Đìu hiu Hàng Đẫy

Đìu hiu Hàng Đẫy
TP - Sân nhà của CLB Hà Nội T&T, đương kim á quân V.League thường xuyên trong tình trạng hiu hắt người xem. Hà Nội T&T trong ba năm trở lại đây, luôn được đánh giá là đội bóng có lối chơi cống hiến đẹp mắt hàng đầu V.League.

> Vòng 3 V.League: Chủ nhà toàn thắng
> Chủ nhà vào tứ kết

Chịu khó chiêu mộ những cầu thủ gốc Hà Nội và có lối chơi được xem là hấp dẫn hàng đầu V.League nhưng Hà Nội T&T vẫn chưa kéo được nhiều khán giả tới sân Hàng Đẫy. Ảnh: VSI
Chịu khó chiêu mộ những cầu thủ gốc Hà Nội và có lối chơi được xem là hấp dẫn hàng đầu V.League nhưng Hà Nội T&T vẫn chưa kéo được nhiều khán giả tới sân Hàng Đẫy. Ảnh: VSI.

Vòng đấu thứ ba V.League, theo thống kê của BTC, sân Hàng Đẫy đón khoảng 1.500 khán giả đến xem trận đấu giữa đội chủ nhà Hà Nội T&T với Đồng Nai. Con số này theo đánh giá là chưa sát với thực tế chỉ vài nhóm CĐV lèo tèo trên sân.

Mặc dù vậy, so với các sân vận động khác, số lượng khán giả ở sân Hàng Đẫy vẫn thấp nhất. Cụ thể, sân Thanh Hoá 10.000 người, Lạch Tray (Hải Phòng) 12.000 người, Vinh 8.000 người. Thấp như sân Long An, khi ĐT.LA tiếp The Vissai Ninh Bình cũng có 6.000 CĐV.

Trong ngày khai mạc V.League khi Hà Nội T&T tiếp HA.GL, số lượng CĐV ở sân Hàng Đẫy có nhỉnh hơn, được đếm khoảng 3.000 người nhưng vẫn thấp nhất so với các sân bóng khác.

Các trận đấu của Hà Nội T&T trên sân Hàng Đẫy, số lượng khán giả chỉ tăng lên ở những trận cầu “đinh”, khi tiếp các đội bóng như SLNA, V. Hải Phòng, Thanh Hoá…do việc CĐV đội khách đi theo để cổ vũ cho đội nhà. Ở các trận đấu khác, số lượng CĐV thậm chí chỉ được vài trăm.

Đây là một thực tế lạ, trong bối cảnh ba năm trở lại đây, đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng vẫn được đánh giá có lối chơi cống hiến đẹp mắt hàng đầu V.League.

Sau khi thành lập, Hà Nội T&T dưới sự dẫn dắt của HLV Triệu Quang Hà đã lập thành tích ba năm thăng liền ba hạng để lên V.League. Đội bóng thủ đô cũng chỉ cần thêm ba năm nữa để trở thành một thế lực ở V.League, luôn là một trong những ứng viên vô địch trước mỗi mùa giải.

Mùa giải 2010, Hà Nội T&T giành chức vô địch V.League đầu tiên, đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng chỉ chịu mất chức vô địch vào tay SLNA sau trận đấu “chung kết” căng thẳng giữa hai đội trên sân Vinh ở mùa giải tiếp theo.

Thông qua đầu tư của “bầu” Hiển, Hà Nội T&T liên tục tăng cường lực lượng qua các mùa giải và tới thời điểm hiện tại, HLV Phan Thanh Hùng đang nắm trong tay dàn cầu thủ có chất lượng cao, cả nội lẫn ngoại binh.

Khán giả có lẽ là điểm yếu lớn nhất của Hà Nội T&T. Để lôi kéo các CĐV đến sân, “bầu” Hiển được cho là đã làm khá nhiều việc, gồm cả việc chiêu mộ các cầu thủ cũ của Thể Công hoặc có gốc Hà Nội.

Tuy nhiên, bước sang mùa giải 2013, số lượng khán giả đến sân Hàng Đẫy theo dõi Hà Nội T&T thi đấu vẫn chưa được cải thiện. Đây là lý do nhiều người cho rằng, dù tiền và thành tích không chịu kém ai, nhưng bầu Hiển vẫn “nghèo” nhất V.League.

Trên thực tế, “đói” khán giả cũng là “bệnh” chung của các giải VĐQG ba mùa giải vừa qua. Sau chức vô địch AFF Cup của ĐTVN năm 2008, số lượng khán giả trung bình đến xem một trận đấu ở V.League có lúc tăng lên hơn 10.000 người. Tuy nhiên, cùng với những thất bại gần đây của bóng đá VN ở cả AFF Cup và SEA Games, số CĐV đến xem bóng đá ngày một giảm.

Qua ba lượt trận đầu tiên, số khán giả trung bình đến sân, theo thống kê của BTC chỉ nhỉnh hơn 9.000 người/trận. Tuy nhiên, con số này vẫn là cao so với số trung bình khán giả đến sân ở cả mùa giải 2012. Ở mùa giải trên, mỗi trận đấu ở V.League chỉ có trung bình hơn 7.700 CĐV, thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây.

Sau khi tiếp nhận V.League và các giải chuyên nghiệp từ LĐBĐVN (VFF), một trong những ưu tiên hàng đầu của VPF, như Chủ tịch Võ Quốc Thắng tuyên bố, là phải thu hút được đông đảo lượng khán giả đến sân.

Đông khán giả là một trong những yêu cầu quan trọng để bóng đá VN chuyển sang tự nuôi mình, thay vì phải nhờ đến “bầu sữa” của Nhà nước cũng như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hai mùa giải vừa qua, đây sẽ vẫn là bài toán khó giải, với cả Hà Nội T&T nói riêng và VPF nói chung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.