuyện gia đình thì về nhà nói”.

Thực chất khi ông Hùng  nắm đội tuyển bóng chuyền thì Duy Quang chính là cầu thủ ngồi dự bị... dài dài. “Chỉ một cử chỉ được cho là thiên vị với Quang thì liệu pháp tâm lý của tôi ở đội tuyển coi như phá sản” - ông Hùng nói.

Chính cái liệu pháp tâm lý ấy đã mang lại thành công cho đội tuyển bóng chuyền. Ông Hùng cười: “Tất nhiên, tôi cũng không vì thế mà khắc nghiệt với con trai. Nó cần phải tự khẳng định bằng chuyên môn, bản thân Quang cũng rất ghét việc nó được vào đội tuyển là nhờ tôi”.

Con đoạt Vàng, mẹ khóc

Điểm tựa gia đình trên sàn đấu ảnh 2
Thùy Linh trong bài biểu diễn giành HCV SEA Game - Ảnh: Trường Huy

Cựu vô địch thế giới môn Wushu Nguyễn Phương Lan đã bật khóc khi nhìn cô con gái bé nhỏ của mình - Thùy Linh đoạt HCV SEA Games 24. Mặc dù từng đoạt HCV thế giới, HCV châu Á nhưng ở cả SEA Games 21, 22, Phương Lan đều không giành được HCV.

Khi chuyển qua huấn luyện, chị dồn rất nhiều tâm huyết của mình vào cô con gái bé nhỏ Thùy Linh, sinh năm 1990. Phương Lan kể: “Khi còn trong bụng mẹ, Thùy Linh đã rất hiếu động, đạp dữ lắm và bản tính này càng trở nên rõ nét khi bé chào đời.

Chín tháng, suốt ngày cô bé cứ khoa chân múa tay, khiến ông bà chăm nom cũng mệt đứt hơi. Đến khi đi vững rồi, không ít lần mẹ Lan đã phải bật cười khi thấy con gái yêu quý đang soi gương, giơ chân bên này, đảo tay sang bên kia, bắt chước mẹ múa võ.

Có lúc không trụ vững, bé Linh ngã lăn ra đất nhưng rồi vùng dậy ngay để múa tiếp. Mới 2 tuổi, bé đã biết gồng chân lên rồi gọi: Mẹ ơi nhìn chân con này. Sờ bắp chân con rắn chắc, Phương Lan biết là bé có tố chất để học võ và quyết định cho con nối nghiệp. Đến năm bé lên 8 tuổi thì chính thức nhập võ đường”.

Điểm tựa gia đình trên sàn đấu ảnh 3
Ảnh: Quang Thắng

Niềm tin của Phương Lan vào cô con gái đã đúng. Bốn năm sau, ở tuổi 12, Thùy Linh đã ghi danh ở bảng vàng giải trẻ châu Á với ngôi vô địch.

Ở SEA Games 24 này, Phương Lan được mời làm trọng tài (trong khi chính chị lại là HLV trưởng đội nam đao Wushu). Trước khi con gái thi đấu, Phương Lan chỉ nhắc: “Con cố gắng thi đấu tốt, thay phần mẹ”.

Thế rồi khi trọng tài công bố điểm số, Phương Lan đã giàn giụa nước mắt, Thùy Linh đã đoạt HCV. “Con gái tôi xuất sắc hơn tôi” - Chị nói. Còn Thùy Linh thì nhỏ nhẹ: “Cháu đã rất cố gắng vì luôn nghĩ tới những thiệt thòi mà mẹ đã phải chịu đựng ở các kỳ SEA Games trước”.

Vợ thi đấu, chồng lo

Điểm tựa gia đình trên sàn đấu ảnh 4
Cuaro Thanh Huyền

Thanh Huyền là một nhân vật cũ mà mới của làng xe đạp Đông Nam Á. Cũ là bởi Thanh Huyền đã từng ba lần liên tiếp đoạt HCV SEA Games nội dung băng đồng, Huyền còn là VĐV xe đạp Việt Nam đầu tiên đoạt HCV châu Á.

Sau SEA Games 2003, Huyền quyết định giã từ đường đua để lo việc gia đình. Ông xã của Huyền là bác sỹ đang làm việc ở Trung tâm Huấn luyện thể thao QG II tận Thủ Đức (TPHCM). Những tưởng Huyền sẽ giã từ sự nghiệp VĐV thì bất ngờ Huyền quay lại, như Huyền nói sự trở lại này không phải là vì tiền, vì danh hiệu mà chính vì “tôi cảm thấy mình còn có thể cống hiến”.

Nhưng để tiếp tục sự nghiệp, Huyền phải chấp nhận một điều mà không phụ nữ nào muốn: Xa con. Để tập trung luyện tập, Huyền phải gửi đứa con trai hơn 2 tuổi cho ông bà nội ở Hà Nam. Huyền nói: “Trước khi dự SEA Games tôi đã tự nhủ rằng sẽ phải giành HCV để tặng con trai yêu quý và không muốn thời gian xa nhà, xa chồng con trở nên vô ích”.

Chiếc HCV mà Thanh Huyền đạt được là HCV SEA Games thứ tư trong sự nghiệp của cô.

Theo Huyền, niềm động viên cho chị lớn nhất chính là sự có mặt của chồng – một bác sỹ của Đoàn Thể thao Việt Nam. Cặp vợ chồng này luôn làm người khác ghen tỵ khi luôn tình tứ, chăm sóc lẫn nhau trong nhà ăn, khi đi dạo trong làng VĐV.

Thanh Huyền nói: “Tôi biết ông xã rất lo nếu tôi bị tai nạn hay ngã nhưng tính mình liều nên cuối cùng cũng có vàng”.

MỚI - NÓNG