Dở khóc dở cười chuyện doping

Dở khóc dở cười chuyện doping
TP - Mới đây, VFF thông báo tất cả các cầu thủ Việt Nam dự ASIAN Cup sắp tới sẽ được “ưu tiên” thử doping trước mặc dù theo quy định của FIFA và AFC việc kiểm tra doping sau mỗi trận đấu là đương nhiên. Việc đi trước một bước của VFF chỉ mang tính chất... phòng xa.

Theo các quan chức VFF, sau hàng loạt vụ việc các cầu thủ trẻ sử dụng thuốc lắc hay ma tuý như trường hợp của Xuân Thành (HN.ACB), Lưu Văn Hiền (U19 SLNA)... thì việc yêu cầu các cầu thủ, kể cả tuyển thủ quốc gia thử doping là không thừa bởi ma tuý đương nhiên nằm trong danh mục cấm sử dụng của FIFA và Ủy ban Olympic quốc tế.

Ông Phạm Quang - trưởng phòng đội tuyển VFF nói: “Tôi không tin rằng một cầu thủ cỡ đội tuyển lại liên quan đến ma túy hay doping nhưng mình cứ phải làm chắc”.

Thực ra, trong cuộc hội thảo Tầm nhìn châu Á từ năm 2004, AFC đã khuyến cáo VFF về doping.

Khi đó, ông Gurchanran Sigh - Giám đốc Y học của AFC nói: “AFC cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này và khuyến cáo LĐBĐ các quốc gia nên đầu tư và xây dựng hệ thống y học thể thao. Đáng tiếc rằng mảng y học thể thao của bóng đá Việt Nam khá yếu”.

Một vấn đề mà VFF lưu tâm là chi phí cho mỗi mẫu thử doping không nhỏ. Việt Nam cũng không thể xây dựng trung tâm phân tích và xét nghiệm doping do chi phí lớn cỡ từ  20 đến 40 triệu USD. Trong khi đó với các test nhanh thì phải mất mỗi mẫu không dưới 200 USD. Như vậy để “rà soát” hơn 20 cầu thủ, VFF cũng phải tốn cỡ 5.000 USD.

Đã từng “khóc” vì doping 

Trong bóng đá, chưa có cầu thủ Việt Nam nào bị phát hiện là sử dụng doping nhưng trong giới thể thao cũng đã có những VĐV Việt Nam “dính”.

Đó là các trường hợp các VĐV Phạm Thị Dịu, Phạm Toàn Thắng ở môn lặn, Hoàng Hồng Anh ở môn đua thuyền và Phạm Mai Quỳnh ở môn điền kinh. Đây được coi là một “cú sốc” đối với các lãnh đạo thể thao Việt Nam ngay sau SEA Games 22.

Trước đây, đội tuyển bóng đá cũng đã được dùng một loại dược phẩm thuốc mang tên Cao tụ đường.

Loại thuốc này đã từng được đặt vấn đề là có phải doping hay không nhưng giải thích của Viện Y học thể dục thể thao là Cao tụ đường được phép sử dụng.

Đã có lần dưới thời A.Rield tại SEA Games 22, trợ lý Nguyễn Thành Vinh đã cho các cầu thủ ăn… thịt chó trước ngày thi đấu.

Theo ông Vinh, đó là một loại… doping thiên nhiên.

Chuyện về doping không dừng lại ở SEA Games 22, sau đó thêm một VĐV Việt Nam bị xác định là sử dụng doping khi lực sỹ thể hình Nguyễn Văn Tuấn bị Liên đoàn thể hình châu Á phạt 2.000 USD vì xét nghiệm doping cho kết quả dương tính.

Một lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam thẳng thắn nhận định: “Đã là thể thao đỉnh cao thì không thể không dùng thuốc, vấn đề là thuốc gì và có trong danh mục cấm hay không”.

Nói về danh mục cấm thì “vô cùng”. Tiến sỹ Lê Quý Phượng - Viện trưởng Viện Y học TDTT cho biết: “Uống quá nhiều cà phê trước khi thi đấu có khi cũng đã cho kết quả dương tính rồi”.

Cũng theo ông Phượng, chúng ta rất cần cảnh giác vì các bác sỹ trong thành phần đội tuyển và các bác sỹ y học thể thao hiện nay chưa được trang bị những kiến thức cần thiết trong việc phát hiện cầu thủ sử dụng doping.

Mặt khác, kiến thức về doping của các cầu thủ rất hạn chế. Trong danh mục thuốc cấm có tới vài trăm loại, thậm chí khi VĐV dùng thuốc cảm, thuốc đau dạ dày hoặc những loại thuốc không đúng chỉ dẫn cũng cho kết quả dương tính.

Khóc dở mếu dở

Nhiều VĐV, ngay cả các cầu thủ nghe đến chuyện doping là bủn rủn hết chân tay bởi chính họ đã từng bị... hành xác. Tại SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, hàng loạt những chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc thử doping.

Chẳng hạn, sau khi VĐV điền kinh Lan Anh đoạt HCV nội dung chạy 1500m và vượt kỷ lục SEA Games, đã có những lời xì xào trong cả giới chuyên môn rằng Lan Anh dùng “thuốc” (ám chỉ dùng doping) với lý luận rằng:

Người Việt Nam không có cách nào mà chạy nhanh đến như thế, hơn nữa thành tích của Lan Anh ở giải Tiền SEA Games trước đó hơn tháng không mấy khả quan. Vì thế Lan Anh đã bị các nhân viên y tế “quần” đến hai tiếng đồng hồ trong phòng lấy mẫu.

Nữ hoàng tốc độ Nguyễn Thị Tĩnh cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tổng Thư ký Liên đoàn điền kinh Hà Nội Thanh Vân kể lại: “Tôi cũng đến khổ vì phải chờ mãi mà không có được... mẫu thử. Mình thì không thể về sớm vì còn phải ký vào biên bản. Tới tận khuya hai cô trò mới về được, còn Tĩnh thì nôn thốc nôn tháo toàn nước”.

Những nghi án hài hước về doping

Người trong làng bóng đá cho đến giờ vẫn không hết hoài nghi về “những viên kẹo” của cựu HLV đội tuyển bóng đá Việt Nam Tavares. Năm 1995, giới chuyên môn bàng hoàng về cuộc “cách mạng thể lực” mà Tavares đã mang lại cho đội tuyển Việt Nam.

Đã có những nghi ngờ, thậm chí là có cả báo cáo của chính các trợ lý lúc bấy giờ lên lãnh đạo VFF đặt dấu hỏi về những viên kẹo màu xanh mà Tavares thường đưa cho cầu thủ ăn sau mỗi trận đấu và trong các buổi tập.

Gần 10 năm sau, trên con đường chinh phục đỉnh cao Tiger Cup, người ta lại thấy Tavares cắn  những miếng kẹo màu xanh ấy chia cho các cầu thủ. Phải chăng là một loại “doping”?

Khi được hỏi về những viên kẹo ấy, Tavares đã trả lời rằng đó chỉ là những viên kẹo bình thường chẳng có hoá chất hay công dụng gì đặc biệt, việc ông chia các viên kẹo chỉ như một thứ “doping tinh thần” để các cầu thủ thi đấu gắn kết hơn mà thôi.

Trước SEA Games 23, không ít người nghe nói về một loại “doping thiên nhiên” của đoàn TTVN mà... mê. Khi đó, Viện Khoa học TDTT đã quyết định mua viên nang hải sâm và rắn biển được Viện Công nghệ sinh học chế tạo thành công, người trong giới y học vẫn gọi đùa viên này là “viagra nội”.

Bởi lẽ bên cạnh tính năng lượng testosteron trong cơ thể bù đắp thiếu hụt trong vận động của VĐV thì nó còn một tác dụng khác: Tăng cường sinh lực cho những quý ông… yếu sinh lý.

Sau khi đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công ở SEA Games 23, đã có người nhắc đến công lao của những viên nang hải sâm rắn biển quý giá và người ta không quên hỏi liệu có VĐV nào dùng xong mà trở nên... “bất trị” không?

Tất cả đều thở phào vì những viên “tăng cường sinh lực”  ấy chỉ giúp VĐV đoạt thành tích cao chứ không “giúp” vào việc gì khác.

MỚI - NÓNG